Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những dấu tích của làng xưa Phước Thạnh
Thứ tư: 14:29 ngày 31/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trên gò, dưới bóng duối và cổ thụ chỉ có một ngôi miếu nhỏ của người Việt xây từ những năm nào chưa rõ. Nhưng rõ ràng là chính cái ngôi miếu nhỏ này đã góp phần gìn giữ những gạch cổ và đá vỡ từng im lặng cả ngàn năm ở dưới lòng gò.

Gò tháp Phước Thạnh.

Ðọc lại một bài viết cách nay đã 9 năm- “Ðất cũ đình xưa, miếu mới” đăng trên Báo Tây Ninh, viết về miếu (hoặc đình) Phước Thạnh. Gặp lại một chi tiết rất lý thú về thời điểm lập làng Phước Thạnh. Ðấy là câu chuyện của bà Út, người có công lập lại ngôi miếu ngày nay, lấy tên là đình Phước Thạnh với hy vọng bảo tồn được di sản của cha ông để lại.

Câu chuyện là thế này: ông cố của bà chính là người đã đại diện cho các dòng họ sinh sống trên vùng đất xã Phước Thạnh ngày nay đứng ra làm thủ tục khai trình xin tách ra lập làng mới tên là Phước Thạnh. Khi ấy, vùng đất này còn nằm trong địa giới làng Thanh Phước.

Thủ tục cũng khá là phức tạp và tốn kém nên cụ cố đã phải bán đi một số ruộng đất. Rốt cuộc thì cũng xong xuôi! Làng mới Phước Thạnh được ra đời. Từ tuổi của bà ngoại bà Út mà tính ra, thì ước chừng câu chuyện tách làng diễn ra vào khoảng 130 năm trước (so với năm bài báo ra đời). Từ đấy mà suy thì là vào năm 1878.

Ðối chiếu với sách “Từ điển Ðịa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Ðình Tư, thấy ở mục từ Phước Thạnh (trang 883) có viết: “Làng thuộc tổng Mỹ Ninh, hạt tham biện Tây Ninh từ ngày 31.10.1877 do tách từ làng Thanh Phước”. Kỳ diệu chưa! Trong ký ức của người dân- như bà Út qua các câu chuyện truyền lại từ bà ngoại của mình cũng nhớ được lai lịch của làng với sai số chỉ một năm (1878 thay vì 1877).

Cũng từ tấm lòng ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân ấy, mà bà Út đã cương quyết xây lại ngôi đình xưa Phước Thạnh. Theo câu chuyện của bà ngoại bà Út thì sau khi tách lập làng mới, việc đầu tiên của bà con dân làng là phải lập ngôi đình.

Ðình từng có sắc phong thần nhưng vào những năm 1945-1946 sau khi giặc Pháp chiếm lại Tây Ninh thì tờ sắc đã bị đốt cháy. May mà vẫn còn khu đất rợp bóng cây cổ thụ cùng dấu tích nền đình xưa với những bờ móng đá ong lở lói, những viên đá tán lớn kê chân cột đình xưa.

Vậy là chị em bà Út góp của góp công xây lại tạm thời một ngôi miếu nhỏ từ năm 2003. Miếu chỉ có 4 bức tường xây bao lấy nền gần vuông mỗi chiều chừng 4 mét. Mái thấp và lợp tôn. Quý giá nhất vẫn là khu vườn bao quanh miếu với những cây duối già, xoài cổ thụ.

Nhưng trong ký ức của các bà, mỗi dịp cúng đình rằm tháng Hai lại lung linh hiện về những tháng ngày xưa cũ. Ðấy là không gian làng cổ nằm hai bên con suối Cầu Ðôi.

Bên này là đình Phước Thạnh, bên kia cũng có đình làng Hiệp Thạnh “đâu mặt” lại nhìn thấy nhau qua suối. Bên này 15 thì bên kia 16 cũng râm ran trống mõ hội Kỳ yên. Sang dự hội làng bên, dù phải lội suối nhưng vẫn mong chờ háo hức. Ðã có bao nhiêu cặp đôi trai làng này, gái làng kia đã nên duyên nhờ những lễ hội mùa xuân? Ðể cho các thế hệ con cháu họ lại tiếp tục làm nên các kỳ tích mới trên làng quê Phước Thạnh.

Ðấy là các căn cứ lõm ngay trong “vùng ruột Gò Dầu”. Từ đây xuất hiện câu khẩu hiệu nổi tiếng “Quyết tử giữ Gò Dầu”, trở thành phương châm xuyên suốt của lực lượng cách mạng huyện suốt thời chống Mỹ. Nơi biểu lộ cao nhất của tinh thần ấy, chính là ở ấp Phước Bình, Phước Thạnh- ngày nay đã trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, gọi là di tích Căn cứ Lõm Vùng Ruột, nơi Huyện uỷ và Huyện đội Gò Dầu bám trụ dài ngày nhất trong kháng chiến.

Làng xưa Phước Thạnh còn có miếu Bà Chúa xứ ấp Phước Hội có từ cuối thế kỷ XIX, đến nay cũng một trăm mấy chục năm rồi. Miếu cũ đã bị tàn phá từ thời chống Pháp. Ngôi mới được tái lập từ năm 1956 đã qua nhiều lần tu sửa, còn tới ngày nay.

Cũng giống như ở ngôi “đình” đã kể, chứng tích xưa của miếu bà Phước Hội cũng chỉ là những hàng cây duối già nằm dưới tán rợp một gốc đa cổ thụ. Miếu do dòng họ Ðặng ở làng Phước Thạnh lập nên, cúng ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Còn chưa rõ họ Ðặng của làng có liên quan với họ Ðặng nổi tiếng của làng Gia Lộc, Trảng Bàng- nơi cụ Ðặng Văn Trước được sắc phong thành hoàng đình Gia Lộc hay không?

Và, Phước Thạnh! Không chỉ là những dấu tích xưa có trong khoảng 140 năm từ khi mở đất lập làng (31.10.1877), Phước Thạnh còn lưu giữ trong lòng đất quê hương những gì “gan ruột” nhất của miền đất được xưng danh là Vùng Ruột. Ðấy là gò tháp Phước Thạnh, nằm ở ấp Phước Bình B, giữa mênh mông cánh đồng.

Trên gò, dưới bóng duối và cổ thụ chỉ có một ngôi miếu nhỏ của người Việt xây từ những năm nào chưa rõ. Nhưng rõ ràng là chính cái ngôi miếu nhỏ này đã góp phần gìn giữ những gạch cổ và đá vỡ từng im lặng cả ngàn năm ở dưới lòng gò.

Không có miếu, quân đội Mỹ chắc đã bốc trọn đất gò để làm đường tấn công vào các căn cứ lõm của vùng ruột Gò Dầu quyết tử. Người quê nơi đây còn nhớ, xe ủi, xe ban của chúng đã bốc đi một phần gò. Nhưng miếu Bà cùng những cây duối già vẫn còn, hiên ngang như biểu tượng anh hùng của làng quê Phước Thạnh.

Năm 2010, các nhà khảo cổ học của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ đã tiến hành khảo sát sơ bộ nơi này và cho kết quả: “Tấm đá xám đen (là bậc thềm ngôi miếu nhỏ) chính là tấm mi cửa của một kiến trúc được xây gạch dạng đền thờ nằm phía dưới mặt gò thuộc thời kỳ văn hoá Óc- eo và hậu Óc- eo, có niên đại trên 1.000 năm cách ngày nay…”.

Vậy là từng có ở nơi đây ít ra là một nền tháp cổ, có lẽ cũng tương tự như các di tích quốc gia tháp Chót Mạt và Bình Thạnh. Vâng! Gạch cổ vẫn còn đó, rải rác mặt gò, vẫn còn nguyên sắc lửa ngàn năm.

Một điều thú vị khác mà các nhà khảo cổ phát hiện ra, có vẻ như là “duy nhất” có trên đất Tây Ninh, chính là cấu trúc gò: “Một nền đất đắp, đất được đào quanh gò đắp lên giống như hai nền vuông chồng lên nhau, các cạnh theo hướng Ðông- Tây, Nam- Bắc. Chiều Ðông- Tây nền dưới 50, nền trên 34 mét. Chiều Bắc- Nam nền dưới 44, nền trên 38 mét. Nền trên cao hơn nền dưới 1 mét, các góc được bo tròn…”. Và họ dự đoán là khởi thuỷ gò tháp có mặt bằng vuông, do các cạnh ở hướng Bắc, Nam đã bị xói mòn mạnh hơn vì mưa gió (hướng chủ đạo Tây Nam và Ðông Bắc).

Cả Gò Dầu, có lẽ chỉ còn hai nơi có di vật trên ngàn năm. Ðấy là gò Cao Sơn ở xã Phước Trạch và gò miếu bà Phước Thạnh. Vậy mà sau đợt khảo sát khảo cổ năm 2010, đến nay gò tháp này vẫn chưa được xếp hạng di tích để khoanh vùng bảo vệ kịp thời. Có lẽ huyện Gò Dầu cần có những tác động nào đó để gìn giữ những báu vật có trên ngôi làng 140 tuổi- quê hương của Căn cứ Lõm và vùng ruột Gò Dầu bất tử.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục