Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài dự thi cuộc thi viết “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Những con đường xứ Gò Chùa
Thứ sáu: 13:46 ngày 10/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi có dịp đi qua và dừng lại nhìn ngắm những đoạn đường xanh - sạch - đẹp của một xã nhỏ chỉ có ba ấp ở xứ Gò Chùa. Mà cả ba ấp đều được đặt tên theo một loại cây trồng, hoặc cây mọc hoang dã: “Xóm Mía”, “Cây Nính”, “Bàu Vừng”.

Một con đường xanh - sạch - đẹp ở xã Phước Trạch.

Cuối tháng bảy, đầu tháng tám dương lịch năm nay, mưa nhiều và to hơn những năm trước. Thường thì chiều tà là mưa tầm tã, tối đến lại rỉ rả châm thêm nước. Mặc cho mưa tuôn, nước đổ, những nẻo đường ở xứ Gò Chùa- nơi có ngôi chùa Cao Sơn cổ kính vẫn khô ráo, sạch đẹp.

Các loại xe thi nhau xuôi ngược nhưng chẳng hề để lại dấu vết bùn đất trên đường. Những con đường nơi đây được láng nhựa hoặc bê tông xi măng sạch sẽ. Có những đoạn, hai bên lề, hoa kiểng thi nhau khoe sắc, cây lá xanh tươi cạnh bên hàng rào kiên cố bảo vệ vững chắc những ngôi nhà tường xinh xắn.

 

Tôi có dịp đi qua và dừng lại nhìn ngắm những đoạn đường xanh - sạch - đẹp của một xã nhỏ chỉ có ba ấp ở xứ Gò Chùa. Mà cả ba ấp đều được đặt tên theo một loại cây trồng, hoặc cây mọc hoang dã: “Xóm Mía”, “Cây Nính”, “Bàu Vừng”.

Ấn tượng nhất đối với tôi là con đường dẫn đến ấp Xóm Mía. Mặt đường rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu. Hai bên lề nhiều chỗ người dân trồng hoa mười giờ. Hoa tươi tốt khoe đủ màu sắc. Bên trong những luống hoa mười giờ, cạnh hàng rào là những chậu nha đam (lô hội) xoè ra những bẹ lá mập mạp xanh tốt.

Những người thích ăn ngọt như tôi thấy thèm được một bữa chè nha đam, vừa ngọt, vừa mát, vừa bổ. Có nhà cắm chà cho dây lá giang leo trèo. Nhìn những lùm dây lá giang quấn vào cây, trườn lên hàng rào, khoe những lá già xanh đậm, những lá non xanh mướt, tôi lại thèm một bữa canh chua cá lóc, hay một chảo thịt gà xào lá giang...

Không rõ những người dân ở vùng quê này có giao ước gì với nhau không, mà nhà nào trồng nha đam, lá giang thì có người bề trên trồng rau quế, mấy bụi sả... để trao đổi lúc cần. Những bụi sả ở đây cao lớn, lá già phủ tới đám hoa mười giờ. Nhìn những bụi sả tốt tươi và quá lứa này, tôi chạnh nhớ tuổi thơ của mình.

Hồi đó, ba tôi trồng mấy bụi sả trước sân nhà. Ba lấy sả già rang với muối và ớt để cho anh em tôi ăn chén cơm nguội trước khi cắp sách đến trường. Có khi ba lấy sả kho lươn (do ba đi đặt trúm), chiên cá muối sả (ba đi giăng lưới, cắm câu), hay chấy thịt chuột đồng (cũng chính ba đi săn) cho anh em tôi ăn. Khi không có lươn, cá, chuột, ba lại cải thiện bữa ăn bằng cách bằm sả làm nước mắm thắm chấm rau chạy, rau mốp luộc do ba hái ngoài bờ sông đem về...

Không chỉ trồng hoa mười giờ, cây rau màu cạnh hàng rào, ở khu vực cổng vào nhà của người dân làng quê này, có nhà đặt hai chậu hoa giấy đang trổ bông đỏ thắm, có nhà điểm tô bằng một cặp chậu hoa hướng dương vàng rực rỡ, có nhà lại trồng cây điệp vàng trổ hoa quanh năm... 

Ðến đây, chắc nhiều người thắc mắc, ở địa phương nào chỉ có 3 ấp, được đặt tên từ ba loại cây, mà lại có những con đường xanh - sạch - đẹp và giữ được nét làng quê như thế? Xin thưa rằng, địa phương ấy là xã Phước Trạch, xã văn hoá nông thôn mới đầu tiên của huyện Gò Dầu.

Mong sao địa phương này tiếp tục giữ gìn và phát triển nhiều hơn nữa những con đường có hoa nở bên lề, bên cạnh hàng rào trồng nhiều loại cây rau màu vừa làm thức ăn, vừa làm thuốc nam như bây giờ.

T.L

Tin cùng chuyên mục