Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những lưu ý tránh đổi nhầm giấy phép B2
Thứ hai: 14:23 ngày 17/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại một số cơ sở y tế được phép khám sức khỏe để cấp, đổi giấy phép lái xe, nhân viên, y tá dù không nắm rõ quy định mới nhưng lại đưa ra những lời tư vấn không rõ ràng, khiến nhiều người dân hiểu lầm và làm thủ tục đổi hạng giấy phép lái xe không đúng mong muốn.

Tư vấn dù không nắm rõ luật

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh rằng họ gặp khó khăn trong việc đổi hạng giấy phép lái xe (GPLX) theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Trong đó, khó khăn nhất là khi đổi từ GPLX hạng B2 sang hạng GPLX hạng C1. Sau khi đổi hạng thành công, thay vì được lên hạng C1, GPLX mới của họ lại có hạng B với nhiều quyền lợi bị hạn chế hơn so với hạng B2 cũ.

Cụ thể, GPLX hạng B2 cũ cho phép tài xế được lái xe tải có trọng tải (khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở) dưới 3,5 tấn. Còn GPLX hạng B mới chỉ cho phép tài xế lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn (tổng khối lượng của xe tải, người ngồi trên xe và hàng hóa chuyên chở).

Như vậy, nếu đổi từ hạng B2 cũ sang hạng B mới, tài xế chắc chắn phải chở ít hàng hóa hơn trước để sao cho tổng khối lượng đạt đúng 3,5 tấn, hoặc thậm chí phải bán xe tải cũ đi để mua những dòng xe tải nhỏ hơn.

Trong khi đó, nếu người dân đổi thành công thành hạng C1 mới (được phép lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn), quyền lợi của tài xế sẽ gần như được giữ nguyên.

Những lưu ý tránh đổi nhầm giấy phép B2 ảnh 1

Người dân tập trung tại bộ phận một cửa của Sở GTVT Hà Nội để làm thủ tục cấp, đổi GPLX. Ảnh: VIỆT KHÔI

Nhiều tài xế giải thích rằng, một phần do họ chưa nắm rõ quy định của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ mới, một phần do nghe theo hướng dẫn của nhân viên ở các cơ sở y tế có dịch vụ khám sức khỏe để cấp GPLX. Một tài xế mới đổi từ hạng B2 cũ sang hạng B mới kể rằng, khi đi khám sức khỏe y tá nói bằng B2 chỉ đổi được hạng B.

Phóng viên Tiền Phong đã tới khảo sát một số bệnh viện, phòng khám có dịch vụ khám sức khỏe để cấp GPLX tại Hà Nội. Sau khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy thường có 2 trường hợp xảy ra.

Trường hợp đầu tiên là việc các nhân viên, y tá nắm rõ sự thay đổi về hạng GPLX và tư vấn, hướng dẫn chính xác cho người dân. Ở các cơ sở y tế như Phòng khám đa khoa Việt - Hàn (246 Phố Huế, Hai Bà Trưng), Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (34 Hòe Nhai, Ba Đình), Phòng khám Đa khoa SBB (499 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng),… các nhân viên, y tá đều khẳng định GPLX hạng B2 có thể đổi thành hạng B hoặc hạng C1, nhưng vẫn khuyên nên đổi thành C1 vì lái xe sẽ nhận được nhiều quyền lợi hơn.

Trường hợp còn lại là do một số nhân viên, y tá đưa ra những tư vấn, hướng dẫn không chính xác cho người dân vì không nắm được quy định thay đổi hạng GPLX mới, xảy ra tại các cơ sở y tế như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phòng khám Đa khoa INDICA (999 Giải Phóng, Hoàng Mai).

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khi PV xin được tư vấn về đổi hạng GPLX trước khi đăng ký khám sức khỏe, một số nhân viên, y tá nói rằng, GPLX B2 chỉ được đổi về hạng B, chứ không đổi sang hạng C1.

Khi phóng viên hỏi rằng có chắc chắn không, những người này nói “thật ra cũng không nắm rõ lắm”… Tại Phòng khám Đa khoa INDICA, một nhân viên lễ tân phòng khám khẳng định rằng GPLX hạng B2 chỉ đổi ngang được sang hạng B, còn nếu muốn đổi sang C1 thì phải đi học ở trung tâm…

Tiêu chuẩn sức khỏe trước khi đổi GPLX

Thực trạng nhiều tài xế do không nắm vững quy định, cộng thêm việc nghe theo sự tư vấn không rõ ràng từ một số nhân viên, y tá tại các cơ sở y tế nên đã đổi “nhầm” từ GPLX hạng B2 sang hạng B.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), trong quá trình làm thủ tục cấp đổi bằng lái, tài xế hạng B1, B2 cũ được quyền đổi thẳng sang hạng C1 mới nếu không muốn đổi sang hạng B. Điều này được nêu rõ ở điểm e, khoản 3, Điều 89 của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024: GPLX hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khuyên, người dân nên tìm hiểu kỹ các quy định mới về việc cấp, đổi lại GPLX mới trước khi đi khám sức khỏe hoặc thực hiện thủ tục cấp, đổi GPLX tại các bộ phận một cửa hoặc trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

“Tốt nhất là người dân nên tự trang bị kiến thức bằng cách nghiên cứu thật kỹ các điều khoản của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024. Nếu có thắc mắc, người dân nên hỏi cán bộ, nhân viên làm việc tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) hoặc Cục Đường bộ Việt Nam, không nên hỏi nhân viên, y tá tại các phòng khám, bệnh viện… Việc tư vấn về thủ tục đổi GPLX không phải trách nhiệm của họ”, luật sư Lê Ngọc Hoàng cho biết.

Ngoài Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024, người dân cần tìm hiểu Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe.

Cụ thể, theo Điều 2 của Thông tư 36, người có nhu cầu đổi GPLX sang hạng C1 cần phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe thuộc nhóm 3, với yêu cầu về tình trạng sức khỏe tốt hơn tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 2 (áp dụng để cấp GPLX hạng B). Nếu không đạt tiêu chuẩn sức khỏe thuộc nhóm 3, lái xe có thể sẽ không đổi được GPLX từ hạng B2 lên C1, mà buộc phải đổi sang hạng B.

Nhiều người dân phản ánh, cổng dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam hiện chỉ cho phép đổi GPLX các hạng B1, B2 cũ sang GPLX hạng B. Khi chọn đổi GPLX sang hạng C1, hệ thống hiện thông báo “hệ thống DVC chưa chuyển đổi hạng C1”. Điều này cũng dễ khiến người dân hiểu nhầm rằng GPLX hạng B1, B2 chỉ có thể đổi được sang hạng B.

Về việc này, cán bộ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cổng dịch vụ công Quốc gia chưa hỗ trợ đổi từ bằng B1, B2 sang C1, mà sẽ mặc định đổi sang bằng B. Do vậy, với những ai có nhu cầu đổi từ bằng lái B2 cũ sang bằng C1 mới cần phải nộp hồ sơ và làm thủ tục cấp đổi bằng trực tiếp tại Sở GTVT nơi đang cư trú.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh