Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những 'bệnh nhân số 0' nổi tiếng thế giới
Thứ sáu: 08:47 ngày 03/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc tìm ra "bệnh nhân số 0" trong một đại dịch là tương đối quan trọng, song đôi khi có thể khiến nhiều người mang tiếng xấu muôn đời.

Đầu những năm 1980, khi chữ cái ‘O’ được dùng để đánh dấu các bệnh nhân bị hiểu nhầm là số 0, thuật ngữ mới gây tranh cãi đã ra đời, mang tên "bệnh nhân số 0".

"Đây là một từ rất rộng. Nó có thể là vô nghĩa, hoặc cũng có thể là khởi đầu cho tất cả", Richard McKay, nhà sử học tại Đại học Cambridge, Anh, nhận định. Sau này người ta thường dùng nó để chỉ những cá nhân đầu tiên mang mầm bệnh đến một đất nước, khu vực.

Bệnh nhân số 0 đầu tiên

Khái niệm "bệnh nhân số 0" lần đầu xuất hiện gắn chặt với tên tuổi của Gaëtan Dugas, một tiếp viên hàng không người Pháp gốc Canada.

Năm 1981, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận một căn bệnh bí ẩn, gây suy giảm miễn dịch ở người. Họ bắt đầu nghiên cứu một nhóm nam giới đồng tính ở California và tạm gọi tên căn bệnh là GRID (Gay Related Immune Deficiency - hội chứng suy giảm miễn dịch ở người đồng tính, tên tiền thân của HIV).

Gaëtan Dugas, từng bị truyền thông gọi là "bệnh nhân số 0" mang mầm bệnh HIV đến Mỹ. Ảnh: BBC

Khi ấy, Dugas được cho là người đầu tiên mang HIV đến Bắc Mỹ, dựa trên nghiên cứu của CDC.

Tuy nhiên, tên gọi "bệnh nhân số 0" dành cho anh lại bắt nguồn từ một nhầm lẫn tai hại. Số 0 trong báo cáo của CDC thực chất là chữ cái O, viết tắt của "Out of California" (bên ngoài California), chỉ việc Dugas không sinh sống trong thành phố. Tuy nhiên, như vậy là quá đủ để truyền thông thêu dệt và đổ lỗi cho một "thủ phạm" duy nhất.

Dugas và cả gia đình bị chỉ trích nhiều năm liền. Trong cuốn sách về dịch HIV/AIDS của Randy Shilts mang tên "Và ban nhạc vẫn chơi", ông bị nhắc đến như một đối tượng chống đối xã hội với đời sống tình dục trụy lạc.

Năm 1987, Tạp chí National Review gọi ông với cái tên "Ông tổ của bệnh AIDS". Tờ New York Post ví Dugas như "người khiến chúng ta bị AIDS" ngay trên trang nhất.

Định kiến tồn tại qua nhiều thập kỷ. Đến tháng 3/2020, Tạp chí Nature chính thức "minh oan" cho ông. Các nhà khoa học chỉ ra rằng virus HIV đã xuất hiện ở Mỹ từ khoảng năm 1970, qua một dịch bệnh tại Caribe.

Dù câu chuyện về Dugas dần trôi vào quên lãng, khái niệm "bệnh nhân số 0" vẫn tồn tại đến ngày nay, để ghi nhận ca nhiễm đầu tiên của một chuỗi lây truyền lớn. Song nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế rất hạn chế sử dụng cụm từ này.

Mary Thương hàn

Theo Phó giáo sư Thomas Friedrich, khoa bệnh học tại Đại học Wisconsin-Madison: "Xác định một người là ‘bệnh nhân số 0’, một mặt có thể gây ấn tượng sai lệch về nguồn gốc của virus, mặt khác khiến cộng đồng nghĩ rằng nên đổ lỗi cho một cá nhân nào đó khi có dịch bệnh xảy ra".

Ian Lipkin, giáo sư dịch tễ, giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch, Đại học Columbia, New York, cho biết thay vì xác định "bệnh nhân số 0", việc tìm hiểu những nguồn siêu lây nhiễm trong đại dịch có ý nghĩa hơn nhiều. Chẳng hạn, Dugas dù không phải "bệnh nhân số 0" của dịch HIV, nhưng vẫn đóng vai trò như người siêu lây nhiễm.

Một trong những trường hợp "siêu lây nhiễm và siêu ủ bệnh" đầu tiên là Mary Mallon, thường được nhắc đến với tên Mary Thương hàn.

Hình ảnh Mary Mallon được phác họa trên một tờ báo năm 1909 với tiêu đề "Mary Thương hàn". Ảnh: The New York American

Bà là một đầu bếp gốc Ireland, có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, vào một buổi tối năm 1900, các gia đình Mary giúp việc đều có biểu hiện sốt thương hàn sau khi ăn bữa tối do bà chuẩn bị. Bà sớm được truyền thông lúc bấy giờ ghi nhận là "bệnh nhân số 0", dù chưa phát triển dấu hiệu bất thường nào.

"Có những người như Mary, vì lý do nào đó đã nhiễm bệnh và không biểu hiện triệu chứng. Nhưng họ vẫn có thể lây lan virus cho người khác", Giáo sư Friedrich nói.

Mary buộc phải cách ly hai lần trong vòng 26 năm. Bà từng kiện cơ quan y tế New York, lập luận mình không hề cảm thấy ốm yếu, nên không thể lây bệnh cho người khác.

Đến nay, không ai biết liệu bà có thực sự là "bệnh nhân số 0" trong đợt dịch thương hàn năm đó, hay chỉ đơn giản là một nguồn siêu lây nhiễm.

Người đầu tiên mắc SARS

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguồn gốc của đợt bùng phát dịch Sars năm 2003 là từ bác sĩ Liu Jianlun, 64 tuổi, làm việc ở một bệnh viện phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông bị sốt trong thời gian ở khách sạn Metropole Hong Kong và đã lây bệnh cho 16 người khác.

"Ông ấy có thể không phải ‘bệnh nhân số 0’. Nhưng nếu xét đến tác động đối với đợt bùng phát, ông ấy là mắt xích quan trọng", giáo sư Ian Lipkin nói.

Những vị khách từng tiếp xúc với bác sĩ Liu sau đó tỏa đi nhiều quốc gia. Chỉ trong chưa đầy 4 tháng, khoảng 4.000 người trên thế giới đã nhiễm Sars, trong đó 550 trường hợp tử vong.

Đến nay, chưa ai rõ Liu mắc bệnh từ nguồn nào. Nhiều chuyên gia phỏng đoán ông bị lây chéo virus trong bệnh viện. Trong khi đó ở Quảng Đông, người ta tin rằng "bệnh nhân số 0" là một nông dân, nhiễm Sars sau khi tiếp xúc với động vật. Những bệnh dịch như vậy được gọi là "zoonotic".

Y tá mặc đồ bảo hộ bên ngoài một phòng khám tại Toronto, Mỹ, trong dịch Sars năm 2003. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của WHO, Sars được cho là có nguồn gốc từ loài dơi, sau đó thông qua vật chủ trung gian khác, chẳng hạn cầy hương, để lây nhiễm cho người.

Theo Tiến sĩ Richard Stein, Đại học Y khoa New York, 60% các loại bệnh truyền nhiễm xuất phát từ động vật. "Ước tính, đến năm 2020, sẽ có khoảng 10 đến 40 loại virus mới xuất hiện ở người", ông nói.

Tuy nhiên, giáo sư Thomas Friedrich cho rằng ngăn chặn mầm bệnh lây từ động vật sang người không phải điểm mấu chốt để loại trừ đại dịch. Trên thực tế, virus sẽ luôn truyền từ động vật sang người. "Chìa khóa ở đây là không để chúng lan từ một người sang nhiều người hơn", ông nói.

Sự khởi nguồn của các đợt dịch cúm

Năm 2004, Captain Boonmanuch, một cậu bé 6 tuổi, được ghi nhận là bệnh nhân mắc cúm gia cầm (H5N1) đầu tiên ở Thái Lan, khi virus lây lan rộng khắp châu Á. Captain có thể không phải "bệnh nhân số 0", nhưng gia đình cho biết em đã bị ốm sau khi bắt một con gà để mang sang nhà chú mình. Nhiều người tin rằng con gà khi ấy đã mắc cúm và lây cho cậu bé.

Kể từ năm 2003 đến 2016, toàn thế giới có 850 trường hợp nhiễm H5N1, trong đó 452 người tử vong.

"Các dịch bệnh mới xuất hiện ở người thường bắt nguồn từ việc tiếp xúc với động vật. Virus thực ra là các chủng tái tổ hợp từ mầm bệnh cư trú trên các loài chim hoặc động vật", Giáo sư Bertram Jacobs, Đại học Arizona, nói.

Hiện tượng tái tổ hợp xuất hiện khi vật liệu di truyền từ hai hoặc nhiều loại virus, lây nhiễm cùng một vật chủ, trộn lẫn với nhau. Đây cũng chính là điều đã xảy ra đối với cúm lợn H1N1. Virus xuất hiện ở người gây ra đại dịch năm 1918.

Đến 2009, căn bệnh một lần nữa lây lan toàn cầu. Bệnh nhân đầu tiên nhiễm H1N1 khi ấy được xác nhận là một cậu bé 5 tuổi, tên Edgar Hernandez, sinh sống tại thị trấn La Gloria của Mexico.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục