Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những câu chuyện lịch sử kể từ kỷ niệm
Thứ hai: 08:41 ngày 17/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 16.7, Thị đoàn Trảng Bàng phối hợp Chi đoàn Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình “Những câu chuyện lịch sử kể từ kỷ niệm” tại Nhà văn hoá thiếu nhi thị xã Trảng Bàng, với hơn 100 đoàn viên, thanh niên và hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh tham gia.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ về những bức ảnh kỷ niệm.

Chương trình đặc biệt có sự hiện diện của nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hương- xưa là cô gái nhỏ có nhà bên cạnh nơi bộ đội chủ lực giải phóng Trảng Bàng đóng quân và sự tham dự trực tuyến của ông Lê Đức Hạ tại xã Thuỵ Lương, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, nguyên bộ đội thuộc Trung đoàn 235, Đại đội 67 vượt Trường Sơn vào kháng chiến ở chiến trường Tây Ninh và tham gia giải phóng Trảng Bàng.

Cô giáo Thu Hương đem đến chương trình hai tấm ảnh lúc nhỏ chụp cùng ông Lê Đức Hạ tại tiệm chụp hình Việt Nam trước ngày ông Hạ trở về Bắc, phía sau tấm ảnh có ghi dòng chữ “Kỷ niệm đất Trảng thân yêu, ngày 28 tháng 6 năm 1975”.

Cầm trên tay tấm ảnh, cô Thu Hương cảm động chia sẻ: “Các chú bộ đội rất thương yêu thiếu nhi, thường kể cho các em nghe về những ngày chiến đấu, về quê hương miền Bắc. Hầu như ngày nào đám nhóc trong xóm cũng có mặt ở nhà máy xay lúa Vạn Phong để nghe các chú kể chuyện, cho bánh, kẹo. Mỗi đêm, trước sân nhà tôi rộn rã tiếng cười, tiếng nói của các chú bộ đội với gia đình tôi và người dân trong xóm, tình cảm quân dân ngày một thắm thiết và chiếc cầu nối giữa quân-dân là lũ trẻ chúng tôi”.

Nơi đầu cầu tỉnh Thái Bình, người bộ đội năm xưa Lê Đức Hạ còn lưu giữ hàng trăm tấm ảnh, lá thư và những kỷ vật của người dân Trảng Bàng tặng ông trong những ngày đóng quân ở xứ Trảng và cả khi về Bắc. Mỗi kỷ vật là một kỷ niệm tình quân dân của ông với người dân Trảng Bàng, mỗi khi nhắc đến, ông vẫn nhớ từng món đồ vật do ai tặng, như bà Đỗ Thị Lộc- mẹ của cô giáo Thu Hương tặng hai vỏ gối với ít tất (vớ), ông vẫn còn để trong vali; trước đó ông ở nhà máy xay lúa Vạn Phong (nhà bà Hạnh, mà ông thường gọi là chị Hai, nay vị trí nhà máy là Trường THCS Trảng Bàng), bà Hạnh có tặng ông chiếc nhẫn mặt đá đến giờ ông còn cất giữ cẩn thận…

Cả hội trường cùng cất tiếng ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Ông Lê Đức Hạ chia sẻ: “Thời gian ở với dân tuy ngắn nhưng đồng đội trong đơn vị, tình quân dân sống rất tình cảm, thân thiết như người nhà”. Trong số những lá thư ông kể cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong chương trình có nhắc đến lá thư của mẹ cô giáo Thu Hương, Ban tổ chức đã được ông cho phép đọc lại lá thư, trong đó có đoạn: “Hạ em, dù cho cuộc sống sau này khổ đến đâu tình chị em đừng bao giờ quên em nhé! Đành rằng chị em xa nhau bao nhiêu dặm đường, chị phương Nam em phương Bắc, không biết nhau thì thôi giờ đã là chị em thì trước sau như một nghe Hạ...”.

Những câu chữ trong lá thư gửi cho ông Lê Đức Hạ vào ngày 27.11.1976 mộc mạc nhưng đầy tình cảm đã làm cho người đọc, người nghe dù không cùng thế hệ đều cảm động về tình cảm quân dân thiêng liêng này.

Trước ngày diễn ra chương trình, Thị đoàn Trảng Bàng có đến thăm nhà - nơi đang thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nguyên, một trong những người mẹ anh hùng tiêu biểu ở phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng).

Nuôi con trong hoàn cảnh khó khăn nhưng khi Tổ quốc cần, mẹ đã động viên, tiễn các con ra chiến trường. Mẹ có 3 người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trên bàn thờ, bức di ảnh của mẹ bằng tranh kiếng theo thời gian đã phai màu. Đại diện Thị đoàn Trảng Bàng xin ý kiến gia đình làm lại di ảnh của mẹ. Trong chương trình “Những câu chuyện lịch sử kể từ kỷ niệm”, Ban tổ chức đã trao lại di ảnh của mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nguyên cho gia đình.

Phát biểu tại chương trình, chị Hà Thị Cẩm Tiên- Phó Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thị xã Trảng Bàng nhắc nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, liệt sĩ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào.

Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, giúp đỡ những người con anh hùng ấy”. Chị chia sẻ: “Từ lá thư cũ, tấm ảnh xưa, những kỷ niệm cách nay hàng chục năm kể từ ngày giải phóng, thống nhất đất nước của các cô, chú - những nhân chứng lịch sử đã làm cho tôi và các bạn đoàn viên, thanh niên không khỏi xúc động khi được nghe lại phong trào đấu tranh cách mạng hào hùng và tình cảm quân dân”.

Tuổi trẻ Trảng Bàng trao di ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nguyên đến thân nhân của Mẹ.

Những chia sẻ này góp phần giáo dục cho thế hệ hôm nay lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, lực lượng Thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nhân dịp này, Thị đoàn Trảng Bàng kết nối với nhóm Thiện nguyện Nhân Tâm (thị xã Trảng Bàng) trao tặng 20 phần quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng và cựu thanh niên xung phong trên địa bàn Thị xã. Những việc làm này tuy không thể bù đắp được những gì mà cha anh ta đã hy sinh cho Tổ quốc, nhưng phần nào thể hiện được vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay ghi nhớ công ơn của thế hệ trước.

Tặng quà gia đình chính sách, có công cách mạng và cựu thanh niên xung phong trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Đây là một trong những chương trình ý nghĩa trong tháng đền ơn đáp nghĩa với sự kết nối vượt địa lý hơn 1.000km. Những câu chuyện thời chiến được kể ở thời bình sẽ trở thành động lực để tuổi trẻ hôm nay phấn đấu bảo vệ độc lập, tự do và góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục