Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những cái đầu hẹp hòi giữa mùa dịch
Thứ năm: 23:24 ngày 05/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ là những thông tin có tính rời rạc, mấy ngày gần đây, khi tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng, nhiều cây bút cả chuyên và không chuyên, cả trong và ngoài nước liên tục công kích Chính phủ Việt Nam cũng như vị lãnh đạo đang giữ trọng trách đứng đầu công tác chống dịch.

(Ảnh minh hoạ)

Như từng đề cập nhiều lần, tin giả, tin nửa thật nửa giả, tin bóp méo, tin suy diễn, tin xuyên tạc, tin bịa đặt... không phải là điều gì mới mẻ, có từ xa xưa. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, lại tán phát rất nhanh, theo mũ luỹ thừa chứ không chỉ dừng lại cấp số nhân như thường thấy. Loại thông tin này đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều tác hại với cộng đồng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng.

“Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là TP. Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công…

Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con virus không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa”- đoạn văn vừa trích dẫn là của một bác sĩ từng công tác lâu năm trong lực lượng vũ trang.

Gần 10 năm trước, không rõ vì nguyên nhân gì, ông tuyên bố ra khỏi Đảng, kể từ đó, vị bác sĩ này thường xuyên có nhiều ý kiến mỉa mai, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những ngày dịch bệnh căng thẳng, tận dụng tối đa chuyên môn được đào tạo, người này liên tục đả kích, phê phán gay gắt Chính phủ trong việc dập dịch Covid- 19, đoạn văn vừa nêu ở trên chỉ là một trong nhiều ví dụ.

Đọc ý kiến của vị bác sĩ, một kỹ sư hoá học đồng thời là một nhà văn đang sống tại TP. Hồ Chí Minh trả lời ông bác sĩ như sau: “Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng.

Ông cần thấy rằng, ngay những ngày nguy cấp nhất của Việt Nam hôm nay, số lượng nhiễm virus cũng chỉ khoảng gần 10.000 người/ ngày, so với Mỹ đã có đủ vaccine và họ coi như đã chống Covid-19 thành công, nhưng những ngày hôm nay ca nhiễm trong ngày của Mỹ lại tăng lên khoảng 60.000 người/ngày, khi dân số Mỹ chỉ hơn ba lần dân số Việt Nam.

Đến nay, Mỹ đã có hơn 600.000 người chết vì virus, trong khi VN mới có mấy trăm người! “Lương y” nhưng vì bất lương nên mới có những phát ngôn lộn ngược, mới giễu cợt cách chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trên những trang mạng chống Việt Nam”.

Khi một bác sĩ trẻ thuộc “tổ nghìn like” lên tiếng trịch thượng, dạy đời bằng những từ ngữ nặng nề, vị kỹ sư trả lời: “Covid-19 quá nguy hiểm nên chống lại chúng quả là rất khó khăn, phức tạp, không thể tránh khỏi những sai sót, yếu kém, bất cập.

Lượng người lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng lên. Vì vậy, để có kết quả tốt hơn, Việt Nam đã phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, vừa rồi Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra những sự chấn chỉnh”.

Không chỉ có vị bác sĩ vừa nêu ở trên thường xuyên lên tiếng để ra vẻ, một số người khác, có chuyên môn về y khoa cũng thường xuyên có ý kiến trên trang cá nhân. Phải thừa nhận với nhau rằng, nhiều ý kiến đóng góp từ những người có chuyên môn rất có cơ sở.

Những đóng góp ấy, ít nhiều được tiếp thu, ghi nhận và chính quyền cũng đang điều chỉnh. Nhưng cũng có không ít người trong ngành y lên tiếng không hẳn bởi tính chuyên môn. Nói đúng hơn, họ lợi dụng đóng góp ý kiến để lồng vào đó những câu văn, lời nói có tính mỉa mai, đả kích, thậm chí bóp méo, xuyên tạc thông tin.

Họ có thể giỏi về chuyên môn nhưng khi đóng góp ý kiến, họ không giữ được thái độ cần có của một người làm công tác khoa học, đó là tính khách quan. Chính những nhận định, ý kiến mang nặng màu sắc chính trị khiến cho ý kiến thuần tuý về khoa học của họ bị che lấp, phản tác dụng. Mới đây nhất, một vị bác sĩ cũng có chút tiếng tăm gửi ý kiến cho người lãnh đạo cao nhất của TP. Hồ Chí Minh.

Vị bác sĩ đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế, theo ông thì hoàn toàn mới. Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, vị lãnh đạo của thành phố đã phản hồi ý kiến, thậm chí gọi điện thoại nói chuyện với người này.

Thông tin sau đó cho biết, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của vị bác sĩ thật ra không mới như ông ta ngộ nhận, vì trước đó thành phố cũng đã làm và đang làm. Điều đáng nói, vì là “người của công chúng” nên lượng tương tác trong các bài viết của vị bác sĩ rất lớn, mỗi bài viết có hàng trăm, hàng ngàn “bình luận”.

Trong đó, có không ít những ý kiến xúc phạm, công kích, mạt sát hết người này đến người khác, thậm chí lợi dụng điều này để đổ lỗi cho cả một chế độ. Trình độ như vị bác sĩ, không thể nói là ông ta không biết. Nhưng điều đáng nói, vị bác sĩ để nguyên những “bình luận” đó, không xoá.

Gần hai năm qua, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, một trong những điều dễ nhận thấy là, khi Việt Nam khống chế dịch thành công, Chính phủ đã làm những gì tốt nhất đối với người dân Việt Nam (đón đồng bào từ nước ngoài về, cách ly miễn phí, điều trị miễn phí), những ngòi bút thuộc dạng như trên gần như im lặng.

Nhưng, nay khi dịch bệnh bùng phát và đất nước đang đối mặt vô vàn khó khăn, họ bắt đầu, đôi khi như những “bầy sói chồm lên cắn vào lịch sử”. Để đạt mục đích cá nhân, một số người vì thiếu hiểu biết hoặc có hiểu biết, trình độ cao nhưng đã bất chấp tất cả.

Đã và đang có nhiều người lớn tiếng dạy đời, vu cáo Việt Nam không cho tự do ngôn luận xung quanh việc chống dịch bệnh Covid- 19. Nhưng, họ không thể không biết, bất kỳ sự tự do nào cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, chưa bàn về vấn đề đạo đức.

Đó là tiêu chuẩn chung của cộng đồng thế giới, không riêng gì Việt Nam. Ngày 29.7, VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha “ra lệnh cho các cơ quan chức năng nước này có hành động mạnh tay để truy quét những cá nhân phát tán tin tức giả liên quan tới Covid-19 gây hoang mang trong công chúng”.

Vẫn theo VOV, ông Prayut Chan-o-cha ra lệnh cho các cơ quan chức năng tại Thái Lan phải thành lập các tổ công tác để kiểm tra, chấn chỉnh những tin tức giả mạo liên quan tới tình hình Covid-19, đồng thời cũng phải có những hành động pháp lý mạnh mẽ đối với những người tung tin giả gây hoang mang dư luận.

Người đứng đầu chính phủ Thái Lan ra lệnh cho Trung tâm Chống tin giả thuộc Bộ Kinh tế số nước này phải kiểm tra và xác minh thông tin trong vòng 24 giờ, đồng thời thông báo trên trang web chính thức về các cuộc điều tra tin giả.

Ông Prayut Chan-o-cha khẳng định, tất cả những người vi phạm về tung tin giả sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật bất luận là ai, vị trí xã hội như thế nào. Đặc biệt, “ông cũng cảnh báo tới những người nổi tiếng, những người sở hữu các trang mạng xã hội nhiều người theo dõi sẽ bị trừng phạt nếu họ đưa tin không đúng sự thật”.

Như vậy, chống tin giả, tin bóp méo, xuyên tạc sự thật không chỉ của riêng quốc gia nào, lại càng không phải chỉ có ở các nước châu Á. Ngay cả các nước phương Tây, như từng đề cập nhiều lần, chính phủ các quốc gia này trừng phạt rất nghiêm minh đối với những người thông tin sai sự thật hoặc trà trộn tin giả với tin thật. Cộng hoà Áo- một quốc gia cực kỳ phát triển ở châu Âu còn quy định trừng phạt những người “bình luận gây thù hận trên mạng xã hội”.

Không chỉ là những thông tin có tính rời rạc, mấy ngày gần đây, khi tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng, nhiều cây bút cả chuyên và không chuyên, cả trong và ngoài nước liên tục công kích Chính phủ Việt Nam cũng như vị lãnh đạo đang giữ trọng trách đứng đầu công tác chống dịch.

“Họ thêu dệt thông tin như Việt Nam đối diện khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện, chỉ biết phong toả mặc dân sống chết ra sao. Họ tự cho mình là các nhà “dân chủ, nhân quyền” đại diện cho nhân dân đưa ra lời đe doạ “Chính phủ không nên giỡn mặt với dân”.

Họ vu khống “CSVN ăn cháo, đá bát” sau khi nhận viện trợ vaccine từ Hoa Kỳ, tung tin sai trái gây hoang mang dư luận rằng “Việt Nam, cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu”. Họ quy chụp “cách chống dịch của Đảng CSVN làm Covid-19 lây lan ngày càng nhiều”.

Hàng loạt trang mạng xấu độc đưa ra những hình ảnh sai sự thật về số người tử vong, đưa hình ảnh cắt ghép từ nước ngoài về hàng loạt bệnh nhân Covid-19 tử vong để gieo rắc tâm lý hoang mang, khủng hoảng trong xã hội”- một ý kiến đã chỉ đúng tim đen của những người thuộc nhóm “truyền thông đen”.

Thậm chí mới đây nhất, một người Úc gốc Việt khi biết chính phủ nước này viện trợ vaccine cho Việt Nam, anh ta dè bỉu rằng, đây là lần cuối cùng chính phủ Úc “cho Việt Nam vaccine, mai mốt họ chuyển giao công nghệ cho về làm lấy mà dùng, không ai cho sẵn mãi đâu”.

Có thể nói rằng, ý kiến nêu trên hết sức... ngu dốt. Bởi vì, qua cách nói, chứng minh rằng ông ta không chỉ ngoảnh mặt, hả hê với đồng bào của mình mà còn lên giọng dạy dỗ người đứng đầu chính phủ Úc.

Nhưng điều cần lên án nhất của người này thể hiện ở chỗ, anh ta không biết rằng, cho đến lúc này, ngoại trừ các cường quốc về công nghệ, Việt Nam gần như là quốc gia duy nhất được các cường quốc cam kết chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất vaccine. Nếu không có uy tín, không phải đối tác tin cậy, liệu chính phủ Nhật Bản, ÚC, Nga và thậm chí cả nước Mỹ, họ có hỗ trợ Việt Nam trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này không?

Nếu còn một chút lương thiện sót lại, phải chăng quý vị hãy nhìn những người trên tuyến đầu chống dịch, chỉ trong thời gian ngắn, mái đầu của họ đã bạc gần hết.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh