Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo bờ kênh Tây bên trái, từ cầu kênh K13 đi khoảng 2 cây số thì gặp suối Vườn Ðiều “lòn” dưới đáy kênh. Nhưng trước khi tới đấy, người đi ắt sẽ dừng lại để ngắm một vườn rẫy đầy bươm bướm trắng bên đường.
Tấm thảm xanh đậm đà diệp lục như trải phơi trên một giàn tre cao hơn 1 mét, ta thấy như có một bầy bươm bướm trắng rập rờn bay. Ðịnh thần lại mới thấy đó là những bông hoa trắng phớt tím, và dưới giàn đã treo lúc lỉu những trái đậu rồng dài thẳng hoặc cong queo. Ôi chà! Chợt nhớ và thèm món mắm chua thịt luộc ăn với đậu rồng tươi nguyên.
Lại nhìn vào bóng tối âm u mát rượi dưới giàn cây kín mít mà thèm chui vào, trải đệm hoặc lá cây trốn nắng làm một giấc qua trưa. Phía trong vườn rẫy ấy còn um tùm những bụi chuối và tre trúc với cao su. Người chủ rẫy cho biết đây đã là khu phố Ninh Phúc, thuộc phường Ninh Thạnh của thành phố Tây Ninh.
Từ đầu ngọn suối vừa lòn qua đáy kênh Tây, nếu có thể luồn qua những rậm rạp xanh tươi tốt mà đi, thế nào cũng gặp những vườn chôm chôm chín đỏ. Ở đấy đã thuộc về khu phố Ninh Lợi. Ðang là mùa mưa tháng bảy nên suối tuôn nước đỏ ào ào.
Mặt suối hút sâu 4-5 mét bên những vườn cây Ninh Lợi. Dọc con đường trục xuyên ngang khu phố, những xóm dân cư ngay ngắn trên những triền nghiêng từ mặt đường ra tới suối. Rồi ra tới đường Ðiện Biên Phủ sẽ có một quán cà phê mang tên Cầu Vườn Ðiều.
Dù đã ở sát một trục đường lớn nhất của thành phố Tây Ninh, nhưng quán vẫn còn níu giữ những mái tranh xập xè bên bờ suối rậm. Bên phía đối diện, một nhà ven suối cũng đã nâng cấp lên thành một quán Lạc Viên. Bờ kè của khuôn viên quán rộng thênh thang xây ngay trên bờ suối.
Xin trở lại với bờ kênh Tây, để còn đi tiếp một con đường xuyên qua khu phố Ninh Phúc. Từ đoạn kênh gặp suối, đi thêm gần cây số nữa là gặp một cây cầu bê tông ba nhịp bắc qua kênh. Chủ quán cà phê không tên ở đầu cầu gọi là cầu Ba Tấn.
Anh còn giới thiệu tên cũ của cầu là cầu Hai Muốn. Ðấy là do trước khi Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố, đã có ông Hai Muốn làm cầu bằng tre, dừa cho dân đi tạm. Ngay đầu quán cà phê có con đường mòn đi về phường Ninh Thạnh.
Cũng phải mất khoảng nửa cây số để băng qua những vườn mãng cầu, hoặc cao su. Có nơi lại có cả hàng công đất trồng toàn cây phát tài chuyên làm cây kiểng. Thì ra người dân Ninh Thạnh đã nghiên cứu, canh tác đủ các loài cây cho các loại nhu cầu.
Chẳng thể tin được, sau những đường bờ, đường lô ngoắt ngoéo ấy lại có cả một con đường nhựa đang chờ đợi. Con đường này còn chưa kịp có trên bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh in năm 2001. Vậy mà mặt nhựa rộng thênh thang, êm mát bánh xe lăn. Chính là trên khúc đường này, nhìn đâu cũng thấy Ninh Thạnh đẹp như tranh vẽ.
Ngước về phía núi, thấy núi Bà đậm đà xanh, ngọn khuất trong bời bời mây trắng. Những vườn cây và cả vài cây dừa còi như đang bị “cuốn theo chiều gió”, khiến các mái nhà tôn màu mát xanh như đùa giỡn với nắng vàng. Miên man những ruộng mía và bãi cỏ vàng, xanh phớt nhẹ lớp hoa nâu quyến rũ bò về gặm cỏ.
Lại nhớ những chuyến đi đã từng qua Ninh Thạnh. Như tết nào đến chợ Cư Trú mua sắm. Ngôi chợ nhỏ nằm khuất nẻo trong khu phố Ninh Ðức kia lại quá sức đông người. Bởi chợ chất ngất những trái cây cùng rau củ quả trồng ngay ở những nhà vườn Ninh Thạnh.
Chợ có tên Cư Trú là bởi đây từng là xóm cư trú của người Tà Mun. Họ tới đây khoảng những năm 1927-1930 để góp sức khai phá rừng hoang, làm nên Toà thánh Cao Ðài. Ðến Ninh Thạnh, cũng là chấm dứt đời sống du canh du cư của người Tà Mun để yên ổn định cư. Sau nữa, đến năm 1970, nơi đây lại trở thành chỗ ở tạm thời cho những Việt kiều Khmer về lánh nạn. Vậy mới thành cái tên Cư Trú, và thành tên chợ.
Nhớ một cái tết Tà Mun, gọi là Sa uôn cô Kha mun, tại đây khách đến được mời ăn một món của rừng xưa theo truyền thống Tà Mun thuở du cư. Ðấy là món cá nướng trộn với đọt mây, chẳng biết bà con kiếm ở đâu ra giữa thời công nghiệp hoá.
Ngay giữa xóm lại có xưởng bánh tráng nhộn nhịp các nam thanh nữ tú. Ðấy là cơ sở 10 Sơn. Cùng với các cơ sở Phượng, Quốc Thắng, Bảy Thôn... có thể xem Ninh Ðức có một làng nghề bánh tráng truyền thống và vẫn đang làm ăn phát đạt. Ninh Thạnh còn có nghề rèn, không kém làng rèn Lộc Trát ở Trảng Bàng.
Lại nhớ có lần đến khu phố Ninh Hoà thăm một hợp tác xã rau quả sạch theo quy trình VietGAP, để thấy bạt ngàn xanh những ruộng bí, bầu, mướp đắng. Vòi phun xoay tít trên những giàn leo lấp lánh hoa vàng.
Những luống, giàn khổ qua làm thành những vòm xanh sâu hút, trái treo lúc lỉu như những giàn chuông gió. Bên cạnh những vườn rau quả còn là những vườn cây mủ trôm đang kỳ cho nhựa. Càng đi vào sâu, xa càng lắm sự bất ngờ. Ðô thị hoá không làm mất đi những đặc trưng của làng xã ngày xưa.
Ninh Thạnh vẫn như cô gái chân quê trong thơ Nguyễn Bính. Nào: “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!”. Rồi: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh...”.
Nhưng chẳng thể giữ một ước mơ riêng tư như vậy mãi. Ninh Thạnh cũng đang chuyển mình, thậm chí bứt phá để đi lên đô thị hoá. Dù báo cáo giữa nhiệm kỳ năm 2018 của Ðảng uỷ xã tự thừa nhận, rằng: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn còn chậm, do cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, chưa tạo được động lực thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Các tuyến đường bên ngoài khang trang, nhưng bên trong vẫn còn nhiều đường đất, người dân đi lại và vận chuyển nông sản còn khó khăn. Diện tích đất nông nghiệp nhiều, nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát chưa đồng bộ...”.
Nhưng cũng xin thưa: từ xưa, một phần Ninh Thạnh hôm nay đã nằm trong hệ thống quy hoạch ô vuông của vùng “Thánh địa Cao Ðài”, nhất là các khu phố Ninh Hoà, Ninh Lợi. Vậy nên số đường sá vô cùng lớn, không thể hoàn thiện ngay để đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới. Nhưng có điều mà ai cũng thấy, là ít ra khu vực trung tâm của xã đã thật sự khang trang và hiện đại.
Trung tâm ấy nằm trên đường Ðiện Biên Phủ lộ giới 40 mét, hiện là con đường lớn nhất của thành phố Tây Ninh. Ðường có dải phân cách giữa với hàng trụ đèn đường đêm về sáng tựa sao sa. Hơn 4km con đường lớn này, khoảng một nửa đi qua các phường Hiệp Ninh và Ninh Sơn.
Còn lại hoàn toàn đi qua Ninh Thạnh. Và cùng với nó là hệ thống đường xương cá cũng đã được cứng hoá bằng đường nhựa. Hẻm 14A là một con đường như thế đưa ta vào xóm Cư Trú cũ của người Tà Mun, hôm nay đã là khu phố Ninh Ðức thật khang trang.
Nếu ở trung tâm là hàng loạt các công trình trường học, nhà bia tưởng niệm được xây khá đẹp và lùi cách xa đường, dành chỗ cho cây xanh và hoa cỏ mọc thì trong các hẻm, các công trình dân cư cũng san sát và ngăn nắp.
Con đường từ hẻm 14A vào chợ Cư Trú, nay là chợ Ninh Ðức đã được láng bằng vữa xi măng sạch thoáng. Chỉ có chợ là vẫn xập xùi mái thấp như xưa, do còn phải chờ “xã hội hoá”. Mà điều này thì hơi khó...
Chợ tuy thấp, nhưng vẫn đầy ắp những trái cây, hoa quả dù đến đây vào một chiều mưa. Vậy mà tấm lòng người dân nơi này vẫn luôn rộng mở, dù có thể cuộc sống hôm nay cũng chưa phải là dư giả. Tại nhà số 477 hẻm 14A có cả một bếp ăn từ thiện dành cho “trăm họ”.
Ai cũng có thể đến ăn hai bữa sáng, chiều. Bên Ðiện thờ Phật mẫu gần đấy lại có phòng thuốc miễn phí dành cho các bệnh nhân nghèo khó. Ði giữa phường Ninh Thạnh hôm nay, mà lòng thấy vui sao!
Trần Vũ