Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những chợ biên mậu đầu tiên trên đất Tây Ninh
Thứ tư: 19:02 ngày 08/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến năm 1847, Tây Ninh đã có tới 2 sở giao dịch, có vẻ giống như những chợ “biên mậu” ngày nay. Trong đó nổi bật là chợ đầu tiên- sở giao dịch Quang Hoá, ở gần nơi có đồn bảo Định Liêu, đã trở thành: “một nơi buôn bán sầm uất, góp phần làm cho vùng biên giới ở phủ Tây Ninh thêm ổn định…”.

Ngôi chợ ở Tây Ninh đầu thế kỷ 20.

Theo sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam (Dương Công Đức, NXB Tri Thức, 2019), chương 9- Theo dòng lịch sử Nam kỳ (1836- 1859), có mục 4- Phát triển xứ Tây Ninh dưới thời Đề đốc Ngô Văn Giai và Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực (trang 291), năm 1843, dưới thời vua Thiệu Trị, triều đình lệnh cho Đề đốc Ngô Văn Giai đem 1.000 quân thú đến đóng quân tại Tây Ninh, với mục đích làm an dân, mở thêm các đồn điền: “làm chỗ định cư cho dân chúng Việt, Hoa, Chàm và Chân Lạp quy theo…”.

Sau đó, vua lại lệnh cho Tổng đốc Định Biên (hai tỉnh Gia Định, Biên Hoà) giám sát để gửi báo cáo kết quả công việc Ngô Văn Giai ở Tây Ninh. Như vậy là triều Nguyễn, sau khi lập phủ Tây Ninh được 7 năm (1836- 1843) đã nhận thức rõ, Tây Ninh là một vùng biên cương phên giậu quan trọng của đất nước.

Sau đấy: “quan Tham trị Bộ binh Lâm Duy Thiếp lại tiếp tục mật tấu về triều về việc mở một trung tâm mua bán hay còn gọi là Sở Giao dịch ở phủ Tây Ninh”. Lý lẽ được chép lại trong sách Đại Nam thực lục chính biên là: “Một phủ Tây Ninh, ruộng đất rộng và màu mỡ, tài vật đầy đủ, những sự nhật vật dụng của nhân gian đều ra từ đó. Trước kia dân Man (Chân Lạp) thích buôn bán trao đổi với dân lục tỉnh Nam kỳ để nhờ đó mà sinh sống, nếu muốn mở mang xứ Trấn Tây, tất phải từ đất ấy trước, để làm nước bước về sau…”.

Triều đình chấp thuận bản tấu về kế hoạch này, truyền dụ cho Tổng đốc Lê Văn Phú trù tính mọi chuyện. Do đề đốc Ngô Văn Giai là quan võ, ít có kinh nghiệm về phát triển thương mại và khai hoang lập ấp, nên triều đình cũng quyết định cử Cao Hữu Dực, lúc này đang là quan Án sát tỉnh Định Tường sang làm quan Án sát Gia Định. Rồi từ đây cử tiếp ông lên Tây Ninh chuyên trách các công việc khai hoang lập ấp, lập đồn điền, mở chợ v.v…

Đến đây, sách Đại Nam thực lục chính biên có đoạn: “Hữu Dực khi đã đến cùng với Văn Giai trù tính mọi việc, lập tấu nói đồn ở phủ Tây Ninh, phần nhiều là rừng rú, nếu chiêu dân lập ấp ở chỗ ấy (ý nói khu vực phía Bắc tỉnh, quanh thành phố Tây Ninh hiện tại) có nhiều lẽ không tiện, chỉ có sông Long Hưng về huyện Quang Hoá, rộng rãi và màu mỡ lại có nhiều mối lợi nơi núi chằm.

Cho dân ở đấy thì có thể trở thành một cảnh thổ vui, nhân đấy rồi cho thông thương, chiêu dụ các thổ dân hai xứ Nam Ninh, Nam Thái cũng dễ…” (hai xứ này thuộc về Chân Lạp, giáp giới Tây Ninh- TV). Đến tháng 2.1844, Cao Hữu Dực được triều đình thăng làm Lang trung bộ Binh, Thự Tuyên phủ sứ Tây Ninh.

Như ta đã biết, Cao Hữu Dực chú trọng đến các vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông (còn gọi là sông Long Hưng qua miền Quang Hoá). Ông đã lập mới được 26 thôn làng, trong đó còn giữ tên xã tới ngày nay là: Tiên Thuận, Long Khánh, An Thạnh (Bến Cầu), Gia Bình (Trảng Bàng) và hai tên ấp Long Bình (thuộc xã Long Thành Nam - Hoà Thành) và Long An (thuộc xã Long Thuận- Bến Cầu).

Về đồn điền, Cao Hữu Dực cũng chọn được địa điểm, với lời tâu: “Đất ấy kề đất thổ giặc, nay xin phái thêm 500 biền binh, chọn đất đặt đồn, đóng quân phòng giữ, cũng cho ở đấy mà sinh nhai, rộng tha cho sưu thuế và lao dịch… chỉ cho ở đầm Trà Ôn, xứ Long Giang" (nay là xã Long Giang, huyện Bến Cầu). Ngày nay, dù không còn tên đầm Trà Ôn nữa, song có thể đoán, nó nằm đâu đó trên vùng đất thuộc hai xã Long Giang và Tiên Thuận (Bến Cầu).

Vì sau đó, triều đình đã chuẩn theo lời tấu, mà cho Tổng đốc Lê Văn Phú đem theo 500 quân từ Gia Định lên: “chọn đất xứ Long Giang dựng đồn Định Liêu”. Sự kiện này diễn ra vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Sách Đại Nam nhất thống chí gọi là bảo Định Liêu, và còn cho biết thêm: “năm Tự Đức thứ 3 (1850) lại lấy bảo Định Liêu làm thành của huyện (Quang Hoá)”.

Ngôi thành “cấp huyện” này cũng được quy định về kích thước cụ thể là: “Chu vi 147 trượng 7 thước 4 tấc, cao 7 thước, hào rộng 1 trượng sâu 5 thước, mở 3 cửa…”. Một trượng bằng 4,87 mét. Do vậy, thành có chu vi gần 715 mét. Nếu là thành vuông thì mỗi cạnh dài gần 179 mét.

Cũng trong năm ấy (1843), theo Dương Công Đức: “Triều đình cũng đồng ý cho mở một sở giao dịch gần đồn Định Liêu”. Và sau đó: “Bấy giờ đông đảo dân chúng Chân Lạp từ Nam Ninh, Nam Thái bên đất Chân Lạp cũng kéo nhau đến Sở Giao dịch gần đồn Định Liêu để mua bán trao đổi với người Việt…”.

Một thời gian sau, sở giao dịch phát triển vượt bậc với số lượng dân buôn đến ngày càng lớn. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: “Thổ mục Lạp Man (bọn tên Bòng, tên Miệt, tên On) đem hơn 4.800 thổ dân và hơn 2.300 xe trâu đến buôn bán. Bọn suất đội Nguyễn Viên và thư lại Nguyễn Bá Hựu chiêu tập được hơn 100 người Kinh…”.

Vua Thiệu Trị dụ rằng: “Đối với bọn người Kinh mới về, sức phải lập chia thành từng làng để họ yên nghiệp làm ăn”. Do vậy, sau đó Cao Hữu Dực cũng cho lập một số làng mới ở quanh khu vực có bảo Định Liêu. Liệu đây có phải là hai thôn Long Khánh và Tiên Thuận, được ông lập ra vào năm 1845 (Theo Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ)?

Cũng theo sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam, vào năm 1847: “Triều đình cho mở thêm một sở giao dịch thương mại cho cư dân biên giới ở phủ Tây Ninh, đặt ở thôn Vĩnh Cứ (nay chưa rõ ở đâu)…”.

Và triều đình còn cho phép cả: “một bang hội người Hoa ở Tây Ninh có tên là Triều Thuận, do thương gia Trần Cung làm bang trưởng với 11 thành viên” (sđd). Vậy là cho đến năm 1847, Tây Ninh đã có tới 2 sở giao dịch, có vẻ giống như những chợ “biên mậu” ngày nay. Trong đó nổi bật là chợ đầu tiên- sở giao dịch Quang Hoá, ở gần nơi có đồn bảo Định Liêu, đã trở thành: “một nơi buôn bán sầm uất, góp phần làm cho vùng biên giới ở phủ Tây Ninh thêm ổn định…”.

Tác giả Dương Công Đức trong sách kể trên đã không có thêm tư liệu nào nữa để xác định được vị trí sở giao dịch Quang Hoá. Chỉ có sở giao dịch thứ hai là ở thôn Vĩnh Cứ. Sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ không có mục từ này, mà chỉ có Vĩnh Cư. Đấy là thôn thuộc tổng Hoà Ninh (trang 457), thời Pháp thuộc có 14 thôn, trong đó có Vĩnh Cư.

Đến ngày 12.11.1872 thì: “nhập các thôn Vĩnh Cư và Xuân Sơn thành thôn Vĩnh Xuân". Ngay cả tên thôn Vĩnh Xuân đến nay cũng không còn nữa. Rất may là có một ngôi chùa còn lưu giữ tên cũ của thôn làng. Đấy là chùa Vĩnh Xuân, nay thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh. Cách chùa không xa còn một địa danh tên là bến Trường Đổi. Liệu đây có phải chính là sở giao dịch thứ hai, có từ năm 1847 dưới thời vua Thiệu Trị?

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục