Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư
Thứ hai: 09:10 ngày 16/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 12-15/1.

nhung dau an noi bat trong chuyen tham trung quoc cua tong bi thu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Kết thúc chuyến thăm, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

-Thưa ông, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này là hoạt động đối ngoại rất quan trọng của Đảng ta. Với tư cách là cơ quan chủ trì chuẩn bị và tổ chức, xin đồng chí cho biết ý nghĩa và các kết quả quan trọng đạt được của chuyến thăm quan trọng này?

Ông Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm lần này là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước kể từ sau Đại hội XII của Đảng ta và sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức xác lập vị trí hạt nhân lãnh đạo của đồng chí Tập Cận Bình và đang chuẩn bị cho Đại hội XIX, do đó, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm lần này diễn ra đúng vào thời điểm ngay trước thềm kỷ niệm 67 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Tết cổ truyền của hai dân tộc; do đó, chuyến thăm còn có ý nghĩa sâu sắc, góp phần thắt chặt tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Với chương trình làm việc rất phong phú, thiết thực trong những ngày qua, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Một là, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước, về hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay và nhất trí về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy chính trị, củng cố hữu nghị, thúc đẩy hợp tác; duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí ra Thông cáo chung 10 điểm, thể hiện các nhận thức chung đã đạt được cũng như các phương hướng và biện pháp cơ bản nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian tới; trong đó nhấn mạnh việc tăng cường tiếp xúc cấp cao, hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng, thúc đẩy kết nối chiến lược, kết nối năng lực sản xuất, thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở rộng, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố nền tảng xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm lại Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm 2017.

Hai là, hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm, các cơ quan của hai Đảng, hai nước đã ký kết được 15 văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực rất phong phú, đa dạng. Nhiều doanh nghiệp của hai nước cũng đã ký kết được các hợp đồng kinh tế quan trọng.

Ba là, hai bên đã trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành và cởi mở về các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông; nhất trí kiên trì xử lý thỏa đáng bất đồng, tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Bốn là, hai bên nhất trí mở rộng và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, giữa các địa phương và báo chí hai nước nhằm tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước làm nền tảng xã hội cho quan hệ Việt-Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.

-Thưa ông, xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Ông Hoàng Bình Quân: Có thể nói, có rất nhiều dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một là, lãnh đạo Trung Quốc đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn những nghi thức đón tiếp ở mức cao nhất, với rất nhiều biệt lệ, thể hiện đặc biệt coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước như bắn 21 loạt đại bác chào mừng, lần đầu tiên bố trí hội đàm, hội kiến với 5/7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc; cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra 80 phút, nhiều hơn 30 phút so với dự kiến với nội dung rất toàn diện, thiết thực.

Ngoài lễ đón chính thức, hội đàm, tiệc chiêu đãi theo thông lệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà rất thân mật.

nhung dau an noi bat trong chuyen tham trung quoc cua tong bi thu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hai là, tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước diễn ra rất thân tình, cởi mở, thẳng thắn và xây dựng; nội dung rất phong phú, toàn diện ở tầm chiến lược cao và tầm nhìn sâu sắc; đạt được nhận thức chung, sự nhất trí cao trên rất nhiều vấn đề quan trọng của quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai bên thể hiện rõ thiện chí, mong muốn và quyết tâm đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, ngày càng tốt đẹp trong thời gian tới.

Ba là, chương trình của chuyến thăm lần này được xây dựng sinh động và hiệu quả. Ngoài chương trình chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những hoạt động có ý nghĩa như dự Gặp gỡ hữu nghị nhân kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đón Xuân 2017 với các đại diện nhân sĩ, trí thức, cán bộ, cố vấn, chuyên gia Trung Quốc và thân nhân những gia đình Trung Quốc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và cho tình hữu nghị Việt-Trung; thăm Hàng Châu, Chiết Giang là những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhiều lần đến thăm và là địa phương tiêu biểu của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa; dự Gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đang hợp tác, đầu tư với Việt Nam... Những hoạt động đó đã chuyển tải các thông điệp quan trọng và để lại những ấn tượng rất sâu sắc, tích cực trong lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc.

-Với ý nghĩa và các kết quả đạt được của chuyến thăm, xin ông chia sẻ một vài suy nghĩ về triển vọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới?

Ông Hoàng Bình Quân: Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, tích cực và vững chắc hơn nữa trong thời gian tới. Việc triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhận thức chung và các thỏa thuận đã đạt được sẽ góp phần tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thiết thực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông trong thời gian tới.

Có thể nói, trong suốt 67 năm qua, dù có những thời khắc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, có chế độ chính trị tương đồng, đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đang cùng tiến hành đổi mới, hội nhập và đi sâu cải cách, mở cửa để phát triển đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta mong muốn quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển tích cực, lành mạnh và ngày càng vững chắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn TTXVN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục