Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những màu hoa Thmay
Thứ tư: 12:34 ngày 26/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng tư này, lại được về với những xóm mạc hiền hoà của người Khmer Tây Ninh, thường được gọi chung là Khmer Nam bộ.

Chùa Kà Ốt vào năm mới.

Về để còn được hoà vào vòng múa đắm say trong tiếng nhạc hào hứng rộn ràng vang khắp ấp làng.

Dẫu bạn có là người “ngoại đạo” thì cũng không thể dừng chân, tay cho được. Chân cứ phải nhún. Bàn tay cứ muốn cong lên, vắt xuống nhịp nhàng theo nhịp trống đàn. Mà nhất là ở Khedol, nơi có chùa “bông sen vàng hào quang của núi” ấy, thì cứ gọi là dẫu hiền như đất thì cũng phải cựa mình mà đứng dậy. Bởi lễ hội năm nay, và chắc là cũng đã từ vài năm trước, thì xen giữa những điệu nhạc múa Khmer còn có cả nhạc Rock.

Thế là các trai thanh, gái lịch vừa nhẩn nha múa điệu Roam vông kia, bỗng chốc hoá thân thành các Rocker. Cũng chân nhảy, tay vẫy bừng bừng khí thế. Họ ném những túi bột trắng, túi nước hoặc xoa vào mặt nhau thành những mặt nạ cười ngộ nhĩnh.

Thật y như là những Carnival, lễ hội hoá trang hay lễ hội bột mì, cà chua ở tận góc trời Âu Mỹ. Mà có lẽ cũng “hoá trang” thật, khi thấy cả một anh to khoẻ lại đeo tóc giả râu ngô xoăn tít và diện váy bà đầm trong vòng múa ở Khe Ðon. Và, dĩ nhiên có cả rất nhiều trẻ em cũng nhảy múa không kém các đàn anh, đàn chị…Tháng tư. Thật lòng cứ muốn như nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết. Rằng “thân này ví xẻ làm đôi được”. Ðể còn đi cho khắp các hội hè nồng nhiệt các xóm ấp Khmer trải trên nhiều huyện, thành tỉnh Tây Ninh. Thôi đành đi đến mấy nơi đã lâu không tới. 

Ngày đầu tiên 14.4 theo chân đoàn cán bộ tỉnh do ông Nguyễn Văn Nhiếm - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh dẫn đầu để lên với chùa Kà Ốt, xã Tân Ðông, huyện Tân Châu.

Mới độ 5 năm, mà nay cảnh vật đã khác nhiều. Chỉ có con người là vẫn vậy. Như Danh Ngất - Bí thư chi bộ ấp. Rồi Cao Văn Xay - trưởng ấp. Lại có cả Danh Xà Ben - người nghệ sĩ năm nào cũng dẫn đoàn “ca múa nhạc” của ấp Khmer về tỉnh, hoặc ra tận Trung ương dự Liên hoan toàn quốc văn hoá dân tộc Khmer. Lại gặp cả một cô dẫn chương trình mừng năm mới Chol Chnam Thmay, mà thoạt nhìn cứ tưởng là một nghệ sĩ hát năm xưa. Hoá ra không phải. Cô tự giới thiệu mình là Cha Nen - giáo viên tiểu học Tân Ðông B, là em của cô ca sĩ ngày xưa nay đã giải nghệ, lấy chồng.

Dâng cơm mới cho Sư tại chùa Kà Ốt.

Gặp nhau - tay bắt mặt mừng. Sư cả, già làng và nhiều đại biểu tỉnh, huyện, xã và các giới trong ấp đã có mặt đầy đủ trong nhà văn hoá ấp. Ông Nhiếm đọc diễn văn chúc mừng của lãnh đạo tỉnh.

Rồi các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện, Công an, Bộ đội Biên phòng tặng quà cho tập thể và các cá nhân tiêu biểu…Nhưng, tiếng trống đàn đã nổi lên ngoài kia, như mời gọi hãy ra sân vui lễ với bà con. Có lẽ cánh thanh niên đã múa hát suốt đêm qua còn chưa lại sức, nên chỉ có vài em thanh niên, học sinh ra múa quanh chiếc giàn tre buộc dưới bóng cây mít buông xuống nhiều chùm “tố nữ”.

Tâm điểm của phần hội là ở đây, chiếc giàn tre chất đầy trái cây và điểm trang thêm vài bụi mía. Một em rất xinh tên là Xray Nít kể mình đang học lớp 9, sang năm sẽ thi vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú ở tỉnh. Ừ, thì ráng lên, Xray Nít! Ðể còn học lên cao, theo ngành báo chí, làm biên tập viên tiếng Khmer Ðài tỉnh hoặc Ðài Truyền hình quốc gia VTV.

Nhưng, còn một lý do khác! Ðấy là giờ trưa ngày thứ hai của tết đang diễn ra lễ dâng cơm mới cho các nhà sư. Ở trên sân phía trước chùa, bày một chiếc bàn dài trải khăn trắng, đặt những chậu nhựa to và bình bát. Hầu như mọi gia đình Khmer trong ấp đã dồn tụ lại đây, tay cầm những chiếc cà- mèn đựng cơm trắng. Thế rồi lần lượt, bắt đầu từ các ông già bà cả, cho đến thanh thiếu nữ đến xúc từng muỗng cơm trắng tinh cho vào từng chiếc chậu và bình.

Xong việc chính, họ sẽ đem một phần cơm còn lại sang bên phía sân kia, múc đổ xuống chân móng ngôi chùa. Việc làm này, có lẽ giống với việc người Việt đem rải cháo lá đa hoặc bỏng cốm dịp xá tội vong nhân rằm tháng bảy. Cơm, cháo ấy là dành cho những linh hồn còn phiêu bạt đó đây chăng? Phần cơm chính dâng trước, là để dành cho các nhà sư tu hành, tụng niệm cầu kinh để Phật Trời luôn ban cho mưa thuận gió hoà.

Cơm trắng đầu mùa khiến cho tôi nhớ những cánh đồng vàng ở Kà Ốt những năm về trước. Hồi ấy, sư cả Cao Văn Nuôl (đã mất) còn khoe, có thuỷ lợi rồi, ruộng hai ba vụ lúa. Nay, trên đường vào chùa chẳng thấy lúa đâu. Mà chỉ thấy những chân trời dằng dặc cao su, những nương rẫy ngút ngàn màu xanh mì mía. Ðem thắc mắc ấy hỏi trưởng ấp, thì ông Cao Văn Xay bảo: Chuyển đổi cây trồng hết rồi, cơ bản là mì, mía, cao su thôi! Cũng vì thu nhập cao hơn. Lại tranh thủ rời chùa vào xóm.

Ôi! Làng quê Kà Ốt hôm nay đã đẹp bất ngờ. Vẫn những gác mái nhà sàn nhưng đã tưng bừng máu ngói đỏ. Tuyệt không còn thấy những chuồng trâu bò ở ngang hoặc ngay phía trước nhà. Có cả mấy ngôi lợp ngói xi măng màu xanh ngọc như nhiều nhà ở phố. Một số còn thêm căn nhà “cao cẳng” cho chiếc máy cày còn óng đỏ màu sơn. Từ gầm sàn một căn, vọng ra tiếng mời chào vào uống nước. Cái gậm sàn nay đã sạch bong, ấm cúng như một căn phòng khách.

Người lớn tụ quanh bàn đá uống trà, trẻ con chơi đùa ríu rít. Và ô kìa! Có hai cô bé đang rủ nhau hái bông mười giờ tươi đỏ trên một mảnh vườn con. Ðấy cũng là màu hoa mới tinh có trong Chol Chnam Thmay Kà Ốt. Hoa đẹp, làm cho con đường 14 tỷ, xã mới đầu tư chạy từ Kà Tum lên Tầm Phô qua đây càng đẹp hơn, dù mới hoàn thành phần trải đá dăm...

Ðã đến lúc phải quay về. Lên xe ngoái lại khu vườn rừng tốt rợp của chùa. Vẫn còn nguyên những bụi tre to, những cây xoài cổ thụ hoặc cây đa đường kính tới gần hai mét. Chợt nhớ lời ông Tám Một (Võ Thành Thơ), nguyên Bí thư Huyện uỷ Tân Biên kể, rằng chùa Kà Ốt cũng là nơi ông từng bám trụ hoạt động những năm đánh Mỹ. Cậu con trai, Võ Quốc Thắng- nay là Phó Chủ tịch huyện Tân Châu được sinh ra ở chính nơi này…

Ngày 16.4, chủ nhật lại được theo đoàn do Tỉnh đoàn dẫn đầu lên chùa Sát Rát, xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành. Thì đã thấy đoàn của Bí thư Huyện uỷ Châu Thành lên trước. Trong gian Sa la, lại nghi lễ chúc mừng và trao quà tặng.

Ở góc bên kia, là các bà mẹ vẫn đang “kiểm đếm” từng món đồ bà con dâng cúng cho sư. Gạo được vài bao tạ cùng nhiều thùng thực phẩm. Hỏi, thì các mẹ bảo, cũng đủ cho các sư sãi dùng cho tới lễ Ðolta. Vườn chùa Sát Rát rất rộng và đẹp bởi có nhiều cây cả cổ thụ lẫn mới trồng. Ai mới đến cũng sẽ thấy ngay một điều tưởng như nghịch lý. Rằng ngôi chùa thì vẫn nhỏ hẹp, trống trước hụt sau, nhưng tường rào lại kiên cố đà kiềng bê tông, xây gạch. Nhờ thế mà cái ao sen phía trước và cả khu vườn mộ thênh thang vẫn còn nguyên. Các sư bảo, cứ từ từ mà xây nên, nhưng phải bảo vệ vườn rừng trước đã. Nghe lại thấy là có lý.

Hình ảnh cảm động nhất ghi được ở Sát Rát là cảnh người dân tự múc cơm mới dâng sư. Các sư sãi ở đây, cũng như ở Khedol còn rất trẻ, một số là con cái họ. Vậy mà có một điều gì đó rất thiêng liêng trong từng cử chỉ, động tác cung kính múc cơm ra, cho vào từng bình bát các sư sãi và chú tiểu. Dưới trời nắng chang chang, những bước đi nhẫn nại, từng muỗng cơm trắng múc nhẩn nha.

Dòng người dài dặc đứng xếp hàng chờ đợi quanh ngôi chùa nhỏ. Và bừng lên kia, là những bông hoa huệ đất màu cam rực nắng tháng tư. Ðất khô xác thế, mà hoa vẫn thắm tươi như tình người Khmer. Trong khi nhiều chùa đã thêm màu hoa mới, thì nơi đây vẫn là bông huệ đất. Thuỷ  chung gắn bó đã bao đời. Cùng ngày này thì ông Phan Văn Thái- Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh dẫn đầu đoàn tới Khedol. Biết hôm nay mới là ngày thứ hai (trong 3 ngày) của tết, nên chiều hôm ấy tôi lên Khedol thăm lại. Thì bất ngờ gặp một Khedol tưng bừng múa và âm nhạc như đã kể ở đoạn đầu.

Ôi Khedol! Nơi có cộng đồng người Khmer đông đảo nhất, nay đã thuộc về TP Tây Ninh, ấp Thạnh Ðông, xã Thạnh Tân. Về phố đã lâu, nhưng Khedol vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc Khmer đậm đà nhất. Bà con vẫn cứ là đắp Núi Cát, lên chùa dâng sư cúng Phật. Vẫn có những trò chơi dân gian của cả trẻ em và người lớn. Chiều ngày 16.4, thật may vẫn còn một nghi thức quan trọng là Tắm Phật.

Thì ra, bà con cùng các nhà sư chuẩn bị kỹ lưỡng biết bao cho mục lễ này. Từng nhà đem đến chùa những bình nhôm có chân, bên trong đựng nước ướp với nhiều cánh hoa thơm ngát. Các sư thì bày biện các pho tượng nhỏ trên bàn dài đặt trên sân trước ngôi chùa. Bình nước của mọi nhà cũng đặt trang trọng trên tấm thảm trải trên bậc cấp. Nghi lễ trọng thể diễn ra. Sư cả với lọng che, sãi và tiểu bước theo sau dẫn đầu cả đoàn người đi vòng 3 lần quanh chùa, trên tay mỗi người là một nén nhang thơm cháy đỏ.

Trở lại nơi xuất hành, các sư và các già làng, người cao tuổi sẽ ở vị trí quan trọng nhất ngay trước tượng Phật nằm. Cầu kinh và tụng niệm xong, thì các sư sãi lấy nước của mọi nhà tưới lên từng pho tượng. Chung quanh chùa, giờ đã là cả một rừng hoa hướng dương vàng rực. Người Khedol đổi mới đã lâu rồi, từ lúa chuyển mạnh sang trồng mãng cầu, cao su, mì, mía. Thì cũng mới luôn cả mùa hoa thmay (mới). Mới luôn cả những âm thanh đang sôi lên từng chặp ở góc chùa bên kia. Xin gọi chung đấy là những mùa hoa Thmay.

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục