Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những miền đất được khai sinh năm 1838
Thứ tư: 11:51 ngày 07/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn nhớ hai năm trước, Tây Ninh tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Vài sự kiện vẫn như còn mới mẻ trước mắt người qua. Như cổng chào tỉnh cùng bia kỷ niệm Suối Sâu được khánh thành vào đúng ngày 9.9.2016.

Đình Hiệp Ninh năm 1900.

Ðến nay, cổng chào vẫn giang tay hân hoan đón khách trên lộ trình Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh theo con đường Xuyên Á. Trước ngày đó hơn một tháng là cầu Bến Ðình được đưa vào sử dụng, nối liền quốc lộ 22B từ Cẩm Giang đi qua Bến Ðình Tiên Thuận để ra cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Cây cầu này cùng nối liền hai thôn làng xa xưa là Cẩm Giang và Tiên Thuận.

Cả hai thôn đều đã từng là huyện lỵ Quang Hoá, một trong hai huyện đầu tiên của phủ Tây Ninh có từ năm 1836. Cây cầu hiện đại của 180 năm sau, nối đôi bờ quá khứ hiển hách thời ông cha đi mở cõi quả thật mang nhiều ý nghĩa sâu xa; chưa kể tới giá trị thực tế của tuyến đường nối liền tả, hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông.

Ấy thế mà, tuổi 180 năm của các thôn làng cơ bản nhất làm nên hồn cốt Tây Ninh lại sắp lặng lẽ đi qua. Vậy cũng nên gom nhặt, làm công tác thống kê tập hợp lại cho mọi người cùng nhớ. Lật trang sách của Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia 2008), chúng ta sẽ thấy cùng thiết lập năm 1838 có tới 16 thôn (làng), thuộc về 5 tổng.

Nhiều nhất là các thôn thuộc tổng Hoà Ninh gồm: Hảo Ðước, Hoà Hiệp, Hoà Hội, Thái Bình, Thanh Ðiền, Ninh Thạnh. Tổng Hàm Ninh có các thôn: Hiệp Ninh, An Tịnh, Gia Lộc và Phước Chỉ. Hai thôn thuộc tổng Triêm Hoá là Hiệp Thạnh và Phước Trạch. Tổng Giai Hoá cũng có hai thôn là: Long Thuận và Long Chữ. Sau cùng là hai thôn Thanh Phước, Phước Lưu thuộc tổng Mỹ Ninh.

Cho đến nay, những tên thôn có từ 180 năm trước vẫn được giữ nguyên qua các thời kỳ, nay là tên các xã hoặc phường của tỉnh Tây Ninh.

Một câu hỏi được đặt ra: Rằng tại sao việc lập phủ Tây Ninh đã được tiến hành năm 1836 mà đến 1838 thì các thôn (làng) này mới được thiết lập? Ví dụ thôn Hiệp Ninh, trong sách đã dẫn viết: “thôn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19… Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Ðức đổi thuộc tổng Hàm Ninh Thượng cùng huyện…”.

Có thể lý giải như sau: lập phủ năm 1836, với hai huyện được đặt tên rõ ràng; nhưng thật sự phải sau đó 2 năm thì phủ Tây Ninh mới được xác định ranh giới các tổng, thôn cụ thể. Nói cách khác là, các thôn, làng của phủ Tây Ninh mới chính thức được ghi trong sổ bộ triều đình theo tên của các cấp hành chính mới vừa thiết lập. Nên nhớ thêm là cũng vào năm 1838 thì triều đình mới ban lệnh xây đắp thành phủ Tây Ninh (theo Ðại Nam nhất thống chí), tại vị trí nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Chúng ta cũng đã biết, có nhiều thôn làng Tây Ninh được thiết lập từ rất sớm, như tác giả Nguyễn Ðình Tư đã kể trong bài Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay số 96 năm 2001. Ðấy là ngay từ: “tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779) sau khi đã khôi phục được đất Gia Ðịnh, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng…

Một số thôn cũng được thành lập như: thôn Cẩm Giang Tây, thôn Thạnh Ðức, thôn Thanh Phước, thôn Bình Phú, thôn Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh)… Ðó là tổ chức hành chính đầu tiên được lập tại đây”. Ông không kể tới thôn Cẩm Giang, do thôn này đã được lập làm đạo sở đạo Quang Phong (miền đất cơ bản của tỉnh Tây Ninh sau đó). Ðến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), tại Cẩm Giang đã xây nên bảo Quang Hoá làm đạo sở cho quan, binh đồn trú.

Giở lại sách Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức, ta sẽ thấy rằng các thôn đầu tiên kể trên, như Thạnh Ðức, Thanh Phúc (nay là Thanh Phước), Bình Tịnh (nay là An Tịnh) lúc ban đầu đều thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Xuất hiện cùng thời kỳ trên nữa là thôn Phước Lộc (nay là xã Gia Lộc), nhưng lại thuộc tổng Dương Hoà, huyện Bình Dương cùng phủ Tân Bình (Sđd, trang 872).

Như vậy, sau khi lập phủ Tây Ninh cùng hai huyện mới, phải mất 2 năm cho việc tách, nhập, phân định địa giới hành chính. Một công việc khá phức tạp như vậy, trong thời gian chỉ 2 năm kể cũng không nhiều. Trên thực tế ngay trong năm 1837 (Minh Mạng thứ 18) đã có một số thôn được hoàn thành ghi vào sổ bộ triều đình.

Như các thôn Phước Hiệp (sau nhập vào Gia Bình), thôn Long Phú (sau nhập về Hoà Hội); hoặc thôn Mãnh Hoả (sau nhập vào Hảo Ðước). Những sáp nhập nói trên đều do chính quyền thực dân Pháp thực hiện ngày 6.3.1891. Nếu không, sẽ vẫn còn cái tên Mãnh Hoả gợi lại hình ảnh cuộc chiến đấu lẫy lừng thời “Quan lớn Trà Vong” từ trước đó cả trăm năm.

Dọc chiều dài lịch sử, cũng còn những biến động tên tuổi các thôn làng. Như nhiều làng nhỏ được sáp nhập. Có những thôn xã sinh ra năm 1838 đã bị mất tên. Như Khương Thạnh và Khương Ninh nhập lại thành thôn Ninh Thạnh (1872). Ðến năm 1891 lại nhập thêm thôn Vĩnh Xuân vào Ninh Thạnh. Hay Thanh Ðiền, khi Pháp chiếm thì bị giải thể nhập vào thôn Long Ðiền.

Năm 1891, thôn Long Thành bị giải thể nhập vào Long Ðiền lần nữa, đến năm 1908 mới lại tách ra. Nhưng cũng có thôn như thôn Thái Bình lại rất lớn ngay từ thuở ban đầu thành lập. Theo sách truyền thống xã thì diện tích xã ban đầu có tới 1.500 km2, chiếm hơn 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh Tây Ninh.

Ngày nay, người yêu thích tìm về quá khứ quê hương thật dễ dàng đến các thôn làng xưa thọ 180 năm. Ðường 788 từ ngã ba Vịnh bê tông nhựa láng o đưa ta bon tới các xã Hảo Ðước, Hoà Hội và Hoà Hiệp, nay thuộc huyện Châu Thành và Tân Biên. Từ cuối đường Trưng Nữ Vương, rẽ sang đường 786 là đi dọc xã Thanh Ðiền bát ngát lúa xanh và lập loè sen nở.

Theo quốc lộ 22B từ thành phố Tây Ninh và đường Xuyên Á là tới các thôn xưa thuộc các tổng Triêm Hoá, Hàm Ninh là: Hiệp Thạnh, Phước Trạch rồi An Tịnh và Gia Lộc, nay thuộc các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng. Từ Gò Dầu, theo đường Xuyên Á rẽ trái ở ngã ba An Thạnh là các thôn Phước Lưu và Phước Chỉ. Ði thẳng tới lộ 786 cũng bê tông nhựa là các xã Long Thuận và Long Chữ.

Thanh Phước vẫn còn đây, nhưng một phần đã hoá thân thành thị trấn Gò Dầu. Thái Bình cũng thế và cùng với Hiệp Ninh, Ninh Thạnh đã góp những phần thơm thảo nhất vào thành phố Tây Ninh. Ở đâu cũng phố rộng, nhà cao hoặc phơi phới tươi xanh những lúa, cao su, mì, mía… Ở đâu cũng điện, đường, trường, trạm thoả mãn các nhu cầu cơ bản nhất của con người.

Ðấy là chưa kể tới các ngôi đình, đền, chùa, miếu… đã mọc lại trên các đống tro tàn chiến tranh, hoặc được xây mới to đẹp gấp nhiều lần thuở trước. Và dĩ nhiên, cũng vẫn còn những công trình tín ngưỡng, giữ được gần vẹn nguyên bản gốc ngày xưa. Những miền đất ấy đều được khai sinh năm 1838.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục