Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những câu chuyện xúc động được kể tại Đại hội Thi đua yêu nước
Thứ sáu: 15:30 ngày 11/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Đại tá Mai Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, mỗi người chúng ta chỉ thật sự xứng đáng và có ý nghĩa khi là những anh hùng trong lòng nhân dân.

Đại tá Mai Hoàng, người đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công; “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô, người chưa học hết lớp 5 chế tạo ra năm loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương hay cặp song sinh Diệu Nhi - Trúc Nhi… cùng với hàng ngàn gương mặt điển hình đã có mặt tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc diễn ra ngày 10-12.

Đại tá Mai Hoàng đại diện điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an Nhân dân giao lưu, chia sẻ tại đại hội. Ảnh: VIẾT THỊNH

Câu chuyện muối trắng, ớt xanh

Muối trắng và ớt xanh, đó là món quà được nhà báo, MC Tạ Bích Loan tặng cho Đại tá Mai Hoàng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, tại buổi giao lưu.

Món quà này đã khiến anh bất ngờ, gợi nhớ lại những kỷ niệm khi sống và chiến đấu ở huyện Mộc Châu. “Món quà này khiến tôi nhớ lại hơn ba năm chiến đấu cùng đồng đội tại vùng biên giới của huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ, Sơn La” - Đại tá Mai Hoàng nói.

Theo Đại tá Hoàng, có thời điểm anh cùng đồng đội di chuyển quãng đường dài, phải ở trong rừng 7-10 ngày, thậm chí có lúc ở tới 15 ngày nên thường mang cơm nắm để chấm cùng muối trắng và ớt xanh.

Đại tá Hoàng kể tháng 4-2016, tổ công tác gồm 10 người, trong đó có anh đã phục kích ở khu vực cách biên giới 4 km bốn ngày liền nhưng vẫn chưa phát hiện những người vận chuyển trái phép chất ma túy vượt biên vào nội địa. Đến ngày thứ năm, trinh sát báo về sẽ có 30 nghi phạm xuất hiện.

Đại tá Hoàng cho biết lúc đó trời mưa rất to, vị trí các anh phục kích chỉ cách đường đi của nghi phạm khoảng 15 m. Để đảm bảo bí mật, các anh đã bỏ hết các trang thiết bị cần thiết như mũ sắt, áo giáp rồi gấp đôi lại che vào phần thân. Các anh cũng chia lực lượng thành hai tổ gồm bốn đồng chí tổ xạ thủ và sáu đồng chí sử dụng tiểu liên AK.

“Phát hiện tổ trinh sát sử dụng súng tiểu liên AK, các nghi phạm đã co cụm lại, gọi đồng phạm đến giải cứu. Những kẻ này đã bắn và sử dụng lựu đạn tấn công tổ công tác. Tuy nhiên, chúng tôi đã chiến đấu đến cùng và khiến những người này phải rút về phía bên kia biên giới” - Đại tá Hoàng nhớ lại.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chia sẻ: Đêm hôm ấy, sau khi các nghi phạm rút đi, các anh vẫn phải ở lại bảo vệ ma túy, súng quân dụng và vũ khí do những người này để lại. Các anh đã cùng nhau ăn nắm cơm chấm muối, ớt xanh và đó là những kỷ niệm in sâu trong tiềm thức anh mãi không bao giờ quên.

Anh hùng LLVTND, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho rằng khi được nhận những tấm huân chương, những danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng là vinh dự, song sau đó mỗi cá nhân hãy xếp lại, xem đó như một kỷ niệm đẹp để tiếp tục thi đua, phấn đấu, lập nhiều thành tích hơn nữa, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vì chúng ta chỉ thật sự xứng đáng, ý nghĩa khi là những anh hùng trong lòng nhân dân” - Đại tá Hoàng nói.

Cặp song sinh Diệu Nhi - Trúc Nhi làm xúc động những người có mặt tại đại hội. Ảnh: VIẾT THỊNH

Cặp song sinh Diệu Nhi - Trúc Nhi gây xúc động

Cũng tại đây, câu chuyện về những bác sĩ thực hiện ca mổ tách rời cho cặp song sinh Diệu Nhi - Trúc Nhi đã gây xúc động cho những người tới dự. Trúc Nhi, Diệu Nhi được cha mẹ nắm tay, dắt đi trên những bậc thềm trong hội trường khiến cả hội trường chuyển từ bất ngờ sang xúc động.

Có mặt tại đại hội, GS-BS Trần Đông A, cố vấn trưởng ca phẫu thuật, nhớ về ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức năm 1988, thời điểm đất nước đang trong thời kỳ cấm vận, rất khó khăn.

BS Đông A kể khi ấy Việt đã bị bại não. Các bác sĩ Nhật Bản đã lên kế hoạch mổ nhưng rồi các em lại được chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, người Nhật thông qua Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã giúp đỡ phương tiện để thực hiện ca phẫu thuật. Lúc ấy chỉ có mình ông là bác sĩ nhi.

Sau 32 năm, BS Đông A trở thành cố vấn trưởng trong ca mổ tách đôi song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. “Các bác sĩ trong ca mổ đều được đào tạo bài bản về phẫu thuật nhi ở trong nước và trên thế giới. Ca mổ lại được thực hiện ở bệnh viện hiện đại nhất, không thua bất cứ trung tâm nhi khoa nào trên thế giới, đó là một vinh dự” - GS-BS Đông A chia sẻ.

Các đại biểu tham dự đại hội cũng đã lắng nghe những tâm sự của “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô. Dù chưa học hết lớp 5 nhưng bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi làm thuê ở các tiệm cơ khí, sự ham học hỏi, đặc biệt là nỗi trăn trở khi thấy người dân địa phương thiếu thốn phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Rô đã chế tạo ra năm loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương, được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường…

Và còn rất nhiều, rất nhiều gương điển hình như thế. Họ, những người đã mang đến niềm cảm hứng cho tất cả người dân Việt Nam, tiếp tục thi đua hăng say lao động và tiếp tục sáng tạo, góp phần vào sự phát triển ngày càng giàu mạnh của đất nước.

Phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025

Cũng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, phát động phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021-2025 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh bốn phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động, gồm “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. 

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục