Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những ngôi sala ở quê tôi
Thứ sáu: 23:37 ngày 15/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sala trong tiếng Khmer có nghĩa là trường học, giảng đường, chòi ở bên đường để khách nghỉ chân. Tuỳ theo mục đích và vị trí xây dựng mà người Khmer làm những loại sala khác nhau. Thông thường trong các phum sóc, bà con thường làm nhà theo các trục lộ chính.

Sala chùa Chung-Rút.

Tây Ninh là một tỉnh của miền Đông Nam bộ có khá nhiều bà con dân tộc Khmer sinh sống. Trong thời kỳ Pháp thuộc, giai đoạn năm 1939, Tây Ninh đã có 4 tổng, 26 làng, khoảng 12.000 người Khmer định cư sinh sống được phân bố đều từ phía Bắc tới phía Nam của tỉnh.

Về sau do chiến tranh tàn phá, với việc khai khẩn đất đai trồng trọt chăn nuôi nên có nhiều làng phải sáp nhập lại và giãn dần ra các xã huyện biên giới. Hiện tại, bà con Khmer chủ yếu tập trung đông ở một số xã của các huyện như Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, thành phố Tây Ninh; một ít ở thị xã Hoà Thành. Nhưng dù sinh sống ở địa phương nào, người Khmer đều rất ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá đặc thù của mình. Một trong những điểm nổi bật chính là ngôi sala.

Sala trong tiếng Khmer có nghĩa là trường học, giảng đường, chòi ở bên đường để khách nghỉ chân. Tuỳ theo mục đích và vị trí xây dựng mà người Khmer làm những loại sala khác nhau. Thông thường trong các phum sóc, bà con thường làm nhà theo các trục lộ chính.

Nhà thường làm thụt vô trong chứ không sát lề đường, xung quanh nhà bà con thường trồng nhiều cây lấy bóng mát và ăn quả, rất hiếm nhà ai làm hàng rào kiên cố, nếu có chỉ là rào tạm bợ bằng tre trúc. Nhưng hầu hết mọi nhà đều làm thêm một cái sala phía trước để nghỉ trưa, lột đậu hay làm bánh.

Những ngôi sala trước nhà thường làm bằng gỗ, lót sàn, trên lợp lá, nếu nhà nào khá giả thì xây gạch cho bền vững, trang trí hoa văn cho thêm đẹp. Đi vào bất cứ làng Khmer nào trong tỉnh chúng ta đều thấy loại sala này.

Ngoài sala làm trước nhà, bà con Khmer còn làm các sala ven các khu ruộng rẫy. Loại sala này làm chủ yếu là bằng tre nứa, nói chung là loại vật liệu chịu nắng chịu mưa tốt. Nếu như người Việt thường làm chòi để canh rẫy và ở lại đó như một ngôi nhà, thì bà con Khmer chỉ lấy sala làm chỗ nghỉ trưa, cúng Ông Tà trước khi xuống giống hay sau mỗi vụ thu hoạch nông sản.

Dịp cúng Ông Tà ngoài ruộng rẫy rất vui. Bà con không cúng riêng theo từng nhà, mà gom chung lễ vật lại rồi cúng chung cho cả xóm. Thông thường mỗi nhà làm dĩa xôi đậu, luộc con gà và trứng, rồi đem cúng chung với rượu trắng.

Đầu tiên là vị achar chủ lễ đại diện báo cáo tình hình mùa vụ năm qua cho Ông Tà biết, sau đó là cầu thần Tà phù hộ cho vụ mới được trúng mùa. Xong thì tất cả mọi người cùng nhau đọc kinh.

Sau nghi thức tống quái thả bè chuối trôi theo dòng nước, mọi người cùng nhau ăn uống, ca múa. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt và giải khuây sau một năm làm lụng vất vả.

Ngoài hai loại sala trên thì ngôi sala quan trọng nhất của mỗi phum sóc là loại sala dùng để giảng kinh, thực hiện nghi lễ Phật giáo, loại sala này thường gắn với các ngôi chùa. Một điều cần lưu ý là có nhiều khu dân cư trước đây chưa có chùa nhưng đã có sala trước.

Vấn đề này xuất phát từ thực tế đời sống của bà con. Xây một ngôi chánh điện không phải dễ dàng, tốn kém tiền của rất nhiều, trong khi điều kiện kinh tế trước đây rất khó khăn. Nhưng vì nhu cầu thực hiện nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo của bà con là điều không thể thiếu.

Chính vì vậy, các ngôi sala được xây dựng trước, sau này có tiền mới tiếp tục xây chánh điện. Cũng có trường hợp ngôi sala và chánh điện cách xa nhau. Đó là vì sau khi làm sala, bà con lại chọn mua được khu đất khác cao ráo và thuận lợi hơn để cất chùa, mà không cất gần sala cũ là vậy.

Hiện tại, Tây Ninh có 6 khu dân cư có chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Những ngôi chùa này đều có các kiểu dáng sala khác nhau. Nếu như chùa Kà Ốt có ngôi sala theo kiểu nhà sàn gỗ truyền thống, thì các chùa như Khedol, Svay, Phụm Ma, Phước Quang xây sala theo dạng nhà bán kiên cố. Và ngôi sala đẹp, hoành tráng nhất không đâu khác chính là ngôi sala của chùa Chung Rút ở Hoà Hiệp - Tân Biên.

Để có chùa Chung Rút hôm nay, công đầu phải kể đến việc hiến 1,5 ha đất của ông Riết, một phật tử giàu lòng từ thiện ở ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp. Năm 1990, chùa Chung Rút chính thức được xây dựng bằng gỗ, đến năm 2000 thì mới làm lễ kiết giới Sây - ma cho ngôi chánh điện.

Trong những năm qua, chùa luôn được trùng tu, nâng cấp cho khang trang hơn. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của phật tử đến chùa ngày một đông, năm 2014, sư Nguyễn Văn Chạy- trụ trì đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân và phật tử gần xa đóng góp ủng hộ chi phí xây dựng ngôi sala mới với quy mô một trệt, một lầu, tổng diện tích 525m­2, chi phí dự tính khoảng 14 tỷ đồng. Hiện nay, các hạng mục cơ bản của ngôi sala này coi như đã hoàn thành, nhưng phải cần thêm một thời gian nữa thì mới hoàn thành tất cả.

Ngôi sala của chùa Chung Rút rất đẹp, chứa đựng bề dày văn hoá truyền thống làng Khmer cổ xưa. Bên trong sala được bài trí khá nhiều pho tượng Thích Ca với nhiều tư thế khác nhau, đặc biệt có nhiều tượng đá rất xưa mang đậm phong cách nghệ thuật Khmer.

Và mới đây nhà chùa cho đúc thêm pho tượng Phật ngồi bằng đồng nguyên khối nặng 1,1 tấn, có giá trị hơn hai tỷ đồng. Trên các bức tường là sự kết hợp hài hoà của nhiều bức bích hoạ rất giàu chất mỹ thuật kể về cuộc đời Đức Phật từ khi xuất gia cho tới khi thành đạo.

Bên trên gần phần mái có bức phù điêu Rehu rất lớn đang ngậm mặt trăng, tượng trưng cho nguồn nước. Các cây cột và tường vách bên ngoài đều trang trí các hoạ tiết hoa sen, hoa ưu đàm vô cùng tinh xảo.

Trên các đầu cột chống mái là những tượng chim thần Garuđa trông rất dũng mãnh, tượng trưng cho sự chế ngự cái xấu ác. Đan xen giữa các chim thần là tượng tiên nữ Keynor rất xinh đẹp, trên môi nở một nụ cười từ bi hàm tiếu.

Sala kiểu nhà sàn truyền thống.

Có thể khẳng định một điều, hễ nói đến văn hoá Khmer thì không thể bỏ qua kiến trúc Khmer. Vì đa phần bề dày văn hoá đều thể hiện trên kiến trúc. Một xóm làng tuy còn nghèo, nhiều ngôi nhà tuy còn tạm bợ, nhưng ngôi chùa của làng phải thật đẹp.

Đó là niềm hãnh diện chung của mọi người. Trong quần thể kiến trúc chùa trung tâm bao giờ cũng là ngôi chánh điện, xung quanh phía sau chánh điện là các tháp cốt, tăng xá và sala. Sala là ngôi nhà xây đầu tiên khi dựng chùa, cũng là giảng đường của những sư sãi, và là nơi tiếp khách trong những ngày đại lễ Phật giáo. Trong sala, phần trung tâm vẫn có bàn thờ Phật nhưng đơn giản hơn bàn thờ chánh điện.

Những sala có mặt ở những ngôi chùa Khmer Tây Ninh hiện nay đều đã và đang xây dựng theo quy cách hiện đại, gồm phòng chính để cử hành lễ dâng cơm, nơi tổ chức sinh hoạt, phòng tiếp khách, nơi tổ chức phòng nhạc ngũ âm tế lễ. Đó là thế giới của sự linh thiêng và trang nghiêm của người Khmer.

Đào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục