Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một trận mưa to, một cơn mưa rửa đền thật lớn, cuốn trôi cả bụi thời gian và những gian khó, vất vả, để rồi như thấy đất nước thanh bình, trù phú, ấm no như thuở nào cha ông dựng xây đất nước.
Khúc Hồng Thiện- chàng trai 8X, quê quán Hưng Yên. Anh là một nhà thơ trẻ với những dòng lục bát mênh mang, đầy tình cảm mà nhà phê bình Văn Giá và nhà thơ Thành Quế đều có chung nhận xét: “Thơ lục bát của Thiện vừa truyền thống, lại hiện đại và rất lạ với những câu chữ ấn tượng, thi vị...”. Bài thơ “Mưa rửa đền” được chọn đăng trên Văn nghệ Quân đội là một bài thơ như vậy.
“Rửa đền” vừa là đề tài chính và cũng là tứ của bài thơ, dựa trên một tập tục cổ xưa tại Phú Thọ mà người miền Nam ít biết. Ðó là những cơn mưa dầm dai dẳng trước ngày mùng 10 tháng ba âm lịch hằng năm, tức là trước ngày giỗ tổ Hùng Vương ở đền Hùng, nhân gian sùng bái gọi đó là ngày “mưa rửa đền” chuẩn bị cho ngày giỗ Quốc tổ.
Từ ý tưởng đó, Khúc Hồng Thiện viết: “Mưa rửa đền, mưa thanh tân/ ngàn năm Nghĩa Lĩnh còn vần vũ mưa/ áo tơi nón lá ngày xưa/ vua cùng dân, dân cùng vua cấy cày”. Nghĩa Lĩnh- ngọn núi thuộc Phong Châu, Phú Thọ, trên núi có đền thờ vua Hùng, đón những cơn mưa “thanh tân”, một từ mới lạ dùng chỉ cơn mưa “vần vũ” trên núi khi nhắc lại công lao dựng nước của vua Hùng.
Trong đó có huyền thoại hằng năm vua cùng với người dân “áo tơi nón lá” xuống ruộng cấy cày, mong một mùa lúa chín bội thu, mang lại ấm no. Cũng từ “cơn mưa rửa đền”, nhà thơ tiếp tục khai thác: “Mưa rửa đền, mưa bay bay/ giọt rơi giếng Ngọc, giọt lầy bến sông/ bước chân theo nhịp trống đồng/ nắm tay nhau múa mừng bông lúa vàng”.
Nhà thơ nhắc đến “giếng ngọc”, nơi Trọng Thuỷ vì thương tiếc Mỵ Châu đã trầm mình. Giếng ở ngay trên sân đền thờ, một mối tình oan trái, ảnh hưởng tới mệnh nước, nhưng vẫn mong theo “nhịp trống đồng” để được mừng vui “đón bông lúa vàng” -một biểu tượng của mong mỏi ấm no! Khổ 3 và khổ 4 của bài thơ, tác giả lại liên tiếp nhắc đến “mưa rửa đền” cùng những cặp từ láy ứng với các khổ trên như “thanh tân, lan lan, bay bay, tái tê” để đẩy lên những tâm khúc “nhiễu điều... từ buổi long đong đã thề” rồi “làng lên phố, phố thành quê nhập nhoà/ nước non giờ ngớt can qua/ giật mình, toàn chuyện trong nhà… mới lo!”.
Sự đổi thay của làng quê, đất nước hết chiến tranh, song, vẫn còn những nỗi lo toan bộn bề cho quốc kế dân sinh, nhắc nhớ mọi người cho việc “cùng nhau giữ nước”.
Bài thơ kết thúc với sự mong ước, cùng bóng dáng của tiền nhân: “Xin trời một trận mưa to/ xong rồi nắng, xong rồi mơ… rõ ràng/ soi vào giọt nước lang thang/ thấy cha ông thuở hồng hoang dõi về”.
Một trận mưa to, một cơn mưa rửa đền thật lớn, cuốn trôi cả bụi thời gian và những gian khó, vất vả, để rồi như thấy đất nước thanh bình, trù phú, ấm no như thuở nào cha ông dựng xây đất nước. Chợt nhớ lời Bác dạy được khắc ở cổng đền Hùng năm nào: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”...
CHÍNH VŨ