Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 1 năm nay, sản phẩm gạo Lúa Vàng Việt đã và đang làm nên một thương hiệu đặc biệt được nhiều người biết đến.
Nhân vật chính: Lê Thị Mai Huyền
Không phải “mẹ đẻ” của lúa gạo, cũng không phải “thủ phủ” của gạo ngon, nhưng hơn 1 năm nay, sản phẩm gạo Lúa Vàng Việt đã và đang làm nên một thương hiệu đặc biệt được nhiều người biết đến. Diện tích đất trồng lúa ngày càng mở rộng, người nông dân được làm giàu trên mảnh đất của chính mình.
Biết chị đã lâu, người luôn dành nhiều sự quan tâm đến các học sinh nghèo, hiếu học, những mảnh đời khó khăn ở tỉnh, vậy mà lần gặp gỡ nào cũng có nhiều điều mới mẻ từ chị. Trong lần gặp này, chị khoe vừa thành công sau sự kiện đưa gạo ngon Mắt Rồng, ST25 Én Vàng, Thơm Hạnh Phúc, Hương Ngọc, Lộc Việt... được trồng trên đất Tây Ninh tham gia Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam, với chủ đề “Green Rice, For Life - Gạo Xanh, Sống Lành” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức vào giữa tháng 12.2023 tại thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), nơi quy tụ hơn 500 gian hàng đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chị hào hứng cho biết, sản phẩm gạo ngon Tây Ninh được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và du khách quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là giá trị của gạo hữu cơ khi được gieo trồng tại miền biên viễn.
Chị là Lê Thị Mai Huyền- Tổng giám đốc Công ty TNHH Đức Thành, người đặt niềm tin xây dựng thương hiệu gạo ngon cho đất Tây Ninh- gạo Lúa Vàng Việt- cùng ước mơ vươn ra biển lớn, sánh vai cùng các công ty lớn trong ngành lúa gạo Việt Nam.
Chất xúc tác
Những ngày cuối năm, cánh đồng lúa bạt ngàn tới mùa chín rộ, từng hạt lúa trĩu nặng, vàng ươm, thơm nồng, óng ả dưới nắng. Hơn 2.000 ha lúa sạch, hữu cơ đã đến vụ gặt, ngoài việc ở công ty, chị Huyền phải sắp xếp ra ruộng cùng nông hộ, bàn thảo với các tổ liên kết việc thu mua, vận chuyển về nhà máy và tính chuyện gieo trồng cho vụ mới. Những cánh đồng mẫu lớn trải khắp huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng, không nơi nào chị không đặt chân tới.
“Vụ lúa mùa năm nay thắng đậm. Bà con nông dân quê mình ăn Tết lớn cho coi!”, giọng nói trong trẻo hoà cùng tiếng cười giòn tan, chị Huyền nói, xưa nay, Tây Ninh vốn nổi tiếng với cây mì, cây mía, cao su; cây lúa mặc dù chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác, khoảng 150.000 ha, nhưng chỉ tập trung ở một số vùng, người trồng lúa không biết bán cho ai ngoài thương lái, bị ép giá cũng là câu chuyện đáng buồn. Người dân muốn ăn gạo ngon phải thu mua từ miền Tây lên, chủ yếu đường thuỷ. Quá trình vận chuyển xa xôi, cách trở cũng là yếu tố làm cho hạt lúa, hạt gạo giảm phần nào chất lượng, số lượng.
Bài toán tính chuyện đường dài cho cây lúa, cho người nông dân trong tỉnh có lợi nhất bắt đầu đây. Năm 2018, chị đặt niềm tin vào con đường sản xuất lúa sạch, hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết, bao tiêu đầu vào, đầu ra cho nông dân, dẫu biết rằng sẽ không ít khó khăn trên hành trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo của tỉnh nhà.
“Đã quá thời người ta muốn “ăn no”, mà là “ăn ngon”. Tôi cũng vậy, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn dinh dưỡng theo nhu cầu”, chị kể ba mẹ có truyền thống sản xuất, kinh doanh lúa gạo, phân bón, vật tư nông nghiệp trên 33 năm. Kế nghiệp gia đình, chị cùng chồng tạo lập sự nghiệp riêng, dư dả thì làm từ thiện, hỗ trợ người nghèo. Từ năm 2001, nhiều chương trình công tác xã hội được Công ty Đức Thành triển khai khắp tỉnh, như xây nhà, tặng bò sinh sản, hỗ trợ vốn sản xuất... cho người nghèo.
Mỗi dịp lễ, tết hay khi làm điều gì đó có lợi, chị đều nghĩ ngay đến người nghèo, đến nông dân “chân lấm tay bùn”, đến những đứa trẻ miền quê xa xôi không đủ điều kiện đi học. Năm 2012, chị và chồng phối hợp Báo Tây Ninh thành lập quỹ “Tiếp sức đến trường”, hàng năm dành tặng hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học.
Nhờ liên kết, nhiều nông hộ được hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống lúa và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Trong chuyến về vùng quê làm từ thiện, tận mắt chứng kiến nhiều vườn cây ăn trái, rau màu bị chặt bỏ do giá thành quá rẻ, mùa được, mùa không, hàng tấn lúa chín sau thu hoạch cũng “nằm” ruộng, chờ thương lái thu mua.
Người nông dân thu nhập bấp bênh, nợ nần chồng chất, trong khi khắp các chợ dân sinh khu vực thành thị, người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá gấp đôi, gấp ba lần. Nghĩ chuyện lâu dài hơn, chị và anh lên ý tưởng hình thành một nhà máy sản xuất nước ép trái cây, mục đích thu mua, bao tiêu sản phẩm nông hộ làm ra mà không bị thương lái ép giá, có thu nhập ổn định.
Nhưng khi nhà máy sản xuất nước ép trái cây Tanifoood ra đời, ý tưởng này bị khựng lại. Vậy là anh chị chuyển hướng xây dựng một nhà máy sản xuất lúa gạo. Chịu không ít “lời ra, tiếng vào” từ các đàn anh, đàn chị trong ngành sản xuất lúa gạo, nhưng chị nhận ra, “cái gốc là phải làm khác đi”, miễn sao có lợi cho người nông dân.
“Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, chị tìm đọc thêm nhiều tài liệu về nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu về quản trị nghiệp để hiểu thêm về những giá trị không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn tạo ra giá trị cho xã hội, chị quyết định chọn con đường canh tác hữu cơ cho cây lúa, tạo chuỗi liên kết từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến chế biến và phân phối lúa gạo ngay tại quê hương mình.
Công cuộc “chuyển mình” cho lúa gạo quê nhà được chị lên kế hoạch tỉ mỉ. Năm 2018, chị thành lập Công ty Lúa Vàng Việt, một thành viên của Công ty TNHH Đức Thành. Nhà máy gạo Lúa Vàng Việt là nhà máy lớn nhất tại tỉnh Tây Ninh, công suất 44.000 tấn gạo trắng thành phẩm mỗi năm, đem hy vọng cùng nông dân làm giàu bền vững.
Để người Tây Ninh thưởng thức gạo ngon do chính mình làm ra
Cũng phải mất hơn hai năm, vùng nguyên liệu lúa sạch, hữu cơ mới được hình thành. “Phải thay đổi theo xu hướng tiêu dùng gạo ngon, chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường, thì người nông dân mới giàu bền vững được”- chị Huyền tâm sự.
Giai đoạn đầu, để thuyết phục các nông hộ chuyển đổi phương pháp canh tác lúa hữu cơ vô cùng gian khó. Đó là chưa kể đến quá trình “thâm nhập” thị trường thu mua lúa gạo, khi “lính mới” phải cạnh tranh với nhiều thương lái dày dặn kinh nghiệm. Vạn sự khởi đầu nan, chị đến gặp từng nông hộ, mạnh dạn vận động nhiều tổ liên kết tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra để nông dân an tâm chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ.
Đặc biệt, giá bán sản phẩm hữu cơ luôn được bảo đảm lợi nhuận hơn sản xuất thông thường. Trước những thay đổi về chất lượng cũng như giá trị của lúa gạo hữu cơ, hàng trăm hecta đất ruộng giảm độ chai cứng, đất tươi xốp lên hẳn, dần dần người nông dân chấp nhận chuyển đổi và làm theo.
Tháng 5.2022, Tổ liên kết Đức Thành - Lúa Vàng Việt được thành lập, cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, chuỗi cung ứng bền vững từ kỹ thuật canh tác khoa học đến bao tiêu đầu ra, tất cả đã mang lại hiệu quả năng suất cao hơn dự định, hơn 586 nông hộ đang canh tác trên 2.000 hecta cánh đồng mẫu lớn được hỗ trợ, trung bình mỗi hecta trên 3 triệu đồng.
“Khi làm, tôi đã nhìn thấy một bức tranh sáng màu về nông nghiệp. Ngoài việc sản xuất lúa gạo, người nông dân còn được “tận hưởng” sản phẩm gạo của mình làm ra, đó mới là hạnh phúc”- chị Huyền bày tỏ thêm, xưa nay tâm lý của khá nhiều nông hộ khi trồng cây ăn trái hay lúa gạo, họ đều để một “khoảnh” hoặc vài cây trong vườn an toàn để dùng riêng, đó là chuyện đáng buồn vì còn có những người khác đã và đang dùng sản phẩm kém chất lượng. Chị nghĩ, nếu người dân Tây Ninh chấp nhận và sử dụng gạo Tây Ninh như thói quen hằng ngày, tự khắc thương hiệu gạo Tây Ninh sẽ lan toả ra các tỉnh, thành phố khác, ngày càng được nhiều người biết đến.
Hiện tại, sản phẩm gạo ngon Tây Ninh đã được công ty Lúa Vàng Việt phân phối tại các cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu... Từ năm 2021 đến nay, Lúa Vàng Việt đã cung cấp ra thị trường hơn 10.000 tấn gạo các loại, trong đó có hơn 200 tấn ST25 Én Vàng. Công ty cũng xuất khẩu hơn 50 tấn gạo sang Nam Phi, tạo động lực để chị đặt hy vọng và niềm tin vào các đơn hàng tiếp theo, nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, Philippines…
“Được thành quả như vậy là cả một quá trình phấn đấu của tập thể công ty. Dù không nhiều, nhưng như vậy là đã đủ hạnh phúc rồi”- chị Huyền hồ hởi khoe. Trong năm 2023, nhiều đại lý lớn đến công ty đăng ký mở cửa hàng gạo với Lúa Vàng Việt, trong đó có cả đại lý gạo từ miền Tây. Không những vậy, số lượng gạo ngon, đặc biệt là ST25, OM5451, OM18 bán lẻ đạt doanh thu vượt so với kế hoạch mà chị hướng tới thị trường trong tỉnh. Các tổ hợp tác sau mỗi vụ thu hoạch cũng để lại một phần, chia cho nông hộ khác cùng ăn hoặc mua trực tiếp từ nhà máy với giá rẻ hơn.
Nâng cao giá trị bản địa
Nằm ở phía Tây thị xã Trảng Bàng, được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, xã Phước Chỉ có 3.900 ha đất lúa, trên 70% người dân sống bằng nghề canh tác lúa nước. Đây còn là một trong những vùng chuyên canh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, “chìa khoá” để phát triển bền vững ngành lúa gạo của tỉnh.
Nắm bắt tiềm năng, năm 2020, chị Huyền liên kết với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà, Phước Bình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hơn 430 ha giống lúa các loại được Tổ liên kết Đức Thành - Lúa Vàng Việt bao tiêu, trong đó có hơn 30 ha lúa ST25.
Suốt 3 vụ Đông Xuân 2022-2023, Hè Thu và vụ Mùa năm 2023, nông dân Phước Chỉ “trúng mùa, được giá”, đạt 8 - 9 tấn/ha, riêng lúa ST25 đạt bình quân 6,5 - 7 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần. Thành quả này mang rất nhiều ý nghĩa, nhiều nông hộ đã tự nguyện tham gia vào tổ liên kết, các sản phẩm lúa sạch, hữu cơ chất lượng cao được thị trường công nhận. Vui hơn khi trong năm 2023, sản phẩm gạo sạch ST25 của HTX Phước Hòa được công nhận OCOP 3 sao, mở ra hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo bản địa.
Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, sông ngòi cùng với hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, nhờ lợi thế này, diện tích gieo trồng cây lúa hàng năm đạt khoảng 150.000 hecta, đặc biệt, trên 90% diện tích canh tác lúa đã được cơ giới hoá từ khâu làm đất cho đến thu hoạch. Hiện các giống lúa chủ lực đồng bằng sông Cửu Long như OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 576, IR 50404, ST24, ST25… đều có mặt tại Tây Ninh. So với một số giống lúa nông dân đang trồng hiện nay, thì đây là những giống lúa chất lượng cao, mang triển vọng phát triển trong tương lai không xa.
“Tôi rất biết ơn lãnh đạo tỉnh. Nhờ có sự động viên, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, những người làm trong ngành nông nghiệp mà tôi mới có được kết quả hiện tại. Việc xây dựng nhà máy gạo Lúa Vàng Việt không đơn thuần chỉ bao tiêu sản phẩm của nông dân mà hướng tới việc tạo ra những sản phẩm lúa gạo hữu cơ, đặc sản mang dấu ấn quê hương, để người nông dân làm giàu bền vững”- chị Huyền bày tỏ.
Tâm Giang