Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạp bút
Những mùa đậu…
Thứ hai: 09:07 ngày 26/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà tôi có đám đất thổ (đất xốp, ở vị trí cao, thích hợp cho trồng hoa màu) gần sông. Ðất ấy ba chuyên dành trồng đậu. Ðậu xanh, đậu đen trong ký ức tuổi thơ tôi đều là “đồ cải thiện”, hứa hẹn những món ngon: làm nhân bánh, nấu chè, đồ xôi và vân vân.

Thậm chí mấy mớ đậu lép, lừng mẹ tận dụng đem đập nhỏ ghế cơm theo bữa ăn vẫn thấy ngon. Miếng cơm có đậu ngọt hơn, bùi hơn; lại còn bốc hơi thơm quyến rũ, đánh tan đi cái đơn điệu của khứu giác chỉ toàn nghe mỗi mùi cơm gạo hẩm hằng ngày. Tết nhất giỗ chạp, đậu đen sẽ được mẹ đem làm món xôi chè; đậu xanh thì dùng đồ xôi hay hầm rục quết nhuyễn làm nhân bánh…

Vậy nhưng, “đỉnh” của những món ăn chế biến từ đậu vẫn là… chè: chè đậu đen nước dừa, chè đậu đen pha bột, chè đậu xanh đánh ăn với đá bào… tất thảy đều là những món mê ly với một “con sâu chè” vô cùng hảo ngọt như tôi. Nói lại nói đi, tất tật những ký ức gì liên quan tới món đậu ba trồng đều khiến tôi thấy dễ thương ngoại trừ mỗi chuyện… đi hái đậu.

Ði hái đậu thường được chị Hai chơi chữ, bảo là đi đậu (đội) nắng. Gọi vậy bởi mùa thu hoạch đậu thường rơi vào cữ đầu hè, trời chang chang nắng. Phải vậy thôi; bởi nếu thu hoạch vào những tháng khác trái đậu già, chín không nhanh, còn gặp mưa bất tử làm hạt khô kém phẩm chất do trương nước, mọc mầm. Nguyên vạt đất soi chạy kề bên sông không một bóng cây, nằm phơi trống hoác trống huơ dưới ánh mặt trời đổ lửa.

Ðội nón lá rộng vành thì vẫn còn tấm lưng ướt đầm mồ hôi, phơi ra nóng rẫy. Ðừng mơ chuyện nghỉ bởi có nghỉ thì cũng chẳng biết chạy đâu mà đụt nắng ngoài chuyện đứng giữa trời, sục chân dưới mấy gốc đậu to cho bàn chân khỏi phỏng.

Chị Hai kỹ tính; mỗi lần đi hái đậu là chị “trang bị” từ đầu tới chân kín mít nào khăn che mặt, bao tay, tất chân y hệt… Ninja! Tôi vốn lười; thêm ba thứ đồ kia gây ngộp thở, vướng víu lùng nhùng nên cứ kệ mặt mũi chân tay thi gan cùng… nắng. Hậu quả, xong mùa đậu bao giờ bộ dạng tôi cũng hoá thảm thê: mặt mày sém nắng tía đen tía đỏ; còn chân tay đen như củ súng, bảo đảm rớt bồ than muốn tìm ra phải mất đúng… 7 ngày!

Ấy là nói chuyện “hạ hồi” khi đậu đã vào bao, vào thạp; chứ bây giờ thì vẫn còn nhễ nhại mồ hôi dưới trời nắng chang mà khom lưng ngắt đậu. Mẹ động viên: nhanh tay chút con, có nắng đậu mới chín ngon, ráng làm xong sớm nghỉ sớm. Mẹ không hối thúc chị em tôi cũng thừa biết: đi hái đậu thì đừng có mơ chuyện làm tùng tơn “câu giờ” hay trông tới lúc nghỉ tay giữa buổi. Nghỉ cũng nắng; tùng tơn cũng nắng; vậy nên tốt nhất nghe lời mẹ, ráng làm cho nhanh, xong sớm được bữa nào thoát cảnh đậu (đội) nắng sớm bữa đó; dây dưa chỉ khổ mình…

Ðậu hái về được đem banh phơi thật khô rồi đập cho tách vỏ. Sàng sảy là phần của mẹ với chị Hai. Ðẹp mắt làm sao khi nhìn thành phẩm là những thúng đậu đen, đậu xanh tràn trề, hạt tròn vo, bóng mịn. Ðậu ấy sẽ được mẹ tính toán dành phần đủ cho tết nhất giỗ chạp; còn thì mang ra chợ. Vậy nhưng mãn mùa thu hoạch bao giờ mẹ cũng nhớ “khao quân” một bữa linh đình bằng món chè đậu trộn đá bào. Tha hồ ăn, đến nứt bụng mới thôi…

Ký ức dễ thương nhất của hành trình đi hái đậu có lẽ là ngày “tổng càn quét” cuối cùng trước khi bỏ đám. Ngày ấy, ba cho phép lặt sạch số đậu còn trên cây bất kể già non. Ðậu già giao mẹ đã đành; nhưng mớ “chiến lợi phẩm” đậu non sẽ thuộc phần lũ nhỏ. Ðậu non đem rửa, luộc, bóc vỏ ngồi nhai là món ăn không tệ. Thường yến tiệc… đậu luộc sẽ được chị em tôi bày giữa sân ban đêm; rủ thêm mấy đứa bạn cùng xóm hơi thân xúm lại vừa nhóc nhách lột, nhai vừa tán chuyện tầm phơ. Thêm một mùa đậu nữa đi qua; nhanh ghê. Hình như tôi với mấy nhỏ lại sắp thêm một tuổi nữa rồi…

Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục