Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những ngôi thành bảo ở miền Quang Hoá
Thứ tư: 14:48 ngày 22/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chúng tôi đã có bài về thành bảo Quang Hoá ở thôn Cẩm Giang. Nhưng miền đất từng là đạo sở, sau trở thành một huyện của phủ Tây Ninh này vẫn còn những ngôi thành khác.

Di tích bờ thành bảo Long Giang (trước khi tôn tạo).

Sách Tây Ninh Đất và người (2020) có bài: “Hệ thống thành bảo trên đất Tây Ninh” của nhà nghiên cứu Lê Hoàng Quốc (TP. Hồ Chí Minh). Theo ông Quốc thì: “Vì sự mập mờ về tên gọi, do có tới 3 ngôi di tích thành bảo đều gắn với tên gọi Quang Hoá. Nhưng nếu xét kỹ, thì các di tích này được xây vào các năm khác nhau. Đồn bảo Cẩm Giang xây dựng năm 1824, là nơi tướng Trần Công Thắng tử tiết năm 1826. Còn thành đất Quang Hoá xây dựng năm 1834. Đồn Bảo Định Liêu xây năm 1843…”.

Ông cũng đưa ra nhận định: “Đó là các cột mốc trong tiến trình mở đất của người Việt xưa ở Tây Ninh, với thời điểm năm 1824, là bên bờ Đông sông Vàm Cỏ Đông, năm 1834 là bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, và đến năm 1843, thì đã tiến đến vùng gần sát biên giới với Campuchia hiện nay…”.

Còn Dương Công Đức, tác giả đã có 2 đầu sách nghiên cứu dày dặn về Tây Ninh: Trảng Bàng phương chí (2016) và Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam (2019); ông cho rằng thành đất Quang Hoá và bảo Quang Hoá chỉ là một, và do vậy, ông đã bác bỏ chuyện bảo Quang Hoá được xây năm 1824, cho rằng thành này được xây năm 1834.

Hãy khoan xem xét nhận định của Lê Hoàng Quốc có đúng hay không. Vì trên thực tế, các chúa Nguyễn đã khai thác rừng Quang Hoá bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông từ khá lâu trước đó (1779-1780, theo Đại Nam thực lục tiền biên). Nhưng riêng với các nghiên cứu về thành bảo miền Quang Hoá, thì ông Quốc đã xác định đúng. Vì trên thực tế các di tích hiện còn dấu vết ở 2 huyện Gò Dầu và Bến Cầu nay, thì đúng là có tới 3 di tích thành bảo. Một ở Cẩm Giang thuộc huyện Gò Dầu. Hai thành bảo nữa là ở ấp Bảo, xã Long Giang và ấp B, xã Tiên Thuận đều thuộc huyện Bến Cầu.

Vấn đề còn lại là xác định đâu là ngôi thành đất đắp vào năm 1834 dưới thời vua Minh Mệnh, và đâu là bảo Định Liêu được đắp vào năm 1843 dưới thời vua Thiệu Trị. Nhưng trước hết, hãy xem lại trang viết của Dương Công Đức, khi ông cho rằng thành bảo Quang Hoá xây năm 1834 (thay vì năm 1824 theo Đại Nam nhất thống chí). Sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam của ông viết rằng: “Tháng 5 năm 1843, xét thấy Quang Hoá là vùng phên giậu của Gia Định, trông sang phiên quốc Chân Lạp.

Mỗi khi có chiến tranh thì giặc từ Chân Lạp đều theo đường bộ tiến đánh Gia Định, triều đình thường hay cử biền binh, hương dõng lên Quang Hoá để lập đồn phòng giữ…”. Đây là năm triều Nguyễn vừa đánh tan quân Xiêm mượn cớ giải cứu Lê Văn Khôi gây phiến loạn ở Nam kỳ để sang xâm chiếm Đại Nam. Thực tế của chiến trận đòi hỏi triều đình cần tăng cường hơn nữa việc phòng thủ miền Quang Hoá.

Bờ thành bảo Long Giang sau khi tôn tạo (2024).

Cụ thể hơn, sách Đại Nam thực lục chính biên có chép: “Trước kia triều đình bàn rằng, tỉnh hạt Gia Định, trên đường bộ có thể thông đến Nam Vang có cái cầu Tây Hoa (nay là cầu Tham Lương, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) và đạo Quang Hoá rất là xung yếu, nên xin đặt một tấn sở ở cầu Tây Hoa và đắp một thành đất ở đạo Quang Hoá, lấy quân đóng giữ để nghiêm việc phòng bị. Đến đây quan tỉnh chiếu theo địa thế, vát dân xây đắp vẽ thành bản đồ dâng lên…

Thành đất ở thủ sở Quang Hoá, mặt trước có sông lớn, bên tả gần ngòi dài, bên hữu dựa vào rừng, thành cao 7 thước 4 tấc, chân dày 1 trượng, hào rộng 1 trượng 2 thước, sâu trên dưới 6,7 tấc, 4 mặt đều dài 41 trượng 9 thước, 4 cửa thành đều rộng 6 thước.

Vua y cho và làm… Quang Hoá thủ là thành Quang Hoá; thưởng cho dân phu đào đắp 1.300 quan tiền…”. Từ đoạn trích trên, Dương Công Đức kết luận: “Như vậy thành bảo Quang Hoá đắp vào năm 1834 ở thôn Cẩm Giang Tây, chớ không phải 1824 theo như sách Đại Nam nhất thống chí, mục tỉnh Gia Định chép vào cuối đời vua Tự Đức”.

Kết luận này cho thấy ông đã nhầm, do ông cho rằng thôn Cẩm Giang cũng chính là thôn Cẩm Giang Tây. Thực tế, Cẩm Giang Tây là thôn thuộc tổng Bình Cách Trung, sau đổi thành tổng Cửu Cư Thượng, năm 1924 thuộc quận Thủ Thừa. Sau 1956 thuộc tỉnh Long An (theo Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ, 2008). Hai thôn này hoàn toàn khác nhau, một ở bờ Đông Vàm Cỏ Đông, một ở bờ Tây thuộc Long An. Do vậy mà đã có tên gọi Cẩm Giang Tây. Trong bài viết của mình, Lê Hoàng Quốc cũng cho là Dương Công Đức đã có sự nhầm lẫn giữa di tích bảo Quang Hoá (đồn bảo Cẩm Giang) và thành đất Quang Hoá.

Ông nêu thêm một lý do nữa là ông tướng giữ thành Trần (Huỳnh) Công Thắng đã tử tiết tại thành vào năm 1826 (theo bia mộ), thì không thể có chuyện đến năm 1834 mới xây thành. Cũng nên chú ý đến đoạn văn trích trong Đại Nam thực lục ở trên. Là các sử gia triều Nguyễn đã viết rõ đấy là “thành đất ở thủ sở Quang Hoá”. Đáng chú ý đây là “thủ sở” chứ không phải “đạo sở” như thành bảo Cẩm Giang. Và nữa, là kích thước thành đất là khá nhỏ so với bảo Cẩm Giang. Như mỗi cạnh bờ thành chỉ dài 41 trượng 9 thước; trong khi bảo Cẩm Giang là 48 trượng 6 thước (theo hệ mét là 202,6 và 236,7 mét).

Lê Hoàng Quốc còn cung cấp một thông tin mới, về các “đồn bảo biên phòng”, mà theo bản đồ của Pháp năm 1898 thì trên đất Tây Ninh còn 3 đồn. Một là bảo Long Giang ở ấp Bảo, xã Long Giang. Hai là đồn ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, mà vị trí của nó nay có thể là Đồn Biên phòng Phước Tân; và ba là ở khu vực Sroc Trauh- Rum- Rút nay thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Tuy vậy, ông cũng có thể nhầm khi cho rằng bảo Long Giang chính là bảo Định Liêu.

Trên bản đồ “vị trí bảo Định Liêu” trích từ bản đồ 1898 cho thấy đây là bảo Long Giang nhưng chữ Pháp viết tại đó chỉ là Ancien Fort (đồn bảo cổ), chứ không kèm cái tên Việt Nam nào cả. Vậy cũng chưa thể khẳng định được đây là đồn bảo được coi là “thành huyện Quang Hoá, chu vi 147 trượng 7 thước 4 tấc… mở 3 cửa ở thôn Long Giang… năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đắp bảo Định Liêu, năm Tự Đức thứ 3 (1850) lại lấy bảo Định Liêu làm thành của huyện…” (Đại Nam nhất thống chí). Cho dù ngôi thành này được viết là “ở thôn Long Giang”, nhưng vào năm 1843 thì thôn Tiên Thuận vẫn thuộc về đất thôn Long Giang. Phải tới năm 1845, Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực mới tách ra, lập thôn Tiên Thuận. Đấy chính là thôn có thành bảo Định Liêu ở Bến Đình.

Bờ thành xây tượng trưng tại dinh thờ Huỳnh Công Thắng.

Báo Tây Ninh ra thứ bảy ngày 4.5.2024 có một tấm ảnh trang 1 rất đẹp chụp cầu Bến Đình. Thì góc nhìn từ flycam ấy chính là từ trên cao ngay tại nơi có thành bảo Định Liêu ngày trước. Sông trước đồn như một vòng tay ôm lấy đất Cẩm Giang. Còn cây cầu, như một ngón tay trỏ thẳng về núi Bà Đen. Xem địa thế ấy, mới biết cha ông đã rất có lý khi chọn đất xây thành gắn với hình sông thế núi.

Do vậy mà, sách Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, tập II, 2002 đã mô tả rất đúng. Rằng: “Đình Tiên Thuận được xây dựng sát sông Vàm Cỏ Đông mà nhân dân còn gọi Bến Đình. Nơi đây đã là một trung tâm dân cư sầm uất. Bởi đây là một bến cảng, có bảo Định Liêu, cũng là một thành luỹ, một trụ sở hành chính…”. Xin lưu ý, đây cũng là nơi duy nhất trong số các thành luỹ đã kể, tìm được một ngọn giáo bằng kim loại trong khi khảo cổ Bến Đình.

Do vậy, thành đất Quang Hoá, còn gọi thành Quang Hoá chỉ có thể chính là thành bảo Long Giang hiện nay, đã được công nhận di tích LS-VH cấp tỉnh vào ngày 13.6.1998. Cùng ngày này, di tích khảo cổ học Bến Đình cũng được công nhận di tích LS-VH cấp tỉnh. Như vậy, cả 2 ngôi thành bảo kể trên đều đã được Nhà nước khoanh vùng di tích để bảo tồn.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục