Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dạy học qua môi trường mạng:
Những bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số của ngành Giáo dục
Thứ tư: 00:18 ngày 24/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước tình hình dịch bệnh Covid- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành buộc phải cho học sinh nghỉ học để tránh dịch. Tại Tây Ninh, học sinh nghỉ học đến hết ngày 28.2.2021. Thực hiện phương châm “Không đến trường nhưng không nghỉ học”, Sở GD&ÐT chỉ đạo các trường thực hiện việc học và giao bài tập online cho học sinh.

Một giáo viên của Trường THPT Tây Ninh dạy trực tuyến tại nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ dịch Covid-19.

Hình thức phong phú

Tại Trường THPT Tây Ninh, chương trình học trực tuyến được thực hiện thông qua phần mềm Zoom Meetings (một giải pháp hội nghị truyền hình, các cuộc họp trực tuyến, thảo luận nhóm dựa trên đám mây giúp các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng triển khai các cuộc họp trực tuyến từ bất cứ đâu, thậm chí ngay từ các thiết bị di động như smartphone, tablet…) và học trực tuyến trên Zalo nhóm của từng lớp nhằm giải đáp thắc mắc của học sinh trong và sau tiết học.

Ông Nguyễn Trung Nhẫn- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh thông tin, từ ngày 22.2 cho đến khi có thông báo mới, giáo viên của trường giảng bài mới cho học sinh theo thời khoá biểu chính khoá vào mỗi buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy, thời lượng 4 tiết/buổi.

Sau 3 đợt dạy online trong các đợt dịch Covid-19, đội ngũ giáo viên, các em học sinh của trường dần làm quen với việc học trực tuyến. Giáo viên giảng dạy đã có sự đầu tư về trang thiết bị tại nhà, thiết kế chương trình bài giảng phù hợp với thời lượng và cách học trực tuyến. Học sinh đã có ý thức tự giác vào học online đúng theo quy định của nhà trường.

Thông qua dạy học trực tuyến, các em học sinh được giảng dạy bài bản, được giải đáp thắc mắc trực tiếp trong lúc học thông qua tương tác trực tiếp với giáo viên. Ngược lại, giáo viên có thể giám sát việc học và giao bài tập cho học sinh một cách khoa học và nhanh chóng. Phụ huynh cũng dần làm quen với việc phối hợp cùng giáo viên, nhà trường hỗ trợ học sinh về mặt trang thiết bị và hỗ trợ, giám sát học sinh trong việc học online tại nhà.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên bộ môn trực tiếp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh qua các bài kiểm tra dưới nhiều hình thức: tự luận, trắc nghiệm hoặc vừa tự luận vừa trắc nghiệm thông qua website dạy học hoặc Google… nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan, tập trung và linh hoạt.

Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ÐT về đánh giá và xếp loại theo Thông tư 26. Dù học trực tuyến nhưng khi học sinh quay trở lại, nhà trường vẫn phải tổ chức cho học sinh ôn tập nhằm bổ sung, củng cố những kiến thức đã học trực tuyến và kiểm tra định kỳ, học kỳ theo quy định của Bộ GD&ÐT.

Khác với học sinh THPT, học sinh khối THCS chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với điện thoại di động và các phương tiện học online. Ða số các trường khối THCS áp dụng phương pháp dạy học online thông qua hình thức học tập trung trên nhóm Facebook, Zalo...

Ðiển hình như chương trình học online của Trường THCS Trần Hưng Ðạo (TP. Tây Ninh) việc giảng dạy bài học được nhà trường triển khai dưới hình thức thiết kế video clip bằng Power Point và lồng tiếng giảng bài của giáo viên ngay trong video clip, học sinh tham gia học có thể dễ dàng theo dõi và ghi chép bài.

Sau mỗi tiết học, giáo viên bộ môn giao bài tập cho từng lớp thông qua nhóm Zalo của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường. Sau khi làm xong, các em học sinh gửi bài cho giáo viên chủ nhiệm, sau đó, giáo viên chủ nhiệm gửi lại cho giáo viên bộ môn, tổ chuyên môn chấm điểm, đánh giá.

Bà Võ Kim Hồng- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Ðạo cho biết, sau 3 đợt dịch Covid-19, nhà trường đã dần cải tiến phương pháp học online giúp học sinh có thể tiếp thu và củng cố kiến thức tại nhà. Các video clip của từng môn học được tổ chuyên môn và ban giám hiệu xem xét, đánh giá kỹ càng về phần nội dung và hình thức giảng dạy trước khi gởi đến các em học sinh.

Học sinh bước đầu đã có ý thức trong việc tham gia các tiết học online, làm bài tập đầy đủ. Việc học online đòi hỏi học sinh phải có tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong học tập. Ðồng thời, phải có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh nhằm bảo đảm các em tham gia các tiết học, làm bài tập đầy đủ để nhà trường có thể theo dõi việc học.

Ðối với khối tiểu học, việc triển khai dạy học online cho các em học sinh vất vả hơn nhiều do các em còn quá nhỏ, chưa thể tự sử dụng các thiết bị điện tử để học online, cần có sự giám sát, hỗ trợ chặt chẽ của phụ huynh.

Bà Bùi Thị Hà- Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ, việc triển khai chương trình học online của nhà trường đã được chuẩn bị nhanh chóng khi nhận được thông báo nghỉ đến ngày 28.2.2021 của Sở GD&ÐT. Giáo viên thiết kế bài giảng online hợp lý, dễ hiểu để các em tiếp thu.

“Nhà trường không quá đặt nặng việc học kiến thức mới mà chỉ tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cũ để khi quay trở lại trường, các em không bị quên kiến thức và theo kịp tiến độ các bài học mới. Sau 3 đợt học online trong 3 đợt dịch Covid- 19, các em học sinh ít nhiều có sự chủ động trong việc học online. Học sinh đã quen dần với việc học, làm bài tập tại nhà. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của phụ huynh, hầu hết các em học sinh có sự tiếp thu tốt trong việc học online”- bà Hà nhìn nhận.

Tương tác chưa cao

Dù việc học online đã dần trở nên quen thuộc với giáo viên, học sinh nhưng hình thức học này vẫn còn nhiều hạn chế đối với học sinh lẫn giáo viên.

Ông Nguyễn Trung Nhẫn- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh cho biết, cách học trực tuyến qua hệ thống Zoom của trường vẫn còn nhiều hạn chế đối với giáo viên và học sinh vì thời lượng một tương tác của hệ thống chỉ được tối đa 40 phút một lần hoạt động, trong khi đó theo quy định một tiết học có 45 phút giảng dạy.

Ðường truyền internet của giáo viên và học sinh cũng là một hạn chế, có lúc học sinh không truy cập được vào hệ thống hoặc hệ thống quá tải, các tài khoản sẽ bị đẩy ra ngoài khi đang học. Ðiều này khiến việc dạy học của thầy trò bị gián đoạn, mất nhiều thời gian, khó tiếp thu được bài giảng.

Việc thiếu điều kiện, trang thiết bị học tập cũng là một vấn đề nan giải đối với học sinh và nhà trường. Hiện nay, các buổi dạy trực tuyến đều được giáo viên bộ môn thực hiện tại nhà, còn học sinh không có điều kiện lắp đường truyền internet mạnh phải đến các tiệm internet để học. Ðến nay, nhà trường vẫn chưa tìm ra phương pháp thay thế, mà chỉ động viên giáo viên, học sinh ôn lại bài cũ sau khi quay trở lại trường để củng cố kiến thức.

Ðối với cách học online của các trường THCS, nhiều phụ huynh nhận xét, đây là cách dạy hơi thụ động, thiếu sự tương tác với học sinh. Chị N.N.H.T, phụ huynh một em học sinh Trường THCS Trần Hưng Ðạo cho rằng, cách học như vậy chưa thực sự phù hợp với khả năng học tập của các em.

Nhiều lúc con chị học không hiểu vấn đề phải nhắn tin hỏi lại giáo viên trên nhóm Zalo thì rất lâu mới nhận được phản hồi. Các con hỏi ba mẹ thì ba mẹ không nắm được kiến thức để giải đáp. Vì vậy, cháu chưa hiểu hết được kiến thức cũ đã phải học sang bài mới.

Việc gia đình thiếu thiết bị điện tử cho con học online còn rất nhiều, thực tế chỉ hơn một nửa học sinh trong lớp có điều kiện tham gia, còn một số học sinh gia cảnh khó khăn chưa tiếp xúc được với chương trình giảng dạy này.

Chị N.T.M.T, một phụ huynh có con theo học Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết- trẻ em nhất là các em học lớp 1, 2 còn rất hiếu động, lúc học tại nhà các em thiếu sự tập trung. Mặt khác, các cháu còn quá nhỏ chưa biết sử dụng thiết bị điện tử để học online nên cần có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh.

Nhưng phụ huynh không thể theo dõi việc học của trẻ liên tục, vì phải đi làm, khiến nhiều trẻ vẫn chưa theo hết được các buổi học online. Nhà trường nên cho các cháu nghỉ hẳn để phòng dịch và tạo môi trường thoải mái, không bị áp lực chuyện học tập khi cháu ở nhà.

Với những thông tin nêu trên, có thể nhìn nhận, Bộ GD&ÐT đã và đang làm những gì có thể làm để “giảm thiệt hại” do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là trong chuyên môn. Tuy vậy, khi được hỏi ý kiến, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý đang làm việc trong ngành Giáo dục ở Tây Ninh có chung một nhận định rằng, dạy học qua mạng, qua truyền hình thực ra chỉ là một giải pháp có tính chất tình thế.

“Nhà trường xây dựng, triển khai các biện pháp để học sinh- nhất là đối với học sinh lớp 12 để các em tham dự kỳ thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp. Nhưng cũng thành thực mà nói, dạy học qua mạng, qua truyền hình chỉ là cách làm tạm thời”- một vị hiệu trưởng cho biết.

Hạ tầng kỹ thuật

“Dạy học qua mạng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Văn bản hướng dẫn của Bộ cũng đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật được đề cập trong chỉ đạo của Bộ, về cơ bản chỉ là hạ tầng kỹ thuật của nhà trường, của giáo viên, còn phía học sinh thì sao?”- một giáo viên am hiểu về công nghệ thông tin nêu câu hỏi.

Giáo viên này phân tích tiếp, thực tế, việc dạy học qua mạng, nhiều trường có triển khai nhưng tinh thần chính vẫn là giáo viên giao bài tập cho học sinh làm. Trong mỗi bài học, phần bài tập tuy quan trọng (để đánh giá học sinh), nhưng cũng chỉ là một phần của bài học.

Trước khi giao bài tập cho học sinh, giáo viên phải giảng bài, học sinh tiếp thu bài, sau đó mới ứng dụng để giải bài tập. Việc giảng bài qua mạng thực tế hiệu quả không cao. Có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, dạy qua mạng hoặc xem qua truyền hình, chỉ là hình thức dạy học một chiều (từ phía người dạy), tính tương tác thấp hoặc không có.

Thứ hai, dạy học qua mạng, qua truyền hình, người dạy không kiểm soát được học sinh như học tập trung, trực tiếp tại lớp học. “Có học sinh mở máy tính lên rồi để đó, giáo viên đâu làm gì được”- ý kiến nêu.

Mặt khác, tuy mạng internet đã phổ biến nhưng không phải gia đình nào, học sinh nào cũng có điều kiện để học qua mạng. Học qua mạng đòi hỏi tính tự giác cao của người học, trong khi đại đa số học sinh vẫn học theo kiểu truyền thống, thụ động.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên, dạy học qua môi trường mạng là một vấn đề mới, hình thức này chỉ xuất hiện đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid- 19 bùng phát.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng công bố một số liệu khá ấn tượng. Theo đó, năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh Việt Nam tham gia học qua mạng cao hơn nhiều quốc gia khác, vào khoảng 75%.

Con số thống kê có thể không sai nhưng cũng chưa phản ánh đúng thực chất, chất lượng dạy học qua mạng. Ðể dạy học qua mạng được cải thiện, tăng dần tính thực chất, tính hiệu quả, đòi hỏi nhiều yếu tố từ giáo viên, học sinh, phụ huynh và đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật thông tin.

Cách nay vài ngày, TP. Hải Phòng quyết định dừng việc dạy học qua mạng đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 vì hiệu quả thấp. Thực tế cho thấy, dạy học qua môi trường mạng chỉ có thể phát huy hiệu quả ở một chừng mực nào đó, đối với học sinh THPT.

Các cấp, bậc học còn lại không phải không dạy học qua mạng được nhưng hiệu quả không cao. Bởi vì không phải cái mới nào cũng có thể “đi vào cuộc sống” trong ngày một ngày hai. Cho đến nay, dạy học qua môi trường mạng, thẳng thắn nhìn nhận, chỉ là giải pháp tình thế. Gần đây, chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục được nói đến nhiều. Một cách thận trọng, cơ hội chuyển đổi số là có và đang được cơ sở giáo dục triển khai nhưng cũng chỉ mới ở những bước đi đầu tiên.

Việt Ðông - Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh