Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những đột phá chiến lược của tỉnh Tây Ninh
Thứ tư: 22:56 ngày 06/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lãnh đạo tỉnh khuyến khích mọi người phát huy trí tuệ của cá nhân để tham gia một cách tích cực vào việc tạo dựng những nhân tố mới và cách làm mới, nhằm đạt được mục tiêu cho cái chung; và các cá nhân cũng được tưởng thưởng từ thành quả của mình.

 Huỳnh Thế Du
Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Cố vấn chiến lược phát triển của tỉnh Tây Ninh

Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2015), kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh đã có những chuyển biến rất tích cực. Đây là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh. Tuy nhiên, so với các địa phương trong vùng, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai, Tây Ninh đã tụt lại rất xa. Đây là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh. Kể từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tây Ninh quyết tâm thoát khỏi tình trạng tụt hậu, những bước đi chiến lược đã được triển khai với những kết quả hết sức rõ ràng.

Nuôi trồng khép kín theo công nghệ Aquaponic. Ảnh: Lê Văn Hải.

Nhìn thẳng vào sự thật và lựa chọn chiến lược

Để có thể chẩn đoán được vấn đề một cách khách quan và tìm ra hướng đi với tính khả thi cao, năm 2016, tỉnh đã mời các chuyên gia của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện phân tích “Đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Tây Ninh và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2045” (sau đây gọi là Báo cáo 2016). Báo cáo chỉ ra rằng cả ba cấp độ cạnh tranh của Tây Ninh theo khung phân tích của Michael Porter- cha đẻ của các lý thuyết về cạnh tranh gồm: các yếu tố sẵn có của địa phương; năng lực cạnh tranh ở cấp độ địa phương, và năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp, đều khó có thể so sánh với các địa phương trong khu vực- nhất là với hướng đi và cách tiếp cận một cách truyền thống.

Với các yếu tố sẵn có, như đất nông nghiệp và những thắng cảnh du lịch là những lợi thế hiếm hoi của tỉnh. Vị trí địa lý thì bất lợi một cách tương đối và quy mô nền kinh tế địa phương nhỏ.

Ở cấp độ cạnh tranh địa phương, Tây Ninh dưới mức trung. Hạ tầng y tế, giáo dục thuộc vùng trũng của cả khu vực. Hạ tầng kỹ thuật, về cơ bản thì giao thông, cũng như các tiện ích khác ở Tây Ninh là chấp nhận được, song so với các địa phương khác trong khu vực, nhất là hạ tầng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh đang gặp nhiều bất lợi. Thu chi ngân sách về cơ bản thu đủ bù chi, nhưng mức chi bình quân đầu người rất thấp so với cả nước.

Về năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp, trình độ phát triển cụm ngành và chiến lược của doanh nghiệp có lẽ là những điểm yếu rất lớn của tỉnh. Bản thân địa phương dường như không có ngành hay cụm ngành nào có nhiều tiềm năng phát triển với những lợi thế sẵn có. Địa phương cũng không có những hoạt động kinh tế gắn kết với các cụm ngành trong vùng, ngoại trừ việc cung cấp một số sản phẩm rau củ quả. Tây Ninh cũng đang thiếu vắng những doanh nghiệp dẫn đầu có khả năng tạo ra giá trị thực sự, những doanh nghiệp có quy mô với những nền tảng mạnh về tài chính và quản trị để có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế.

Báo cáo 2016 đã đưa ra những khuyến nghị mang tính chiến lược, và tỉnh đã lựa chọn bốn nhóm đột phá phát triển gồm: cụm ngành các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, cụm ngành du lịch, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, bên cạnh việc dành sự quan tâm đúng mức đến các hoạt động kinh tế hiện hữu. “Đột phá thận trọng” hay cách đi hai chân này nhằm tạo các cơ hội vươn lên và tránh những xáo trộn hay tác động không mong đợi.

Cách làm mới

Mục tiêu chỉ có thể đạt được khi có sự phát triển hài hoà và gắn kết của ba trụ cột phát triển: Thị trường - Nhà nước - Cộng đồng. Do vậy, mối liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học và tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc đặt người dân vào vị trí trung tâm có vai trò quyết định. Đây cũng là lựa chọn tiếp cận của tỉnh.

Trong cách thức vận hành mới này, chính quyền tỉnh đã xác định rõ những việc thuộc phạm vi của mình để tập trung nhằm tạo điều kiện để Thị trường và Cộng đồng làm tốt vai trò của mình. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và các nhóm hành động với sự tham gia của các doanh nhân và các nhà khoa học. Vai trò của mỗi bên được xác định một cách rõ ràng.

Thứ nhất, Nhà nước đóng vai trò “nhạc trưởng” điều phối các hoạt động và đưa ra những chính sách cần thiết. Tỉnh cũng đã tìm kiếm sự ủng hộ và chỉ đạo của Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp khác đã về thăm và làm việc với những chỉ đạo cụ thể. Do vậy, các hành lang chính sách và sự ủng hộ từ Trung ương ngày càng rõ nét và chắc chắn hơn. Đây là điều kiện then chốt để Tây Ninh có thể triển khai thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các ràng buộc về mặt thể chế là chính sách làm cho các địa phương gặp rất nhiều khó khăn với các ý tưởng đột phá.

Thứ hai, việc đồng hành cùng các doanh nghiệp đang cho thấy tính khả thi của các lựa chọn trở nên rõ ràng hơn. Chỉ có doanh nghiệp hay thị trường mới biết một cách chính xác những nhu cầu thực chất và những lĩnh vực, hoạt động có thể mang lại những giá trị cho xã hội, lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thứ ba, sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu đã giúp tỉnh nhìn nhận đúng thực trạng phát triển của mình, những tiềm năng và lợi thế cần phát huy cũng như các bước triển khai cụ thể. Sự đồng hành này đã giúp tỉnh kịp thời nhận ra những vấn đề nảy sinh và có những điều chỉnh cần thiết.

Thứ tư, tỉnh cũng đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Dự án phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của Ngân hàng Phát triển châu Á là một điển hình.

Những kết quả đạt được

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh trong Thông báo số 353/TB-VPCP ngày 13.9.2018 cho thấy rõ những lựa chọn chiến lược của tỉnh là hết sức đúng đắn. Thủ tướng chỉ đạo: tỉnh Tây Ninh phải trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp; thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu du lịch, nâng cao năng lực lưu trú, phát triển nguồn nhân lực du lịch; và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến từ cao su, vật liệu xây dựng. Các điều kiện cơ bản đang được chuẩn bị cho “đại bàng đến lót ổ”, cụ thể:

Thứ nhất, đề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp đã được xây dựng cùng với việc hoàn thành nhà máy chế biến Tanifood có quy mô và công nghệ hiện đại hàng đầu khu vực; và các thoả thuận với những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này- như Nafood chẳng hạn.

Năng lực cạnh tranh của tỉnh Tây Ninh so với các địa phương trong vùng Nguồn: Huỳnh Thế Du và đtg. (2016)

Thứ hai, đề án cụm ngành du lịch đang được xây dựng để tỉnh có được hướng đi chiến lược, bảo đảm thị trường phát triển như mong đợi; và quy hoạch núi Bà Đen đã được điều chỉnh để chuẩn bị cho những doanh nghiệp du lịch hàng đầu vào đầu tư.

Thứ ba, những vướng mắc về vốn và chủ trương đầu tư với các hạ tầng chiến lược, nhất là các tuyến đường cao tốc và hệ thống thuỷ lợi then chốt đã được tháo gỡ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, các vấn đề trọng yếu về giáo dục, y tế, cải cách thủ tục hành chính đã có những kết quả rõ rệt như: khởi công các bệnh viện lớn, chương trình Giảng dạy vì Việt Nam...

Cuối cùng, song song với việc tập trung vào các đột phá chiến lược, tỉnh cũng dành đủ nguồn lực và sự quan tâm đến các hoạt động kinh tế hiện hữu. Do vậy, các hoạt động này vẫn ổn định và phát triển theo chiều hướng tích cực.

Kéo điện lưới quốc gia về nông thôn. Ảnh: Đỗ Thành Nhân.

Thay lời kết

Tạo ra những ý tưởng đột phá, cải cách là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị. Thông điệp của lãnh đạo tỉnh đối với đội ngũ công chức và những người tham gia vào quá trình triển khai mục tiêu vì một Tây Ninh phát triển là rất rõ ràng và nhất quán.

Lãnh đạo tỉnh khuyến khích mọi người phát huy trí tuệ của cá nhân để tham gia một cách tích cực vào việc tạo dựng những nhân tố mới và cách làm mới, nhằm đạt được mục tiêu cho cái chung; và các cá nhân cũng được tưởng thưởng từ thành quả của mình. Điều này đã tạo ra được những kết quả tích cực và một cách làm mới ở Tây Ninh.

Cánh đồng trồng khóm ở Bến Cầu, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Tanifood. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đội ngũ cán bộ công chức nên được khuyến khích “xông vào các vùng xám” chính sách và quy định để tìm ra các giải pháp có lợi cho cái chung. Đối với những trường hợp do giới hạn về năng lực hoặc do những hoàn cảnh khác nhau không thể tham gia vào quá trình này, thì được khuyến khích hoàn thành những nhiệm vụ, chức trách hiện tại được giao.

Tỉnh không thể chấp nhận những trường hợp gây cản trở hay tác động tiêu cực cho việc thực hiện các mục tiêu quan trọng của địa phương, nhất là việc lợi dụng các “vùng xám” chính sách để sách nhiễu và trục lợi cá nhân.

H.T.D

Tin cùng chuyên mục