Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những chuyển động mới sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm
Thứ hai: 08:39 ngày 30/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm được lãnh đạo liên Triều thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4, Hàn Quốc và Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận để thực hiện các vấn đề cụ thể hai bên đã nhất trí.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc bắt tay nhau bên đương ranh giới hai nước trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 trên báo Rodong Sinmon. Nguồn ảnh: KCNA

Truyền thông Hàn Quốc đã thông tin về những chuyển động mới trong việc hiện thực hóa Tuyên bố Bàn Môn Điếm.

Ngày 29/4, hãng Yonhap đưa tin Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã đề nghị đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri vào tháng 5 tới. Sau đó, Triều Tiên sẽ mời các chuyên gia cùng giới báo chí Hàn Quốc và Mỹ đến Triều Tiên để công bố một cách rõ ràng với cộng đồng quốc tế về điều này.

Cũng để triển khai các cam kết tại Tuyên bố Bàn Môn Điếm, theo KBS, Chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ xúc tiến tổ chức sớm hội đàm cấp cao. Dự kiến trong cuộc họp này, hai bên sẽ thảo luận việc thiết lập Văn phòng liên lạc tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung và phương án hỗ trợ thúc đẩy giao lưu dân sự.

Cùng với đó, hai bên dự kiến sẽ nối lại hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng sau 11 năm (kể từ năm 2007). Trong tháng 5, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tổ chức hội đàm quân sự cấp tướng, dự kiến thảo luận về các biện pháp nhằm giảm nhẹ căng thẳng quân sự, gây dựng niềm tin. 

Hai bên dự kiến sẽ có các cuộc gặp nhằm nối lại việc tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán cũng như các sự kiện văn hóa, thể thao.

Trong bầu không khí đẩy nhanh hợp tác giữa hai miền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay và hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un.

Cũng theo KBS, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã công bố tài liệu giải thích về Tuyên bố Bàn Môn Điếm, nhấn mạnh vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có mối liên quan mật thiết với Mỹ, nên những nội dung này sẽ được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hoặc Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều-Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hối thúc Triều Tiên đồng ý thiết lập thời hạn đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, sẽ kết thúc vào tháng 1/2021.

Ngoài ra, Hàn Quốc dự kiến sẽ đề nghị Mỹ nhanh chóng xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên nếu đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa sớm. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung đề nghị Mỹ và cộng đồng quốc tế có các biện pháp bảo đảm an toàn cho thể chế của Triều Tiên.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết sẽ xúc tiến nhanh chóng và minh bạch quy trình nhận sự chấp thuận của Quốc hội Hàn Quốc với Tuyên bố Bàn Môn Điếm được lãnh đạo hai nước nhất trí và công bố vào hôm 27/4.

Cùng với những vấn đề nói trên, Phủ Tổng thống Hàn Quốc có kế hoạch chuyển Ủy ban chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh liên Triều thành Ủy ban xúc tiến thực hiện Tuyên bố chung liên Triều, khởi động hệ thống xúc tiến và kiểm tra việc thực hiện Tuyên bố này.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ lập kế hoạch cho các bước thực hiện ở từng lĩnh vực được nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm và bắt tay ngay vào những lĩnh vực có thể thực hiện sớm nhất.

Liên quan đến một trong những vấn đề mấu chốt đã được lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm là việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, Trưởng Ban Chiến lược thống nhất của Viện Nghiên cứu Hàn Quốc (Viện Sejong) Sonchzhan Chung cho rằng nếu vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên và Mỹ đạt được thỏa thuận thỏa đáng về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" thì tất cả những điều khoản mà Triều Tiên và Hàn Quốc đã thỏa thuận và được đưa vào Tuyên bố chung đều dễ dàng có thể thực hiện được. Nhưng nếu không đạt được một thỏa thuận như vậy thì việc thực hiện Tuyên bố chung sẽ gặp phải những khó khăn đáng kể.

Do đó, Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ chắc chắn sẽ là một bước ngoặt rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định “số phận” của bán đảo Triều Tiên.

Nguồn chinhphu (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục