Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bao năm qua, làng hoa kiểng ở ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành được xem là “thủ phủ” hoa tết của Tây Ninh, nơi có nhiều người gắn bó lâu năm với nghề trồng hoa kiểng tết.
Theo một số người dân xã An Cơ, nghề trồng hoa kiểng tết ở đây có nguồn gốc từ làng hoa kiểng Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Hơn 40 năm trước, có người dân Tây Ninh làm nghề mua bán cà rem, hoa kiểng dạo ở làng hoa kiểng Gò Vấp, chở đi bán dạo khắp Sài thành. Trong thời gian làm nghề bán hoa kiểng dạo, họ đã học được nghề trồng, kinh doanh những loại cây làm đẹp mùa xuân. Sau khi trở về quê sinh sống, người này đem theo một số hoa kiểng giống từ làng hoa kiểng của đất Sài thành về xã An Cơ gieo trồng và bán ra thị trường tết.
Nhận thấy nghề này cũng có lợi nhuận, một số anh em trong gia đình, bà con chòm xóm học nghề. Từ đó, nghề trồng hoa kiểng tết ngày càng lan rộng ra thành làng nghề ở An Cơ như hiện nay.
Ông Thái Văn Minh- một trong những hộ dân gắn bó lâu năm với nghề hoa kiểng ở đây nhớ lại: “Mới đầu chỉ có hai, ba hộ làm nghề này, sau đó số lượng tăng lên đến 20-30 hộ. Mỗi lần tới vụ xuống giống, anh em ngồi xúm xít bình luận, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa kiểng với nhau rất vui. Có khi ngồi nói chuyện với nhau tới hai, ba giờ sáng không hay”.
Hiện nay, gia đình ông Minh chuyên trồng các loại hoa ngắn ngày, như hướng dương, vạn thọ, cúc Đà Lạt, mồng gà, sống đời... Chỉ vào những luống cây sống đời, ông Minh cho biết, loại cây này phải xuống giống từ tháng 7 mới ra hoa kịp tết. Bên cạnh đó, những loài hoa cúc nghệ, mồng gà, cúc nhám đã bắt đầu rực rỡ khoe sắc; những chậu cúc mâm xôi chờ ngày bung nở.
Ông Minh là người luôn chịu khó tìm tòi, đầu tư, nghiên cứu cách trồng thử nghiệm những loại hoa kiểng mới. Vào khoảng năm 2015, khi đến đây tham quan, chúng tôi đã thấy nông dân này trồng thử nghiệm hoa hướng dương Thái Lan và cây móng tay Trung Quốc. Trong đó, hướng dương Thái Lan có nhiều màu khác nhau, như hồng pha đỏ, vàng pha đỏ, đỏ pha tím. Còn cây móng tay Trung Quốc có kích thước hoa to như bông hồng. Năm nay, ông mạnh dạn trồng loại cúc mâm xôi cấy phôi, không gieo hạt trồng theo kiểu truyền thống. “Tôi chưa nắm vững kỹ thuật, nên tỷ lệ hao hụt khá cao, nhưng cái được là hoa nở đều và chắc nụ”, chủ vườn hoa nói.
Tương tự như thế, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tư, ở ấp Vịnh cũng là những người gắn bó lâu năm với nghề làm đẹp mùa xuân. Những ngày cuối năm, thời tiết se se lạnh, từ sáng tinh mơ, vợ chồng nông dân này đã ra vườn tưới nước, bắt sâu, nhặt lá cho những luống hoa tết. Năm nay, vợ chồng ông Tư trồng hơn bốn thiên hoa tết. Trong đó, có những loài hoa “khó nhằn” nhất, như cây sống đời, cúc mâm xôi, vì thời gian trồng dài gần nửa năm và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất cao. Chưa kể, chỉ cần thời tiết không thuận lợi như mùa mưa kéo dài, sương muối, sương giá bất ngờ xuất hiện là những chậu bông đắt giá này bị hư hỏng, “tịt ngòi”, công lao, vốn liếng của người trồng coi như đổ sông đổ bể.
Hiện, ông Tư trồng thử nghiệm vài luống hoa cúc nhám- loài hoa trước đây chỉ phát triển mạnh ở các xứ lạnh như Đà Lạt. Gia đình ông làm nghề này khoảng 15-16 năm. Mặc dù đã gắn bó với nghề lâu năm, nhưng mỗi khi tới vụ trồng hoa tết mà chưa kịp trộn phân, xuống giống, vợ chồng ông đều nghe nôn nao đến mất ăn mất ngủ.
Nói về niềm đam mê trồng hoa tết, nông dân này chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi đều ra vườn chăm sóc hoa từ chiều tới tối. Nghề này rất cực nhọc, nhưng khi bán cho bà con chưng tết, làm đẹp gia đình, làm vui ngày tết, mình thấy cũng vui lây”.
Thật khó tưởng tượng những ngày xuân về tết đến, mọi người đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa mới mẻ, trên bàn, trên tủ đều trưng bày đầy các loại trái cây, nhưng thiếu màu sắc của các loại hoa xuân.
Do sản phẩm ở làng hoa này có thương hiệu, hằng năm đều có mối lái đến đặt hàng thu mua gần hết. Nhà vườn chừa lại một số sản phẩm đem đi tham gia bày bán ở các chợ hoa xuân TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành cho vui với nghề. Năm nay, mưa thuận gió hoà, hoa kiểng có chất lượng tốt, nếu thị trường tiêu thu mạnh thì người dân ở đây sẽ có mùa bội thu.
Ngoài những hộ dân trồng hoa kiểng bán tết ở ấp Vịnh, rải rác ở các ấp An Lộc, Sa Nghe của xã An Cơ cũng có một số gia đình khác chuyên sống bằng nghề này. Làng hoa kiểng An Cơ đã trở thành thương hiệu được nhiều người dân trong tỉnh biết đến. Nếu nơi đây được đầu tư trồng những loại hoa nở quanh năm và kết nối vào những tour du lịch thì sẽ có thêm một điểm đến hấp dẫn cho du khách mỗi khi về vùng đất Tây Ninh.
Đại Dương - Quốc Sơn