Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Văn phòng Trung ương Cục miền Nam:
Những năm tháng không quên
Thứ hai: 06:16 ngày 07/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Có lần, anh em đưa đồng chí Võ Văn Kiệt đi công tác ở miền Tây, bất ngờ bị địch phục kích. Ðồng chí Huỳnh Minh Mương giao anh em đưa thủ trưởng đi hướng khác, một mình ở lại đánh địch. Ðoàn đi an toàn, nhưng Mương dũng cảm hy sinh”- ông Tô Bửu Giám, nguyên Phó Thường trực Văn phòng Trung ương Cục miền Nam bồi hồi nhớ lại.

Quang cảnh buổi họp mặt truyền thống ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 2018.

Một thời hào hùng

Nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2018) vừa qua, Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến khối Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tổ chức họp mặt truyền thống ở Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục. Về dự buổi họp mặt có 270 cán bộ, chiến sĩ từng phục vụ, công tác tại đây thời kháng chiến chống Mỹ.

Trở lại chiến khu xưa, các cựu cán bộ, chiến sĩ không khỏi xúc động: cảnh vật còn đó, người xưa - kẻ bạc trắng mái đầu, người về “cõi nhớ”. Trong buổi họp mặt, ông Tô Bửu Giám- Chủ nhiệm Ban Liên lạc nhớ lại:

“Hơn 50 năm trước, lúc đó chúng tôi tham gia hoạt động cách mạng ở căn cứ này với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hằng ngày ăn uống không đủ no. Thường xuyên ăn củ mài, củ chụp, ăn cháo lưng bát với muối hột đâm, với rau rừng hoang dã. Bệnh sốt rét và các loại bệnh khác hoành hành.

Mặc dù vậy, anh chị em luôn lạc quan, yêu đời và tự hào rằng: “đầu chống B52, chân đạp rắn chàm oạp, trân mình với ve mò, rắn rít”. Ai cũng vui vẻ đào hầm bí mật chống đạn pháo, đào giao thông hào, địa đạo. Ai cũng tự hào vì mình là chiến sĩ của R, lính của Văn phòng Trung ương Cục, của lãnh đạo Trung ương.

Chúng tôi cũng có nhiều niềm vui, nhất là khi hay tin chiến thắng nở rộ như hoa trên các chiến trường chống Mỹ cũng như nghe các thành tích trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Một niềm vui khó quên nhất và là niềm phấn khởi đặc biệt của Văn phòng Trung ương Cục đó là được đón nhận món quà vô giá của Bác Hồ gửi vào.

Một lần trở về từ miền Bắc, các đồng chí lãnh đạo mang vào đây ba trái bưởi của Bác gửi tặng cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Số bưởi này do Bác Hồ tự tay tuyển chọn, hái từ vườn nhà của Người.

Thường trực Trung ương Cục chọn một trái để lại cho Văn phòng và các ban; một trái gửi cho Mặt trận và các Ban, đoàn thể, Dân vận; trái còn lại gửi cho Quân uỷ Miền và các cơ quan quân sự. Sau khi nhận được quả bưởi, anh chị em Văn phòng đều hớn hở, trao tay nhau ôm lấy, nâng niu, có người hôn lên quả bưởi như hôn lên bàn tay nồng ấm của Bác và hứa sẽ lấy hạt của quả bưởi này ươm giống để giữ mãi kỷ niệm về tấm lòng của Bác.

Bên cạnh đó còn có những niềm vui trong lao động sản xuất, niềm vui từ những đêm biểu diễn văn nghệ của các đoàn văn công giải phóng và của quân đội; từ hoạt động sáng tác thơ, viết báo tường, những ca khúc tự biên, tự diễn… Tất cả những hoạt động đó như thổi lên làn gió mát, làm tăng thêm sức sống cho cơ quan, đơn vị.

Nhắc đến Văn phòng Trung ương Cục, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tình thương yêu ruột thịt của những anh chị em với nhau và với các vị lãnh đạo. Những lúc ốm đau, đồng đội lo cho nhau cũng như lo cho các vị lãnh đạo từ nồi xông hơi, chén cháo nóng, chén thuốc đắng nấu từ cây rừng và những đồng xu cạo gió mòn lẳn.

Anh chị em phục vụ cho các lãnh đạo từng bữa cơm trắng không trộn khoai sắn. Chỉ có thỉnh thoảng bồi dưỡng cho lãnh đạo bằng vài miếng thịt rừng mà các chiến sĩ vừa săn bắt được.

Anh chị em đối với lãnh đạo bằng tình cảm thân thương, kính trọng không khác gì tình cảm với cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Có nhiều tình huống cảm động đến bây giờ vẫn chưa phai. Một lần máy bay địch ném bom B52 trúng ngay Căn cứ Trung ương Cục.

Lúc đó, đồng chí Phan Văn Ðáng (Hai Văn), bị bệnh sốt nặng, không xuống hầm trú ẩn được. Chiến sĩ bảo vệ Trung Ngàn không nghĩ tới tính mạng mình xông ra cõng đồng chí Hai Văn chạy giữa trận bom, giữa cây rừng bị bom đạn phạt đứt nằm ngổn ngang, đưa đồng chí đến hầm trú ẩn an toàn.

Một trường hợp khác, trên đường đi họp với Quân uỷ Miền về, đồng chí Phạm Hùng bị máy bay “đầm già” của địch phát hiện, bắn pháo báo hiệu. Ngay sau đó, ba chiếc trực thăng khác lao đến liên tục bắn vào khu vực ven sông và trên sông nơi đồng chí Phạm Hùng đi qua. Ðể bảo vệ lãnh đạo, các đồng chí Ngọc Minh, Tám Be, xốc nách thủ trưởng, dìu qua bãi cát, chạy vào bờ trú ẩn an toàn.

Lần khác, trên đường đi công tác về, đồng chí Nguyễn Văn Linh bị máy bay địch phát hiện và nã đạn như mưa. Các cận vệ cùng đi lúc bấy giờ là Sáu Quang, Tư Nam, Ba Bê liền đưa thủ trưởng núp vào một gốc cây to và ôm xung quanh, làm thành bức tường thịt để che chắn cho thủ trưởng.

Nhờ vậy, đồng chí Nguyễn Văn Linh an toàn trở về. Tương tự như thế, có lần một số anh em, thực hiện nhiệm vụ đưa đồng chí Võ Văn Kiệt đi công tác ở miền Tây. Trên đường đi, bất ngờ bị địch phục kích. Ðồng chí Huỳnh Minh Mương liền giao nhiệm vụ cho đồng đội, đưa thủ trưởng đi hướng khác. Một mình Mương ở lại ôm súng chống trả với quân địch. Ðoàn đi an toàn, nhưng đồng chí Mương đã dũng cảm hy sinh.

Tình nghĩa của các vị lãnh đạo đối với anh em chiến sĩ cũng thắm thiết không kém. Mỗi lần nhận được củ nhân sâm, hoặc thuốc quý của Trung ương gửi vào, Thường trực thường phân cho các đồng chí già yếu hay đang đau ốm. Mỗi lần anh chị em bị đau ốm, hay bị rắn cắn, tai nạn, đều được các lãnh đạo Trung ương Cục đến thăm hỏi, chăm sóc và chia sẻ từng viên thuốc. Các lãnh đạo cũng thường xuyên dạy dỗ anh chị em. Trong những chuyến đi công tác, các lãnh đạo cùng ăn, cùng ở, chia sẻ khó khăn bên nhau, tâm sự, trao đổi với nhau về những công việc. Những tình cảm đó, làm ấm lòng tất cả mọi người giữa núi rừng thâm sâu”.

Tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng

Sau ngày miền Nam giải phóng, Trung ương Ðảng thành lập Ban đại diện Trung ương Cục, gồm các ông Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Phan Văn Ðáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Phạm Thái Bường, Võ Văn Kiệt và 5 Uỷ viên Bộ Chính trị ở miền Bắc gồm Lê Ðức Thọ, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân (Bí thư Trung ương Ðảng), Phan Trọng Tuệ (Phó Thủ tướng Chính phủ).

Do đó, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam hình thành hai văn phòng: Văn phòng đại diện Ðảng và Văn phòng đại diện Chính phủ. Một số cán bộ, nhân viên Văn phòng Trung ương Cục trước đây, được biên chế vào Văn phòng Trung ương Ðảng, vào Vụ Nghiên cứu II và Cục Quản trị Trung ương II (gọi tắt là T78).

Theo sự phân công của Văn phòng Trung ương, những anh chị em này có nhiệm vụ theo dõi tình hình các tỉnh phía Nam, góp phần với cấp uỷ địa phương chỉ đạo các chiến dịch đổi tiền, xây dựng vùng kinh tế mới, đề xuất những ý kiến giúp Trung ương chỉ đạo phong trào v.v…

Một số cán bộ khác được giao trọng trách, như Trần Thị Trung Chiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế; Vũ Ðức làm Phó tổng Thanh tra Chính Phủ; Nguyễn Hữu Tân làm Phó trưởng Ban Tài chính quản trị Trung ương; Dương Ðức Trí làm Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Số còn lại được đi học để nâng cao trình độ, nghiệp vụ.

Ban đại diện Trung ương Cục thành lập Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến khối Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Một trong những nhiệm vụ của Ban Liên lạc là tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt các cán bộ - chiến sĩ đã hy sinh, còn nằm lại ở căn cứ, những nơi đóng quân và trên chiến trường Campuchia.

Việc đi tìm hài cốt liệt sĩ tưởng chừng như rất thuận lợi, nhưng trên thực tế, gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù trong đoàn đi tìm kiếm hài cốt có nhiều người từng công tác, chiến đấu ở căn cứ, quen thuộc từng lùm cây, gò mối, tự tay chôn cất đồng đội và đánh dấu địa điểm chôn cất cẩn thận, nhưng sau hàng chục năm, rừng xưa đã thay đổi diện mạo rất nhiều, nên khó tìm đúng nơi liệt sĩ yên nghỉ.

“Anh em đã đào tới đào lui, đào sâu 3-4m ở nhiều vùng đất nhưng kết quả chỉ tìm được một số hài cốt, mà chỉ còn là những mảnh xương vụn trộn với đất rừng, kèm với những di vật như bi-đông, ca inox, khoen dây nịt đã gỉ sét”- ông Giám nói.

Trong các việc làm của Ban Liên lạc, đáng nhớ nhất là việc một số cán bộ Văn phòng Trung ương Cục đã góp sức với Tỉnh uỷ Ðồng Nai khôi phục và xây dựng lại khu tưởng niệm ở Khu căn cứ Mã Ðà- nơi thành lập Trung ương Cục miền Nam đầu tiên, đồng thời viết và xuất bản cuốn sách Trung ương Cục miền Nam. Trong đó, có nhiều bài viết giá trị của các vị lãnh đạo, cùng cán bộ kỳ cựu của Trung ương Cục miền Nam thời kỳ mới thành lập.

Ở Tây Ninh, cùng với việc tái lập Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ năm 1962-1975, bia kỷ niệm Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã được xây dựng. Một việc đáng ghi nhớ khác là Ban Liên lạc đã làm được cuốn kỷ yếu ghi lại hình ảnh các anh chị em Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.

Sách dày 580 trang, có ảnh các vị lãnh đạo và một số hình ảnh ghi lại hoạt động của các anh chị em trên đường đi công tác. Song song đó, Ban Liên lạc đã kêu gọi anh chị em viết hồi ức cá nhân và đơn vị mình để in thành sách. Kết quả, nhiều hồi ức được viết lại một cách mộc mạc, chân thành được in trong tập sách với nhan đề “Văn phòng Trung ương Cục miền Nam: Những năm tháng không quên”.

Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Cục T78, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng công trình Nhà lưu niệm Văn phòng Trung ương Cục miền Nam ở Khu căn cứ Chàng Riệc (huyện Tân Biên). Trong đó có nhà trưng bày nhiều hình ảnh, vật dụng thời chiến tranh, bia đá khắc văn bia ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của tập thể anh chị em Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.

Ban Liên lạc còn vận động các địa phương xây dựng được 15 nhà tình nghĩa cho cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Với nhiều chiến công thầm lặng, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Huỳnh Thanh Xuân, nguyên cán bộ Thống kê, tổng hợp của Ban Nghiên cứu Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, hiện là Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ kháng chiến khối Văn phòng Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ chia sẻ, đến nay đã có 8/9 người, nguyên là lãnh đạo Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã qua đời, duy nhất chỉ còn lại ông Tô Bửu Giám còn sống. Giờ ông vào tuổi 93, sức ông đã yếu, đi lại khó khăn.

Những cán bộ chủ chốt, lãnh đạo các phòng, ban, cán bộ làm công tác nghiên cứu còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Phan Phát Phước (Tám Ðen), Trần Hoành (Năm Hoành), Trần Văn Khá (Sáu Việt), Nguyễn Thanh Hiếu (Tư Hiếu), Dương Văn Chiến (Chín Chiến). Hầu hết đều tuổi cao, sức khoẻ cạn dần. Một số cán bộ, chiến sĩ khác về quê sinh sống, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tất cả đều có chung nguyện vọng tha thiết là tiếp tục đóng góp những ngày còn lại của đời mình cho sự nghiệp cách mạng.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục