Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đến với thơ hay
Những chiêm nghiệm trữ tình sâu lắng
Thứ bảy: 18:53 ngày 28/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà thơ, Ðại tá Nguyễn Ðức Mậu, sinh năm 1948, tại xã Nam Ðiền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh là một nhà thơ, nhà văn quân đội. Ông từng nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, giải thưởng văn học ASEAN năm 2001 và nhiều giải thưởng khác. Ông hiện nghỉ hưu tại Hà Nội.

Bài thơ “Một vị tướng về hưu” làm theo thể lục ngôn gồm 8 khổ, 32 câu với nỗi niềm tâm sự của một vị tướng quân đội về hưu và trở lại cuộc sống đời thường một cách bình dị. Trong thơ hiện nay, đề tài mới lạ này ít người đề cập đến.

Mở đầu là khổ thơ nêu bật chủ đề bài thơ, vị tướng đã đến tuổi già, giã từ binh nghiệp với bao kỷ niệm thật khó quên: “Thôi, đã dứt đường binh nghiệp/ Tuổi hưu rồi bác ở quê/ Chạnh nhớ bạn bè thuở trước/ Cùng đi có đứa không về”.

Chuyện “dứt đường binh nghiệp” thật giản dị và bình thường bởi lẽ “Tuổi hưu rồi”, song bạn bè kẻ còn người mất thì vẫn thương nhớ khôn nguôi.

Hoàn cảnh gia đình của vị tướng cũng rất bình thường như bao gia đình chiến sĩ khác: “Người vợ tuổi già như bác/ Miếng trầu nhai dập chiều mưa/ Hồi son trẻ xa nhau mãi/ Giờ thương biết mấy cho vừa”.

Cả một thời son trẻ “xa nhau mãi” chỉ đến khi về già mới được bên nhau. Là vị tướng quyền cao chức trọng, song gia cảnh “bác”, từ của tác giả xứng hô với nhân vật thơ vừa kính trọng vừa thân thiết, ruột thịt: “Huân chương xếp vào góc tủ/ Nay hàm tướng tá mà chi/ Tuổi già công danh xem nhẹ/ Cuộc đời như nước trôi đi” rồi “Thuở trước bạn cùng súng đạn/ Nay khuây hàng xóm bạn già/ Bao dốc bao rừng đã vượt/ Lối mòn quanh quẩn vào ra”.

Lời thơ mộc mạc, giản dị như tâm sự của một người lính khi trở về nhà.

Những khổ thơ tiếp theo giúp người đọc hiểu rõ hơn hoàn cảnh của vị tướng: “Ngày đi khuất bóng mẹ cha/ Ngày về sửa sang mộ cũ/ Âm thầm một tấc đất sâu/ Hương khói tỏ mờ mầu cỏ” và: “Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó/ Ðàn con mỗi đứa một nơi/ Nếu không có trẻ hàng xóm/ Tuổi già hẳn nhiều đơn côi”.

Người yêu thơ bỗng thấy chạnh lòng, dẫu thành ngữ có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, song cảnh “Mẹ cha qua đời”, làm tròn bổn phận người con hiếu thảo “sửa sang mộ cũ” cho cha mẹ, rồi hình ảnh “đàn con mỗi đứa một nơi”, vui bên những đứa trẻ con hàng xóm thì thật đúng với những gia đình Việt, khi tuổi cao sức yếu, còn lại quanh mình là những hàng xóm láng giềng thân thương.

Song, là vị tướng quân, ít nhiều cũng còn những vết thương và di chứng để lại là: “Những đêm gió thổi buốt trời/ Vết thương cũ còn đau nhức/ Ôi sư đoàn xưa giờ đâu/ Người cũ, ai còn, ai mất?”.

Ðau đáu với một nỗi niềm xưa cũ cùng đồng chí, đồng nghiệp và cả cái sư đoàn mà ngày xưa vị tướng đã phục vụ.

Khổ thơ cuối cùng kết thúc bài thơ “Về hưu giờ thôi quyền chức/ Ai người nhớ bác lại chơi/ Ai kẻ xa lòng, tránh mặt/ Niềm riêng một mảnh trăng trời...” là sự thanh thản, bình yên của tâm hồn, bởi chữ tình, chữ nghĩa trong cuộc sống vốn vẫn còn những phức tạp “xa lòng, tránh mặt”. Chỉ một nỗi niềm gửi cùng “mảnh trăng trời”, bình dị và cũng thật cảm động.

CHÍNH VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục