Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những người đam mê đá núi Bà
Thứ tư: 00:13 ngày 05/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực ra, người Tây Ninh ai mà không mê đá núi Bà! Từ các “đại gia”, nhà to vườn rộng, cho đến người bình dân chỉ có trước ngôi nhà nhỏ, một mảnh sân con. Thì ít nhất, ai cũng mong có một bộ bàn ghế bằng đá núi.

Hồ đá tại Phước Lạc Duyên.

Bàn thì từ một tảng đá lớn chẻ đôi, mặt chẻ mài láng bóng. Bộ ghế từ những viên cuội- đá cô đơn cũng cắt bằng ở hai đầu, mặt trên cũng được mài láng, trông gần giống những chiếc đôn sứ ngày xưa nhưng vẫn giữ nguyên được hình hài viên đá núi. Trong mọi trường hợp, thì đá núi đã làm sang trọng cho cả khu vườn.

Vậy mà tôi còn gặp một loại hiếm gặp hơn. Là tảng đá có nguyên hình như một chiếc ghế bành trong khu vườn nọ. Đấy là tại buổi họp mặt truyền thống cựu du kích xã Chà Là, tại nhà một cựu đội viên. Ông chủ nhà đã khoe chiếc ghế bành bằng đá, mà khi ông ngồi lại có cảm giác cực kỳ êm ái. Cho đến nay, vẫn chưa thấy cái thứ hai. Có lẽ đấy là quà tặng độc đáo, duy nhất của núi để dành cho một người con từng cầm súng giữ núi, giữ quê hương.

Hơn nữa, ông còn là người đam mê đá núi Bà. Nghe kể chính ông là người có sáng kiến dựng các bia đá ghi lại các sự kiện nổi bật, các chiến công của quân dân huyện Dương Minh Châu trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, đi tới đâu trên đất huyện căn cứ địa Dương Minh Châu, người ta đều gặp những tấm bia đá giản dị, như những cột mốc đứng bên đường, dù là ở Suối Đá, Phan hay Chà Là, Cầu Khởi.

Không phải là cột mốc chỉ đường, mà những cột mốc tạc địa danh và thời gian. Dễ nhận ra nhất với nhiều người, chắc là cột mốc ở bên cầu kênh K13 và kênh Tây, hướng ra đường 781. Giản dị lắm! Chỉ gồm 3 khối đá, lắp dựng lên nhau thành hình dáng một ngôi miếu nhỏ. Bia này có những hàng chữ khắc lên đá núi, sơn vàng như sau: “Tại đây, ngày 16/8/1961 du kích và lực lượng địa phương đã phục kích diệt tên Quận Lê ác ôn, khét tiếng và trung đội bảo vệ, bắt sống 6 tên thu nhiều vũ khí. Diệt được Quận Lê đồng bào vô cùng phấn khởi… Đây là trận đánh diệt ác ôn tiêu biểu của lực lượng võ trang Dương Minh Châu”.

Đá hình núi Bà Đen.

Người mê đá! Nên đá núi Tây Ninh ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các công trình mới. Như ở nhà hàng chay Phước Lạc Duyên trên đường Điện Biên Phủ, TP. Tây Ninh. Đá được dựng làm tiểu cảnh sân vườn. Những bộ bàn ghế đá được kê dưới bóng mát cây xanh, có cả những cây dâu cổ thụ tuổi trăm năm.

Dạo quanh TP. Tây Ninh hay thị xã Hoà Thành, cũng thường gặp các quán cà phê hoặc nhà hàng được trang trí bằng cây xanh và đá núi. Nhưng người TP. Tây Ninh hay các nơi khác chắc không thể bằng người huyện Dương Minh Châu mê đá núi. Mà phải là đá núi Bà Đen. Có thể kể đến vườn đá mang tên Thạch Hương Uyển của ông “Thắng Đá”. Đấy là biệt danh do người mê đá đặt cho, còn tên họ ông là Danh Quốc Thắng. Ta có thể lấy cái mốc thời gian là ngày 7.11.2006 để biết vườn đá của ông được lập khi nào. Đó là ngày Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Vào dịp này, ông phấn khởi quá nên thuê thợ làm ngay một chiếc cúp bằng đá núi Bà Đen. Cúp cao 5 mét, nặng 25 tấn, ở phần bệ gắn tấm bảng đá khắc dòng chữ: Việt Nam- WTO/07-11-2006.

Thạch Hương Uyển là một quán cà phê, nhưng quán chắc chỉ là cái vỏ cho một không gian thấm đậm tinh thần của đá núi Bà. Ngoài cái hàng rào bằng cột lục kiểu Tây Nguyên, thì bên trong cơ man là đá. Mà đá nào cũng có câu chuyện thì thầm nào đó. Như ngay ở cổng vào, trước lối lên cây cầu đầu tiên đã thấy 2 khối vuông tròn chồng lên nhau, khối tròn bên trên khắc hình đất nước Việt Nam với cả các cụm đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Qua cầu là tới sân. Bên cạnh vài ngôi nhà gỗ ngói đơn sơ là các cụm cây sanh, si cùng đá núi. Ở bên đá, cây cũng có đủ dáng hình vẹo vọ, gốc rễ xù xì đan quyện vào nhau. Ở bên cây, đá như có tâm hồn, nơi tư lự thâm trầm, chỗ lại vặn mình như muốn thoát ra khỏi lớp vỏ xù xì. Ở một góc, có một khối đá hút mắt mọi du khách. Đấy là tảng đá núi có hình một ông Di Lặc. Đá núi trăm phần trăm đấy, nhưng lại tưởng như thấy lòng vị Bồ tát này rộng mở thênh thang, cùng gương mặt nở nụ cười trìu mến, bao dung…

Đá ở trạm dừng chân Phú Mỹ Nga.

Nhưng chưa hết! Đi dài ra phía sau, ta còn thấy một công trình tâm đắc nhất của ông Quốc Thắng. Đấy là khu hồ nước, dài gần 100 mét, với hòn đảo bên trong có hình bản đồ đất nước Việt Nam. Đảo được xây đắp toàn bằng đá núi Bà, tạo hình đầy đủ đất nước hình chữ S. Cũng có cả Hoàng Sa và Trường Sa, và trên mỗi miền đất nước, một mô hình công trình tiêu biểu được xây nên. Quanh hồ cũng có vô vàn đá núi, viên nằm, viên đứng cùng với cây xanh lồng lộng đứng soi mình.

Nhưng tảng đá được ông chủ quán yêu thích nhất, được bày ngay trên bàn pha chế cà phê của quán là tảng đá có hình dạng y hệt như 2 ngọn núi Bà Đen, từng được vẽ thành biểu tượng Tây Ninh. Có lẽ núi Bà cũng cảm nhận được tình yêu với đá núi của ông, nên ban thưởng cho ông món quà độc đáo và duy nhất.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục