Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những ngôi miếu của người Hoa
Thứ tư: 09:44 ngày 12/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những ngôi đền miếu người Hoa luôn được du khách quan tâm. Ở thành phố Tây Ninh, các ngôi miếu người Hoa đều tập trung trên đường Trần Hưng Ðạo- một quãng đường phố ngắn thuộc phường 2, dài không quá 500 mét.

Thiên Hậu miếu.

Sách Ðịa chí Tây Ninh (UBND tỉnh xuất bản năm 2006) có chép lại một câu nói của dân gian khá là hình tượng: “Nơi nào có khói thì nơi đó có người Hoa” (trang 102). Lật giở thêm vài trang khảo cứu thì: “Người Hoa đã có mặt ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng khá lâu đời… Các dòng di dân “phản Thanh, phục Minh” được chúa Nguyễn cho phép đến định cư lập nghiệp tại vùng đất này và họ đã nhanh chóng lập nên các phố chợ sầm uất ở Cù Lao Phố của sông Ðồng Nai, Bến Nghé của sông Sài Gòn vào nửa thế kỷ thứ XVII… Họ đã cùng người Việt và các tộc người khác tại địa phương mở mang đất đai, tạo dựng cuộc sống, lập nên các khu phố chợ khá đông đúc trên vùng đất dọc theo sông Vàm Cỏ Ðông…”.

Vâng! Những vùng đô thị nổi bật ở Tây Ninh đến nay vẫn còn các cộng đồng người Hoa sinh sống. Như ở Trảng Bàng, Gò Dầu, Long Hoa, thành phố Tây Ninh. Dấu vết của họ còn để lại trên một số tên đất, tên làng. Những ngôi đền miếu người Hoa luôn được du khách quan tâm. Ở thành phố Tây Ninh, các ngôi miếu người Hoa đều tập trung trên đường Trần Hưng Ðạo- một quãng đường phố ngắn thuộc phường 2, dài không quá 500 mét.

Từ cầu Quan đi lại, cũng không đến nửa cây số ta sẽ gặp ngôi đầu tiên, ghi biển đề tên là Thiên Hậu miếu. Nổi bật bên hè đường là bốn trụ cổng, hàng rào rừng rực màu đỏ tươi và chữ màu vàng, phụ hoạ thêm là sắc hồng của những chùm bông giấy. Mái ngói cũng đỏ tươi do được quét sơn vào mỗi dịp tết đến. Ðây cũng là loại ngói ống đặc trưng của các đền miếu người Hoa, nhìn cứ ngỡ những ống tre dài đặt kề nhau sấp, ngửa. Trên nóc mái là các biểu tượng rồng chầu, cá hoá long và các nàng tiên phẩy quạt. Sau cái mái nhà đầu tiên ấy là ngôi chính điện vô cùng lộng lẫy ở bên trong.

Kiến trúc miếu của người Hoa khá giống nhau. Ðó là đều xây thành hình chữ nhật, bốn bên quây lấy một sân trời gọi là sân thiên tĩnh. Hai bên là hành lang nối tiền đình và chính điện. Bên trong mới là kiến trúc chính, với không gian to rộng và cao nhất. Cột tròn to bóng lưỡng nổi vân gỗ, mặt trước là những cặp liễn đối cũng màu tươi đỏ, chữ vàng hán tự. Cái ngai thờ được chạm khắc tinh vi cùng những rèm treo, lọng rủ.

Tượng Bà ở sâu trong ngai, giữa long lanh đèn nến và mờ mịt khói nhang. Vào ngày lễ chính tới đây (23.3 âl), ta sẽ còn thấy những vòng nhang lớn treo chung chiêng đầy dưới mái nhà. Ngôi này có thể được xây từ năm 1887 (Quang Tự thứ XIII). Ấy là nhờ vào một lư hương đá được người dâng cúng vào năm ấy. Miếu không rộng lắm, chỉ hơn 500m2, với mặt tiền khoảng 10m bề ngang. Do đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, nên cột kèo cơ bản đã được thay bằng bê tông cốt thép. Cột gỗ từ xưa chỉ còn đúng một đôi, là đôi ở phần tiền đình, nơi có treo một tấm điêu khắc ghi lại các tầng bậc trong xã hội theo Nho giáo. Miếu do người Hoa ở các bang: Triều Châu, Quảng Ðông, Hải Nam và Hẹ lập nên. Ngôi Thiên Hậu miếu đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Cùng phía mặt đường với Thiên Hậu miếu, đi thêm chừng 300 mét nữa là ta sẽ tới miếu Ngũ Thánh, nơi thờ 5 vị, ngoài 3 vị: Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi từng kết nghĩa vườn Ðào trong sách Tam Quốc chí còn thêm hai người thân tín của Quan Thánh nữa là Châu Sương và Quan Bình Miếu do những người Hoa gốc Triều Châu tạo dựng từ khoảng thập niên đầu của thế kỷ XX. Về quy mô diện tích, ngôi này nhỏ hơn Thiên Hậu miếu, chỉ khoảng 200m2.

Dấu xưa tích cũ hầu như không còn, do nhiều lần miếu bị hư hại nặng và được tu bổ. Vật duy nhất xưa còn giữ được chỉ có bức tượng Quan Thánh Ðế Quân bằng gỗ. Những ngày vía các vị, như Quan Thánh (13.1 âl) hay Quan Bình (15.5 âl) miếu lại mở cửa và nghi ngút nhang thơm, phẩm vật cúng của người dân trong, ngoài phố đổ về.

Ngôi thứ ba, cũng là ngôi đáng chú ý nhất chính là miếu Quan Thánh Ðế Quân, nằm gần cuối đường. Tường rào cổng ngõ khang trang lừng lững một bên đường. Sân rộng thênh thang, lấp lánh những đoá hoa trà trắng muốt, mặc cho nắng tháng ba gay gắt. Mái nhà ở đây mới cầu kỳ và phóng khoáng làm sao. Cũng là ngói ống diềm ngói lá đề men xanh nhưng phần ngói đã sạm màu rêu mốc. Có thêm những đầu đao cong vắt, trang trí cầu kỳ với tượng bát tiên, tượng cá hoá long và cặp rồng chầu trông rất dữ gần như cá sấu.

Miếu Quan Thánh là ngôi lớn nhất và tiêu biểu nhất của kiến trúc đền miếu Hoa truyền thống. Trên khu đất rộng tới 3.500m2, ngôi miếu chiếm mặt bằng ngang 9m, dài 19m. Toàn bộ chia làm 3 gian và 3 lớp nhà. Tiền đình rộng rãi, sân thiên tĩnh cây cỏ tốt tươi đón nắng gió trời cho. Tất cả các cột đều vuông, kích cỡ lớn và đã được thay bằng bê tông giả gỗ. Kết cấu mái khác đình miếu Việt không có cây kèo chạy theo chiều dốc mái. Cây chống đứng trực tiếp đỡ đòn tay. Duy nhất vẫn còn một kết cấu gỗ xưa, chính là bộ cửa chính trước mặt tiền với những bức phù điêu tinh xảo. Tượng Ông cùng hai vị thân tín cũng đẹp đến bất ngờ. Ngay các chi tiết ngai thờ cũng là tác phẩm điêu khắc tuyệt vời.

Nói gọn lại là ngôi thờ tự này có thể không thua kém bất cứ một ngôi thờ tự nào của người Hoa trong cả nước. Miếu do người Hoa Phúc Kiến lập nên, chưa rõ năm nào. Sách di tích có viết là trên 150 năm, nhưng ở đoạn khác lại ghi là giữa thế kỷ XVIII (tức là đã trên 250 năm có lẻ). Suy ra, ít nhất miếu này có tuổi ngang ngửa với Thiên Hậu miếu, tức là 130 tuổi. Miếu Quan Thánh cũng đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá. Ngày 13.1 âl hằng năm là ngày lễ chính, đây mới thật là nơi cho cả người Hoa lẫn người Việt tụ về nô nức đông vui.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục