Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong không khí cả nước tưng bừng, náo nức kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, thân nhân Khối Văn phòng Trung ương Cục (TWC) miền Nam có buổi họp mặt đầy cảm xúc ở chiến trường xưa, thuộc huyện Tân Biên.


Nhớ thời ăn củ mài, củ chụp
Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày non sông liền một dải, đất nước sạch bóng quân thù. Những chàng trai, cô gái năm xưa tình nguyện, hăng hái vào phục vụ trong Khối Văn phòng TWC miền Nam (Căn cứ R), nay đã trở thành cụ ông, cụ bà mái tóc bạc phơ.
Đến nay, đã có hơn 409 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đã qua đời. Những người còn lại, trở về dự buổi Họp mặt kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam ở chiến trường xưa với bước chân tập tễnh hoặc phải chống gậy, đi đứng khó khăn.
Trong buổi họp mặt, những cái ôm chầm, những bàn tay nắm chặt không rời, những câu chuyện về một thời gian lao mà anh dũng dưới mưa bom bão đạn được các cô, chú kể lại, khiến người kể lẫn người nghe đều bồi hồi, xúc động.
Ông Huỳnh Thanh Xuân- Phó trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc truyền thống kháng chiến Khối Văn phòng TWC miền Nam bồi hồi nhớ lại những ngày gian khổ. Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ Khối Văn phòng TWC miền Nam gặp khó khăn chồng chất. Thường xuyên ăn củ mài, củ chụp, ăn cháo chỉ lưng bát với muối đâm “cộp cộp” gọi vui là “thịt cọp”, với rau rừng hoang dã “tàu bay”.

Ở rừng sâu, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, gà nuôi không được cất tiếng gáy, phải đội vòng “kim cô”, ốm đau, sốt rét, thiếu thuốc trị bệnh. Nhưng anh chị em luôn lạc quan, yêu đời, tự hào rằng nghênh đầu chống B52, chân đạp rắn chàm quạp, trân mình với ve mòng, vắt vít. Ai cũng góp phần đào hầm bí mật, giao thông hào, địa đạo “núi đất” để bảo vệ TWC và Văn phòng TWC hội họp, làm việc.
Ông Xuân tâm sự, nói đến Văn phòng TWC sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tình thương yêu ruột thịt chăm sóc nhau của anh chị em văn phòng với nhau, của anh chị em với các đồng chí lãnh đạo TWC, từ nồi xông, chén cháo cảm, đồng xu mòn lẳng cạo gió, chén thuốc đắng từ cây rừng để giữ sức khoẻ cho các đồng chí lãnh đạo; luôn phục vụ cho các thủ trưởng những bữa cơm trắng không trộn khoai sắn và thỉnh thoảng bồi dưỡng bằng miếng thịt rừng, thay bữa cháo loãng với rau rừng.
Không ít lần máy bay B52 ném bom trúng Căn cứ TWC, đồng chí Hai Văn (Phan Văn Đáng) bị sốt nặng không xuống hầm được, một chiến sĩ bảo vệ tên Trung Ngàn đã cõng đồng chí chạy giữa mưa bom, cây đổ ngổn ngang, đưa đến hầm trú ẩn an toàn. Một trường hợp khác, khi tàu chở đồng chí Phạm Hùng qua sông, ba trực thăng của địch liên tục bắn phá. Để bảo vệ thủ trưởng, các đồng chí Ngọc Minh, Tám Bé, Trượng xốc nách thủ trưởng dìu qua bãi cát, vào bờ an toàn. Có lần, trên đường đi công tác, bị địch phát hiện, máy bay địch bắn điểm, các cận vệ Sáu Quang, Tư Nam, Ba Bê đưa đồng chí Nguyễn Văn Linh núp vào một cây to, ôm thủ trưởng, tránh đạn máy bay.
Một trường hợp nữa, đoàn đưa đồng chí Võ Văn Kiệt đi công tác ở khu miền Tây, bất ngờ bị địch phục kích. Để tránh địch, đồng chí Huỳnh Minh Mương giao đồng chí phụ trách công tác liên lạc, dẫn đoàn đi hướng khác còn mình ở lại, một mình một súng bắn địch. Đoàn đi an toàn nhưng đồng chí Huỳnh Minh Mương đã hy sinh.
Tình nghĩa của thủ trưởng với anh chị em cơ quan cũng thắm thiết không kém. Mỗi lần anh chị em đau ốm nặng, như sốt rét, bị rắn cắn hay tai nạn khác, đều được các đồng chí lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo TWC đến thăm, chăm sóc. Tình cảm thân thương của các đồng chí lãnh đạo đã làm ấm lòng không những các trường hợp đau ốm, mà tất cả cán bộ, chiến sĩ trong cảnh núi rừng thâm nghiêm của căn cứ.
Chuyện còn đau đáu trong tim
Ông Nguyễn Công Khanh, hội viên Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến Khối Văn phòng TWC miền Nam kể, quê ở miền Bắc, năm 1967, ông tình nguyện đi B (vào miền Nam). Năm 1968, ông công tác trong ngành Cơ yếu thuộc Văn phòng TWC. Nhiệm vụ của ngành Cơ yếu, khi đơn vị hành quân đến đâu là phải chuẩn bị ngay chỗ làm việc đến đó. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt rất khó khăn. Hầu như ai cũng bị bệnh sốt rét, có người sốt rét ác tính, thậm chí đi tiểu ra máu. Có bộ phận, ¼ quân số đi điều trị tại Bệnh viện.
Cuối năm 1968, máy bay B52 ném bom Căn cứ TWC rất ác liệt. Trong đơn vị của ông có hai đồng chí Năm Cảnh và Ba Xuya hy sinh. Điều khiến ông và đồng đội đau lòng nhất là hai đồng chí này là vợ chồng, vừa được đơn vị làm lễ kết hôn đúng một ngày. “Hôm đó, trái bom ném trúng ngôi nhà hạnh phúc của hai bạn. Độc ác quá! Ác liệt quá! Chúng tôi có 5 anh em được giao nhiệm vụ tìm kiếm, an táng hai đồng chí. Mãi đến gần 12 giờ, anh em mới đào bới, tìm được hai miếng da đầu, một số xương và da của hai bạn. Chúng tôi chia làm hai gói nhỏ, một gói có tóc dài, một gói có tóc ngắn, đặt trên bàn làm việc của anh Cảnh để làm lễ và an táng cho hai đồng chí”, ông Khanh nghẹn ngào nhắc lại.

Ông Khanh kể tiếp, năm 1969, anh Ba Quang và hai, ba người nữa trở lại khu vực đơn vị bị ném bom để tìm kiếm thi thể, thắp hương hai vợ chồng đồng đội, nhưng đến nay vẫn không tìm được. Ông Khanh buồn bã: “Đến bây giờ, mỗi lần nghĩ đến hai đồng chí, tôi vẫn còn rất đau khổ”.
Bà Phan Thu Nguyệt, hội viên Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến Khối Văn phòng TWC miền Nam cũng nhắc lại những kỷ niệm của hơn nửa thế kỷ trước.
"Đầu năm 1960, tôi vào Văn phòng TWC, khi vẫn còn là đứa trẻ ngây ngô. Nhìn gốc cây bằng lăng mà cứ ngỡ cây ổi ở đây sao lớn quá. Nghe tiếng chân cọp đi xào xạc, nằm không dám ngủ, căng mắt nhìn qua màn đêm, cứ nghĩ mình đuổi được cọp. Rồi chúng tôi lớn lên cùng nhiệm vụ Đảng giao: dán bao thư, học đánh máy, đi đưa thư... Tôi mong mình mau đến tuổi 16 để được đứng vào hàng ngũ Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Miền Nam.
Khi đã là những chàng trai, cô gái 17 tuổi, tôi và các bạn hăng hái lao vào những việc lớn hơn, như đào hầm, đào giếng, cắt tranh, hái lá trung quân, cất nhà, vót chông, tải gạo, tải đạn, tải thương, chống càn. Dù công việc gì, ở đâu cũng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Trong những năm tháng ấy, dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi kiên định theo lý tưởng mình đã chọn, sống kiên trung, một lòng theo Đảng, sống thanh cao, tận hiếu vì dân”, bà Nguyệt tỏ rõ.
Sau khi nghe những câu chuyện cảm động của một thời khói lửa chiến tranh, nữ Bí thư Huyện đoàn Tân Biên Nguyễn Thị Cúc, đại diện tuổi trẻ Tây Ninh bày tỏ: "Thế hệ trẻ hôm nay thật may mắn sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoà bình, thống nhất. Mặc dù không sống trong thời điểm chiến tranh, nhưng chúng cháu được học, được giáo dục và nhận thức rằng để đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, biết bao thế hệ cha ông đã hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân và cuộc đời để tham gia sự nghiệp cách mạng, làm nên thắng lợi ngày 30.4.1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng cháu nguyện khắc ghi và luôn nhớ để nhắc nhở bản thân phải trân trọng quá khứ, trân trọng hoà bình, sẽ chọn cho mình một lý tưởng, lối sống đẹp, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu từ những việc nhỏ nhất, xứng đáng với những gì thế hệ trước đã dâng hiến, hy sinh".
Đại Dương