Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Mưa nguồn” là tập thơ đầu tay và ưng ý nhất của Bùi Giáng, đã đưa tên tuổi nhà thơ đến với công chúng yêu thơ từ năm 1962, trong đó, “Giã từ Ðà Lạt” là một trong những bài thơ được nhiều người ưa thích, tính đến nay, bài thơ ra đời đã gần sáu mươi năm.
Ðà Lạt, xứ sở của ngàn thông, ngàn hoa đầy mộng và mơ. Vào mùa thu năm 1959, chắc hẳn nơi này còn rất hoang sơ và lắm mộng mị cho cả những ai từng sống ở đây hay chỉ lần đầu tiên đặt chân đến.
Nhà thơ Bùi Giáng (sinh năm 1926) lúc ấy chỉ là một thầy giáo trung học, tuổi đời vừa quá ba mươi đã dạt dào bao xúc cảm: “nói nữa sao em, với lời lỡ dở/ đường lây lất chiều bay sương lổ đổ/ đứng bên trời em ở lại hôm qua”, không thể nói nữa với “em”, vì lời đã “lỡ dở” với buổi chiều “bay sương lổ đổ”.
Những từ ngữ hình ảnh: lỡ dở, lổ đổ đã làm nên ấn tượng Bùi Giáng với lối dùng từ tiếng Việt sáng tạo và thật giàu hình ảnh. Buổi chia tay của một đôi trai gái yêu nhau, khiến người đọc như cùng đồng cảm: “Ngàn thông ở lại đón bóng tà” rồi “bước khúc khuỷu”, “truông ngàn khe khóc lóc”, chỉ là mượn cảnh vật để nói tâm trạng người, cho nên: “lùi bay đi để ở lại bên người/ tơ vấn vít gió mùa mời mọc én/ tay bẩy bẩy níu gì xuân bay biến/ ô thiều quang! làn nước cũ trôi mau”.
Sự bịn rịn của “lùi bay đi, ở lại bên người” khiến phải “tơ vấn vít, tay bẩy bẩy”- những từ ngữ đặc sắc nhưng cũng thật dễ hiểu. Từ “thiều quang” chỉ ánh mặt trời là từ cổ, ngày nay ít sử dụng nhưng đặt trong bài thơ vẫn như mới, bởi những hình ảnh, cảm xúc của sự chia tay, người đi kẻ ở cứ khiến mọi người như lướt qua con chữ mà đọng lại những hình ảnh thật có hồn: “buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa/ bàn chân bước với tay buông kể lể”.
Rồi nữa: “người xuống núi mang về đâu có chắc/ những dịp về còn nữa ở mai sau?”. Ðấy là người bình đã thoáng qua những câu thơ đắc địa, để dành cho người đọc tự khám phá để thấy vùng đất Ðà Lạt của Bùi Giáng: “trời với đất để lòng em lạnh thế/ hoa hương ơi còn diễm lệ bao giờ/ những ân tình đầu liễu rũ lơ thơ/ còn hay mất trong trăng mờ khuya khoắt”- những hình ảnh đầy chất thơ trong một bài thơ hay.
Câu cuối kết thúc bài thơ như một sự buông thả, một tiếng thở: “dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau”. Bịn rịn thế giữa “dặm hồng vàng” khiến không thể “ai đứng lại nhìn nhau”, đọc rồi chợt liên tưởng câu thơ “thần” của cụ Nguyễn Du: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”, để thấy một Bùi Giáng đang chia tay, giã từ chính “nàng Kiều” của lòng mình trong lãng mạn biết nhường nao...
NGUYỄN SÔNG TRÀ