Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những khoản thu trong năm học 2021-2022
Thứ sáu: 21:26 ngày 15/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là việc thu các khoản đầu năm học, bảo đảm các chế độ, chính sách cho người học được triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn nhà trường, cơ sở giáo dục thực hiện các nguồn thu, nội dung chi và quản lý, sử dụng tại các cơ sở giáo dục công lập, năm học 2021-2022.

Giáo viên tiểu học ở huyện Dương Minh Châu dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1.

Tự nguyện,  dân chủ, công khai, minh bạch

Trong văn bản quan trọng này, Sở GD&ĐT nêu, nguyên tắc xây dựng mức thu theo hướng cùng chia sẻ với người dân trước những khó khăn, thách thức nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí thấp nhất, nội dung chi phải được thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện có sự thống nhất của tập thể lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên trước khi triển khai thực hiện;

Cơ sở giáo dục hạch toán riêng từng khoản thu, chi vào sổ sách kế toán, tổng hợp, báo cáo quyết toán theo đúng các quy định hiện hành. không được dùng các khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác. Ngoài những nội dung các khoản thu, chi theo quy định, cơ sở giáo dục công lập không được thu bất kỳ các khoản thu nào khác, cụ thể:

Thu học phí, Sở GD&ĐT nêu, mức thu học phí năm học 2021-2022, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc tỉnh trực tiếp quản lý bằng với mức thu học phí ở năm học 2020-2021 theo Quyết định số 2508/QĐ-UBND ngày 4.10.2021 của UBND tỉnh.

Không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 (5 tháng thực học) đối với trẻ mầm non đang học thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, học sinh phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) đang học chương trình phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (báo Tây Ninh đã thông tin).

Thu bảo hiểm y tế học sinh, khoản thu này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, cùng một số văn bản khác liên quan.

Thu tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 1.2. 2013 của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Công văn số 2421/SGDĐT- GDTrH ngày 6.12.2016 của Sở GD& ĐT hướng dẫn thực hiện quy định dạy thêm từ năm học 2016-2017.

Thu từ cho thuê căn-tin  giữ xe cho học sinh: Cơ sở giáo dục công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công cho thuê dịch vụ căn-tin và giữ xe cho học sinh phải thực hiện xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện. Khi cho thuê kinh doanh dịch vụ căn-tin, giữ xe tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, phải tổ chức đấu giá công khai rộng rãi, không thực hiện chỉ định hoặc đấu giá hạn chế trái với quy định hiện hành.Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cần thực hiện theo quy định của pháp luật.

Vận động tài trợ cho hoạt động giáo dục: Nguồn thu này thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT năm 2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Các khoản thu hộ, chi hộ trong nhà trường: Trước khi tổ chức triển khai thực hiện các cơ sở giáo dục công lập phải tổ chức họp cha mẹ học sinh báo cáo chủ trương, kế hoạch triển khai; lấy ý kiến cha mẹ học sinh về nội dung thu, chi theo nguyên tắc tự nguyện, bàn bạc dân chủ không áp đặt bắt buộc; lập biên bản họp ghi nhận ý kiến của cha mẹ học sinh, nếu nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh mới tiến hành triển khai thực hiện. Các khoản thu hộ, chi hộ theo thoả thuận với cha mẹ học sinh là các khoản phải thực hiện trong hoạt động dạy - học, ngân sách chưa giao dự toán để chi.

Thu tiền dạy 2 buổi/ngày: Khoản thu này thực hiện theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1.11.2010 của Bộ GD&ĐT về việc dạy 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Việc dạy tăng tiết, buổi học thứ 2 của trường tổ chức học 2 buổi/ngày phải được nhà trường xem xét phù hợp, tình hình thu nhập của cha mẹ học sinh trên địa bàn và có sự cân đối với các trường ở địa bàn lân cận, hạn chế thấp nhất cách tính chi phí cao vượt khả năng đóng góp của phụ huynh có thu nhập thấp.

Tiền thu, chi cho lớp học bán trú và lớp học không bán trú: Tiền ăn, nước uống của học sinh bán trú và không bán trú, đầu năm học, nhà trường căn cứ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của học sinh để bàn bạc thống nhất với cha mẹ học sinh về mức thu. Việc thu, chi phải được công khai hàng ngày để cha mẹ học sinh giám sát.

Tiền công cho bảo mẫu, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ vệ sinh, bảo vệ… và chi phí quản lý bán trú, tuỳ tình hình kinh tế - xã hội của địa bàn, khối lượng công việc, tiêu chuẩn nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng, nhà trường thống nhất với cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh về số lượng bảo mẫu, cấp dưỡng và mức chi trả, mức đóng góp, trên tinh thần hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Khoản thu tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc ăn, ngủ, nghỉ và chế biến thức ăn cho học sinh bán trú, trước khi thực hiện, nhà trường phải xây dựng dự toán thu - chi theo nhu cầu thực tế của năm học, dự toán này phải được bàn bạc, thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, kế hoạch thực hiện thu - chi gửi cho cơ quan quản lý trực tiếp có ý kiến. Tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế từng địa phương và theo nhu cầu đề xuất của cha mẹ học sinh, nhà trường thoả thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương và mức thu, đồng thời phải bảo đảm cho khẩu phần ăn và sức khoẻ của học sinh; khi kết thúc năm học, nếu số thu không chi hết thì nhà trường có báo cáo, xin ý kiến và phải được phụ huynh đồng thuận biện pháp xử lý (trả lại cho cha mẹ học sinh hoặc chuyển năm sau).

Đối với loại hình bán trú vệ tinh, nhằm đáp ứng nhu cầu học bán trú, các trường chưa được đầu tư cơ sở vật chất, phòng ngủ học sinh, chưa có bếp ăn bán trú, hiệu trưởng bàn bạc, thống nhất với cha mẹ học sinh hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh, tổ chức ăn, nghỉ trưa, dạy bơi, hoạt động ngoại khoá.

Việc cung cấp suất ăn cho trường học, hiệu trưởng bàn bạc và thống nhất với cha mẹ học sinh hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật cung cấp suất ăn học sinh  cho các trường không tổ chức nấu ăn.

Các trường đã được đầu tư bếp ăn (nguồn ngân sách hoặc đã xã hội hoá) từ các năm trước hình thành tài sản, công cụ, dụng cụ của trường, khi hợp đồng đơn vị cung cấp dịch vụ cần xem xét đưa các công cụ, dụng cụ phục vụ bếp ăn vào giá trị đầu tư hợp tác để giảm kinh phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp đồng thời giảm mức đóng góp của phụ huynh.

Thu sổ liên lạc điện tử, dịch vụ camera giám sát được thực hiện theo nhiệm vụ giáo dục năm học nhằm nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục.

Thu tiền bảo hiểm thân thể: Đây là khoản thu tự nguyện, cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn loại hình bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm. Nhà trường tạo điều kiện cho các đơn vị dịch vụ, cơ quan bảo hiểm triển khai thực hiện công tác bảo hiểm học sinh, góp phần bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Các đơn vị dịch vụ, cơ quan bảo hiểm thống nhất với cha mẹ học sinh phương thức thực hiện dịch vụ các loại bảo hiểm theo nguyên tắc tự nguyện.

Giáo viên Trường tiểu học thị trấn Dương Minh Châu vệ sinh lớp học để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại nhưng học sinh vẫn chưa thể đến trường.

Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao và logo, phù hiệu trường: Mẫu quần áo đồng phục, thể dục thể thao và logo, phù hiệu phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với từng lứa tuổi học sinh được nhà trường và cha mẹ học sinh đồng thuận. Hằng năm, không được thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục làm khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Trường hợp cần thiết có sự thay đổi phải được sự đồng ý của nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhà trường có trách nhiệm thông báo mẫu quần áo đồng phục, thể dục thể thao để cha mẹ học sinh tự mua hoặc đặt may (không bắt buộc học sinh phải mua của nhà cung ứng cụ thể hoặc cá nhân tổ chức trong nhà trường). Trường hợp cha mẹ học sinh đồng ý mua đồng phục tập trung thì nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh bàn thống nhất mức thu, chọn nhà cung cấp thoả mãn các điều kiện về giá cả hợp lý, đúng mẫu, kiểu dáng, chất liệu... trước khi ký hợp đồng mua.

Ngoài những khoản nêu trên, còn một số khoản thu khác, tuỳ theo cấp, bậc học. Sở GD& ĐT cũng quy định cụ thể, chi tiết, yêu cầu cơ sở giáo dục không được thu những khoản tiền trái quy định, báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục