Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những mùa mưa dầm
Chủ nhật: 20:10 ngày 20/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vào mùa nước nổi (bà con quê tôi gọi là nước lụt), ngày nào cũng vậy, đi học về, cơm nước xong là anh em tôi đứa xách lưới, đứa quảy lờ, mang đụt, xách dầm, bất chấp mưa gió thẳng tiến xuống bến sông, chèo xuồng qua ruộng giăng lưới, đặt lờ.

Đêm qua mưa to và kéo dài. Sáng ra, bầu trời vẫn đầy mây đen. Chị bán nước mía bên vệ đường thở dài: “Mưa chi, mưa hoài, mưa như thế này bán buôn không được lấy gì nuôi con!”. Không chỉ chị, anh xe ôm, mấy bà buôn gánh bán bưng mấy loại rau cá vườn nhà cũng héo xèo. Mưa dầm ít ai muốn ra khỏi nhà, nếu không có việc gì cần thiết. Nhìn mưa tuôn trắng đồng, tôi chợt nhớ những mùa mưa của thời niên thiếu.

Hồi đó, vào lúc trời mưa dầm, ba tôi lại nói: “Tốt trời cho nhà giàu ngủ ngày, mà xấu trời cho người ở đợ”. Nhà tôi, cũng như nhiều bà con láng giềng ở cái xóm nghèo ven sông rạch này, những ngày mưa dầm chắc chắn là không tốt trời để ngủ ngày rồi. Nhưng mưa dầm, đối với anh em tôi cũng không thể gọi là xấu. Dù nhà rất nghèo nhưng ba tôi nhất quyết không để anh em tôi phải đi ở đợ, hay làm thuê, làm mướn cho ai.

Ngược lại, những tháng mưa nhiều, mưa dầm, anh em tôi càng thích vì được cởi trần tắm mưa dưới máng xối, thích nhìn nước sông rạch, đồng ruộng dâng cao. Nước dâng lên cá nhiều, đánh bắt dễ dàng. Con chuột bị ngập hang ẩn nấp, phải bò lên cây, lên bụi lánh nạn, làm mồi cho anh em tôi săn bắt. Có khi đánh bắt được nhiều cá, nhà ăn không hết, chị tôi đem bán bớt để lấy tiền mua dầu hôi, nước mắm, xà bông... 

Theo quy luật tự nhiên, hằng năm cứ vào nửa cuối tháng tám đến hết tháng chín âm lịch là đỉnh điểm của mùa mưa. Mưa nhiều, nước sông rạch dâng cao, nước theo lỗ trổ tràn vào ruộng. Cá đồng từ sông rạch theo nước lên ruộng sinh sống. Anh tôi thì khoái giăng lưới. Năm nào cũng vậy, cứ đợi mưa nhiều, nước dâng cao là anh tôi năn nỉ ba đi mua một trăm thước lưới bén.

Ba mua lưới về, để dễ giăng theo lỗ trổ, anh tôi cắt ra thành từng đoạn. Mỗi đoạn dài chừng vài thước. Còn tôi thích đặt lờ, năn nỉ ba đi mua trúc về đan một chục cái lờ “bánh ú” đặt cá sặc (anh em tôi phải năn nỉ, ba mới mua lưới, đan lờ, vì ba sợ anh em tôi dầm mưa, long bưng, lội ruộng cực khổ). Gọi là lờ “bánh ú” vì chiếc lờ có một góc nhô lên cao như góc chiếc bánh ú.

Góc này có lỗ trống, khi đặt xuống nước, phải để cái góc nhô lên khỏi mặt nước và lấy cỏ hoặc lá lúa, hay dây bòng bong cuộn lại làm cái nút đậy. Đây là chỗ cho cá nhô lên lấy không khí khi vô lờ. Khi muốn đổ cá từ trong lờ ra thì rút cái nút này ra và dốc ngược cái lờ lại. Loại lờ này chủ yếu là đặt cá sặc (cũng có các loại cá khác nhưng ít hơn), nên còn gọi lờ cá sặc.

Vào mùa nước nổi (bà con quê tôi gọi là nước lụt), ngày nào cũng vậy, đi học về, cơm nước xong là anh em tôi đứa xách lưới, đứa quảy lờ, mang đụt, xách dầm, bất chấp mưa gió thẳng tiến xuống bến sông, chèo xuồng qua ruộng giăng lưới, đặt lờ.

Vừa chèo xuồng anh em tôi vừa nghêu ngao hát: “Trời mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ- Tôi thương một người mất mẹ còn cha (do anh em tôi mồ côi mẹ, nên hát như thế, còn trong bài hát của người khác là “Em thương người không mẹ không cha”)- Khi thương chẳng kể gần xa- Khi thương chẳng phải ruột rà cũng thương”. Xong mấy câu đó lại chuyển qua “Trời mưa lâm râm cây trâm có trái- Con gái có chồng- Đàn ông có vợ- Đàn bà có con...”. Cứ như vậy, mà quên đi mưa gió.

 Đến ruộng, anh tôi mang lưới tìm lỗ trổ, hoặc những cái bờ thấp, ngập nước mà giăng lưới đón cá lên ruộng. Còn tôi quảy lờ tìm chỗ “phải thế” (chỗ có nhiều cá sặc trú ngụ) đặt lờ. Giăng lưới, đặt lờ xong, anh em tôi ra xuồng chèo đi tìm chỗ có bụi cây rậm, ngồi đội nón lá, che tăng, núp mưa gió, chờ cá dính lưới vô lờ. Núp mưa chờ thăm lưới, đổ lờ, gặp lúc mưa to, gió mạnh, anh em lại ngẫu hứng song ca to hơn “Trời mưa trời gió đùng đùng- Cha con ông Hùng đi gánh cứt (phân) trâu- Gánh về không biết đổ đâu- Đổ trong đám bí, đám bầu có trái ăn chơi...”.

Nhìn mưa rơi trên mặt nước trắng xoá, anh em lại hát “Trời mưa bong bóng phập phồng- Mẹ chết rồi, con ở với ba (của người ta là “Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”). Núp mưa hồi lâu, độ chừng cá dính lưới, vô lờ, anh em tôi chia nhau đứa đi gỡ cá dính lưới, đứa đi đổ lờ. Đi một vòng, xong công việc của mình, anh em quay về chỗ chiếc xuồng, trên vai đứa nào cũng nằng nặng với cái đụt đựng cá.

Cá trong đụt của anh tôi hầu hết là cá rô đồng, một số cá sặc bự, một ít rô biển và vài con trê vàng... Còn trong đụt của tôi hầu hết là cá sặc, một ít rô đồng, rô biển nhỏ và vài con tràu cửng (cá tràu nhỏ chừng bằng ngón tay cái)... Ngồi xuồng nghỉ chân, anh em tôi chờ mặt trời sắp lặn đi thăm lưới đổ lờ lần thứ hai, cũng là lần cuối trong ngày. Lần này thì tôi cuốn lờ về luôn.

Còn anh tôi thì để lưới qua đêm, đến sáng hôm sau đi cuốn thật sớm cho kịp giờ đi học. Lưới giăng qua đêm dính nhiều cá hơn ban ngày. Ngoài cá rô đồng ra, còn có cá trê, cá tràu, rắn nước cũng dính lưới... Nhưng do để suốt đêm, hầu hết cá dính lưới đều chết ngộp trong nước. Cá sống thì chị tôi lựa cá ngon bưng đi bán, cá chết để nhà ăn.

Ngoài giăng lưới, đặt lờ ra, tháng mưa nhiều, nước lụt, có những buổi chiều không mưa, ăn cá hoài cũng ngán, anh em tôi đi săn chuột đồng để đổi món ăn. Do nước nhiều, hang ổ trong bờ bị ngập, chuột đồng ra các hàng cây, bụi cỏ rậm rạp ven sông rạch trú ngụ. Khi chó vừa vào bụi là lũ chuột run rẩy trườn lên cây cao tránh chó. Chờ chuột nằm yên trên cành cây là anh em tôi chĩa liền. Con nào leo cao quá tầm chĩa, anh tôi bắn giàn thun. Đi vài tiếng đồng hồ cũng kiếm được cả chục con chuột đồng. Bữa cơm đổi món bằng thịt chuột chấy với sả ớt, thơm phức, anh chị em tôi ăn ngon lành...

Cứ thế, những tháng mưa nhiều năm này nối tiếp năm kia đi qua. Nhờ có hạt gạo, tấm áo từ đôi tay chai sạn làm mướn nuôi con của người cha goá bụa, cùng với sự góp phần của con cá, lá rau, con chuột đồng... dưới dòng sông và trên cánh đồng quê nhà, anh chị em tôi khôn lớn nên người. Đã lâu lắm rồi, tôi không còn phải dầm mưa, lặn lội dưới sông, trên đồng để giăng lưới, đặt lờ, săn chuột nữa. Dẫu vậy, mỗi năm đến mùa nước lụt, tôi lại nhớ như in thời niên thiếu của mình, nhiều gian nan vất vả, nhưng cũng không ít niềm vui trên vùng sông nước, đồng ruộng quê nghèo.

T.L

Tin cùng chuyên mục