Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gò Dầu:
Những điểm đến của du khách
Thứ hai: 15:17 ngày 04/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Du khách khi đến Tây Ninh có thể dừng chân tại Gò Dầu để tham quan một số địa điểm khá nổi tiếng như Cao Sơn tự, Khu di tích lịch sử Căn cứ Lõm vùng ruột Gò Dầu....

Khu di tích lịch sử Căn cứ lõm vùng ruột Gò Dầu.

Huyện Gò Dầu có địa hình dài và hẹp. Trên địa bàn có hai trục lộ trọng yếu chạy song song theo hướng Bắc - Nam của huyện. Gò Dầu nằm giữa hai huyện Trảng Bàng và Hoà Thành. Du khách đến Tây Ninh vẫn có thể dừng chân tham quan một số địa điểm khá nổi tiếng như Cao Sơn tự, Khu di tích lịch sử Căn cứ Lõm vùng ruột Gò Dầu....

Những địa điểm du lịch này cách thị trấn Gò Dầu không quá 10 cây số, đường sá rất thuận tiện, xe ô tô chạy đến tận nơi. Cao Sơn tự (hay chùa Cao Sơn) thuộc địa phận xã Phước Trạch, cách Thị trấn chừng 8 cây số theo quốc lộ 22B. Ngôi chùa được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ 19, trên một khu đất cao, rộng, ngay khúc quanh, lượn của dòng sông Vàm Cỏ Đông, như một bán đảo. Khuôn viên chùa có nhiều cây dầu, sao cổ thụ trên 100 năm tuổi, quanh năm toả bóng mát. Mặt trước ngôi chùa nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông. Mặt sau chùa hướng ra con đường giao thông nông thôn được nhựa hoá. Chùa xây theo hình chữ Nhị, dài 22 mét, rộng 10 mét, cao 5,8 mét, thờ cả Phật và Thần.

Tương truyền vào cuối thế kỷ 18, khi Nguyễn Ánh lấy lại vương quyền, một số tướng lĩnh và nghĩa quân Tây Sơn về đây ẩn náu một thời gian trước khi tìm đường lên vùng rừng xa biên giới; và cũng có một số quan "đàng cựu" (thời Pháp chưa xâm lược) đánh giặc, di dân lập ấp, nhân dân lập miếu đền rồi đưa vào chùa thờ.

Từ ngoài nhìn vào phía Đông thờ Thần - quan "đàng cựu", ở giữa là bàn thờ Tổ quốc, phía sau thờ tượng Phật Chẩn Đề, Tổ Đạt Ma, gian trung tâm có các tượng A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Hộ pháp. Tất cả đều là tượng gỗ có giá trị mỹ thuật cao... Chùa Cao Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2001.

Gần bên Cao Sơn tự còn có ngôi đình Phước Trạch, được xây dựng cách nay hơn 100 năm. Mặt đình cũng quay ra sông Vàm Cỏ Đông. Trước sân và xung quanh có những cổ thụ trên 100 năm làm tăng thêm phần uy nghiêm cổ kính.

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Gò Dầu tập trung phát triển vườn cây ăn trái, như: chôm chôm, sầu riêng, nhãn, thanh long ruột đỏ, xoài, bưởi da xanh, ổi lê Đài Loan, dâu... Việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất cao. Các vườn cây ăn trái cũng là địa điểm tham quan du lịch đáng quan tâm.

Điển hình như vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Hữu, ấp 5, xã Bàu Đồn (cặp tỉnh lộ 782). Ngoài chôm chôm, sầu riêng, vườn của ông Hữu còn có nhiều cây dâu nặng oằn trái. Hiện nhiều xã thuộc huyện Gò Dầu có vườn cây ăn trái, nhưng nhiều nhất là xã Bàu Đồn. Xã này có nhiều vườn nhãn, thanh long ruột đỏ và sầu riêng. Các vườn cây ăn trái nằm gần đường, rất thuận tiện cho du khách tham quan.

Giữa hai xã Phước Trạch và Bàu Đồn là xã Phước Thạnh. Địa bàn xã này có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia với tên gọi khá đặc biệt là “Căn cứ Lõm vùng ruột Gò Dầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, với khẩu hiệu nổi tiếng “Quyết tử giữ Gò Dầu”.

Để thực hiện khẩu hiệu này, các đơn vị lực lượng cách mạng xây dựng những lõm căn cứ (căn cứ nhỏ) chiến đấu gần đồn bót địch ở một số xã như Thanh Phước, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Cẩm Giang và Phước Thạnh. Trong đó, căn cứ lõm ở ấp Phước Bình, xã Phước Thạnh là nơi Huyện uỷ và Huyện đội Gò Dầu bám trụ dài ngày nhất, trong những thời điểm khó khăn, quyết liệt nhất và sáng tạo ra nhiều cách đánh để chỉ đạo hai lần “Quyết tử giữ Gò Dầu”.

Khu di tích được xây dựng trên khuôn viên rộng rãi, cách huyện lỵ Gò Dầu chừng 5 cây số về hướng Đông - Bắc. Đường đến Khu di tích này được nhựa hoá, đi lại rất thuận tiện.

Thị trấn Gò Dầu cũng là một đô thị lâu đời, nằm ngay bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Đây được xem là ngã ba giao lưu quốc tế, vì cách biên giới Việt Nam - Campuchia hơn 10 cây số theo đường Xuyên Á. Thị trấn Gò Dầu đang được các cấp lãnh đạo đầu tư xây dựng, chỉnh trang thành đô thị loại IV. Du khách đến Thị trấn có thể tìm mua đặc sản muối tôm, bánh tráng nổi tiếng của Tây Ninh về làm quà cho người thân.

N.H

Tin cùng chuyên mục