Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những làng rừng Quang Hoá (tiếp theo và hết)
Thứ tư: 00:16 ngày 01/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong ba thôn: Hiếu Đức, Long Tuyền, Cẩm Hoa thì ngoại trừ Hiếu Đức mang ý nghĩa tinh thần là trọng đức của cha ông xưa; hai cái tên còn lại thiên về mô tả cảnh quan vùng đất.

Trước Bến Đình Bà, An Thạnh.

Cẩm Hoa thì có thể nhiều người hình dung được. Đây chắc là vùng đất đẹp như hoa gấm. Cũng giống như Cẩm Giang- là một dòng sông gấm, do hoa lục bình nở tím mặt sông. Theo một từ điển cổ thì 2 chữ Cẩm Hoa có nghĩa là tấm gấm thêu lộng lẫy và rực rỡ. Thế còn Long Tuyền? Cũng theo từ điển này thì 2 chữ này là tên một thanh gươm cổ quý trong huyền thoại Trung Hoa cổ. Tuyền còn có nghĩa là suối: Long còn ý nghĩa là thịnh. Vậy theo nghĩa nào đây mới đúng, xin tuỳ ở mỗi người.

Tuy vậy, cũng có thể hình dung cả 2 cái tên này đều chỉ một vùng đất nước đẹp tươi, như thể chỉ có trong mơ hoặc là một xứ thiên thai, thiên đường trên mặt đất. Có lẽ nào, những lưu dân hoặc quân binh đầu tiên đến khai thác sản vật của rừng đã hết sức ngạc nhiên mà đặt ra những cái tên đẹp này chăng?

Ngày nay, ai muốn nhìn tận mắt thiên nhiên lộng lẫy của rừng Quang Hoá xưa, có thể vẫn còn thấy được phần nào ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Là bởi sách Đại Nam nhất thống chí đã mô tả, tại mục sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông): “Ven sông nhiều rừng, trên phía Tây nước chia thành hai đường, dòng phía Bắc tục gọi “Cái Bát”, đi về phía Bắc hơn 100 dặm đến suối cùng, dòng phía Tây tục gọi “Cái Cạy”... đều là đất liên thông của rừng Quang Hoá…”.

Chính là dòng Cái Bát những năm xưa, nay là đoạn sông Vàm Cỏ Đông có tên riêng là rạch Beng-gô ở thượng nguồn chảy bên cạnh Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Như vậy thì sách Gia Định thành thông chí viết: Rừng Quang Hoá ở phía Tây huyện Quang Hoá e chưa chính xác cho lắm. Từ điểm nhìn ở thành bảo Cẩm Giang- thành huyện Quang Hoá thì đúng là rừng triền miên ở phía Tây, bên hữu ngạn sông.

Trên thực tế là rừng Quang Hoá đã kéo dài suốt từ Phước Chỉ, Trảng Bàng, qua An Thạnh, Tiên Thuận, Lợi Thuận của Bến Cầu đến Long Vĩnh, Ninh  Điền, Hoà Hội… thuộc Châu Thành rồi tràn qua cả bên tả ngạn sông bao trùm lên đất Phước Vinh, Thái Bình thuộc huyện Châu Thành.

Rừng tiếp tục trùm lên phía Bắc ở những Trà Vong, Mỏ Công, Hoà Hiệp của Tân Biên ngày nay, bao gồm cả vườn quốc gia và rừng Chàng Riệc; nơi từng là căn cứ địa Bắc Tây Ninh nổi tiếng suốt 2 thời kháng chiến. Hai địa điểm vừa kể chỉ từng là một phần rất nhỏ của rừng Quang Hoá.

Vậy mà trong lòng nó vẫn lưu giữ được ký ức tươi đẹp của rừng xưa. Ai lên vườn quốc gia, tới được trạm giữ rừng ở trảng Tà Nốt sẽ còn thấy những cánh đồng cỏ năn ngập nước đẹp như “hoa gấm”. Đó đây nổi lên những cụm hoa mua rực rỡ sắc tím hồng.

Bên bờ nước lắp xắp ngập tràn bông súng. Nếu may mắn, còn có thể chụp được ảnh mấy chú bồ nông, già đẫy… thậm chí cả sếu đầu đỏ bay về dịp tháng tư ăn củ năn. Đến khu rừng hỗn giao giữa rừng khộp Tây Nguyên và rừng thường xanh Đông Nam bộ sẽ gặp rất nhiều những loài hoa như nghệ rừng, nắp ấm…

Cả những loài dây leo không tên đỏ rực một nét son giữa hoang dại cỏ xanh. Ngước lên trời là thấy những búp lá dầu tở mở xoè dưới trời đón nắng. Cây gì kia mà lá đỏ rực dưới nền mây trắng? Còn nhớ, năm 2016 có 2 cây của vườn quốc gia được gắn bảng đá ghi tên là cây di sản Việt Nam.

Trong đó, cây vên vên có tuổi 215. Vậy là năm nay cây được 220 tuổi. Nếu chính xác thì nó được chào đời vào năm 1801; đúng là vào thời gian rừng Quang Hoá đang được các triều chúa và vua Nguyễn khai thác mạnh mẽ nhất.

Sách Đại Nam thực lục (Nxb Giáo dục, 2007) có chép nhiều sự kiện liên quan đến rừng Quang Hoá. Như năm 1800: “Đông cung Cảnh dâng sớ tâu và nói: “Nhân nay mùa rỗi, xin bắt 10.000 dân phu và số người đồn điền lấy 3/10, uỷ cho Công bộ Trần Văn Thái đem đi Quang Hoá lấy gỗ ván chở về, đóng thêm 50 chiếc thuyền đi biển, để sẵn cho quân dùng” (trang 417).

Hay, năm 1802 có đoạn: “Nguồn Quang Hoá ở Gia Định sản nhiều gỗ, mỗi khi đóng thuyền, thường sai đội Mộc đĩnh đi tìm đem nộp, lên xuống khe suối, sức người rất khó nhọc. Vua hạ lệnh lấy trâu làm thay, phát ra 3.000 quan tiền mua 300 con trâu để kéo. Dân khen là tiện…” (trang 495).

Câu chuyện được lan truyền nhiều nhất, được cả Trịnh Hoài Đức chép lại trong sách Gia Định thành thông chí, là chuyện võ quan Đỗ Thanh Nhơn, được chúa Nguyễn Ánh phong là “phụ chính thượng tướng quân” khi Nguyễn Ánh mới lên ngôi Đại nguyên soái năm 17 tuổi (1788).

Khi: “Ở miền Quang Hoá có cây sao già cỗi, ban đêm trên ngọn cây thường thấy lửa sáng như 2 ngọn đèn. Người ở miền núi kinh sợ phải lánh xa, cho nên nó cao lớn không cây nào bằng. Khi ấy quan quân chợt thấy, lấy rìu búa bổ vào, lập tức hộc máu chết.

Từ đó người ta truyền bảo nhau răn sợ không dám đụng đến… Phương Quận công là Đỗ Thanh Nhơn truyền lệnh tiễn đốc bắt phải chặt lấy được, người nào sợ tránh thì lấy quân pháp trị ngay. Mọi người sợ tuân lệnh tướng, rồi chặt xuống được.

Chợt thấy lửa rực lên, nổ một tiếng rồi bay đi trông như tấm vải trắng. Thân cây gỗ nhựa chảy thấm ướt như máu…” (theo Vương Công Đức, sđd). Đấy là vào năm 1870, ông tướng nổi tiếng bạo ngược, đến quỷ thần cũng không sợ này cuối cùng phải chết dưới tay đại nguyên soái của mình vào tháng 3 năm sau (1871) do “mắc tội khi quân”. Không biết có liên quan gì đến thần cây (hay thần rừng) Quang Hoá hay không?

Những chuyện trích kể trên cho thấy một sự thật là, có lúc đã có hơn cả chục ngàn binh lính, dân phu lên khai thác ở rừng Quang Hoá. Vào năm 1869, toàn bộ dân Gia Định mới có khoảng 200-250 ngàn người (theo sđd, hoặc đến năm 1867, dân Tây Ninh mới chỉ có 11.912 người (theo Nguyễn Đình Đầu- Tổ chức Hành chính Tây Ninh 1836-1970, Tạp chí Xưa nay số 96, 2001). Thì 10.000 quả là một con số đáng kinh ngạc.

Đấy còn là chưa kể lính đồn điền. Và có thêm một chi tiết nữa là “khi Đỗ Thanh Nhơn lên Quang Hoá mở xưởng đóng thuyền chiến, ông cũng đã gầy dựng căn cứ cho quân Đông Sơn (dưới quyền ông) tại đây.

Sau khi Đỗ Thanh Nhơn bị Nguyễn Ánh giết vào năm 1871, quân Đông Sơn bị chia tách thành nhiều nhóm nhỏ cho suy yếu. Nhiều tướng Đông Sơn bất mãn bỏ trốn lên Quang Hoá lập căn cứ…”. Do đó, không loại trừ việc các nhóm quân này đã ở lại làm ăn sinh sống, lập nên các làng thôn sớm nhất trên đất Tây Ninh, trong đó có 3 thôn Hiếu Đức, Long Tuyền và Cẩm Hoa.

Cuối cùng, thì tác giả Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam cũng cho ta biết các thôn ấy nay là đâu, dù mới chỉ là nghiên cứu bước đầu, độ xác thực còn “tương đối”. Căn cứ vào mô tả “tứ cận” trong sách Địa bạ Gia Định, ông cho rằng: “Hiếu Đức xưa bao gồm các xã Hảo Đước, An Cơ, Phước Vinh, Biên Giới của huyện Châu Thành và có thể một phần các xã Hoà Hiệp, Tân Phong, Mỏ Công… của huyện Tân Biên”.

Còn Long Tuyền: “có thể là vùng đất Ngũ long ở Bến Cầu, bao gồm các xã Long Vĩnh, Long Giang, Long Phước, Long Khánh và Long Thuận….” (Long Vĩnh nay thuộc h.Châu Thành). Và Cẩm Hoa- xứ sở gấm thêu rực rỡ và lộng lẫy kia là ở: “có thể bao gồm các phần đất của xã Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh, Phước Lưu…”.

Tác giả cũng cho rằng: “Thôn Long Tuyền và Cẩm Hoa là hai thôn mà dấu tích để lại không nhiều nên rất khó xác định chính xác vị trí ngày nay…”. Tuy vậy, điều có thể thấy ngay là những miền đất này đều đã từng thuộc về rừng Quang Hoá ngày xưa.

Dấu tích thì mịt mờ, nhưng có những chữ đến nay vẫn còn sáng chói. Liệu có phải chữ Long của miền đất Ngũ long là được thừa kế từ Long Tuyền? Và miền đất bên hữu ngạn sông Cẩm Giang kia chính là miền đất Cẩm Hoa?

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục