Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1.10:
Những người già không ngơi nghỉ
Thứ hai: 06:36 ngày 01/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều năm qua, cán bộ, hội viên Người cao tuổi (NCT) trong tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao gương sáng”, gương mẫu trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cụ Thài đọc báo.

LÀM VIỆC THIỆN Ở TUỔI XƯA NAY HIẾM

Tuổi cao sức yếu, không có điều kiện giúp đỡ người nghèo bằng tiền bạc, cụ Phạm Thị Màng, 93 tuổi, ngụ khu phố 3, phường IV, T.P Tây Ninh “chỉ biết làm cái việc phù hợp với sức mình”- theo lời cụ nói. Cụ tận dụng vải vụn may mền tặng cho những người nghèo, người già neo đơn ở địa phương. Tính đến nay, cụ Màng đã có hơn 40 năm thầm lặng thu nhặt từng mảnh vải vụn để may hàng trăm cái mền. Với việc làm ý nghĩa và giàu tính nhân văn này, cụ Màng đã được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là 1 trong 15 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện quốc gia năm 2017.

Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là thương binh hạng 4/4, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, khi trở về đời thường, cụ Lê Văn Thài (SN 1920, ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, Châu Thành) luôn sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 10 năm nay, ngoài tiền trợ cấp thương binh, người cao tuổi, cụ Thài còn vận động con, cháu để cứ mỗi độ xuân về tặng cho người nghèo tại địa phương từ 200 đến 300 phần quà, mỗi phần trị giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Từ năm 2014 đến nay, cụ Thài vận động con, cháu góp tiền xây 8 căn nhà đại đoàn kết, mỗi căn trị giá từ 37 triệu đồng trở lên. Năm 2017, cụ Thài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Cụ Màng với cái máy may cũ.

Ðã hơn 90 tuổi, đáng lẽ phải nghỉ ngơi nhưng bác sĩ Trần Minh Trà, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh vẫn thường xuyên chạy xe mô tô vượt gần 20km đến phòng khám tư tại tổ 9, ấp Thành Trung, xã Thành Long, huyện Châu Thành để khám bệnh, kê đơn miễn phí cho người nghèo, nhất là người dân Khmer.

Ông kể: “Khi tôi lên đây mở phòng khám, con cháu đều không muốn vì tiền lương hưu của tôi cũng đủ tiêu xài. Hơn nữa, tuổi già đi xa nguy hiểm. Nhưng tôi bảo, trên đó còn nhiều người khó khăn, bệnh tật không có tiền mua thuốc, mình còn khoẻ ngày nào thì nên tiếp tục khám bệnh cho họ. Bao nhiêu năm làm nghề y, còn gì hạnh phúc hơn khi được bệnh nhân tin tưởng, quý mến”. Ông Trà đã làm việc này từ năm 2014 đến nay.

Ngoài cụ Màng, cụ Thài và bác sĩ Minh Trà còn có cụ Nguyễn Long Thảo (SN 1929, ngụ ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, TP. Tây Ninh) thích làm việc thiện và say mê việc xã hội. Ngoài việc làm tổ trưởng tổ tự quản, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, từ tháng 5.2016 đến nay, bằng chiếc xe đạp cọc cạch chở theo chiếc cần xé, mỗi tháng 2 lần vào ngày 30 và mùng 1 âm lịch, cụ Thảo xuống Hoà Thành liên hệ lấy 70 hộp cơm chay cho các hộ nghèo khó, người già neo đơn trong xã.

Mỗi ngày nấu cơm, cụ lại bớt ra một ít gạo, chờ đến khi đủ 30kg thì đem đến tặng một hộ người cao tuổi cô đơn trong xóm. Những lúc rảnh rỗi, cụ Thảo còn đi câu cá trên sông đem về chia cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hoặc có người bị bệnh hiểm nghèo trong ấp. Không phải là thầy thuốc, nhưng cụ đã sưu tầm các bài thuốc nam gia truyền chữa trị các bệnh thông thường như ho, cảm cúm, tiêu chảy… đóng thành nhiều cuốn, tặng cho các cụ già trong ấp và nhiều người khác.

Cụ Thảo với chiếc xe đạp quen thuộc.

CÒN SỨC CÒN CỐNG HIẾN

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua yêu nước “Nêu gương sáng, góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng” của Hội NCT còn xuất hiện nhiều người cao tuổi không cam chịu cảnh “lão giả an chi”, “lão lai tài tận”. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có ông Ðặng Văn Hùng (SN 1945, ngụ xã Suối Ngô, huyện Tân Châu).

Ông Hùng canh tác 120 ha gồm cao su, mía, mì và nuôi heo rừng, trâu… Hằng năm, công việc của ông Hùng cho doanh thu trên 10 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 4,5 tỷ đồng, giải quyết cho 50 lao động có việc làm ổn định, mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng và 150 lao động theo thời vụ.

 Ở ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, Châu Thành có ông Nguyễn Văn Triển từ hộ nghèo, đã vượt lên chính mình. Thời gian qua, ông Triển và gia đình mạnh dạn thuê 380 ha đất để trồng mía, mì và trồng rau, củ, quả, doanh thu hằng năm trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Không chỉ trở nên giàu có, hằng năm ông còn làm từ thiện xã hội trên 50 triệu đồng.

Một trường hợp khác là bà Lâm Thị Lệ Dung (SN 1943, ngụ thị trấn Gò Dầu) kinh doanh vật liệu xây dựng, doanh thu hằng năm trên 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động…

Trên đây là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho 35 gương sản xuất kinh doanh giỏi của hơn 2.000 NCT sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh nhà trong thời gian qua. Bà Nguyễn Ngọc Nhuyễn, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết, hiện nay,  toàn tỉnh có hơn 95.000 hội viên NCT, chiếm 8,72% dân số.

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các cấp Hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện quy ước, nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng gia đình văn hoá được cán bộ, hội viên các cấp tích cực tham gia hưởng ứng. Nhiều cấp Hội đã tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên vay vốn sản xuất, làm kinh tế gia đình.

Bác sĩ Trà khám bệnh cho người dân.

Song song đó, hội viên NCT còn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Theo thống kê, hiện có hơn 2.000 cán bộ, hội viên NCT tham gia các mô hình phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đầu năm đến nay, người cao tuổi trong tỉnh đã cung cấp gần 3.000 tin tức liên quan đến tội phạm cho lực lượng Công an, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Người cao tuổi còn tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong 9 tháng đầu năm 2018, NCT khắp nơi trong tỉnh đã vận động con, cháu hiến gần 41.861m2 đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp hơn 4 ngàn ngày công lao động và hơn 2,7 tỷ đồng. Bằng uy tín của mình, nhiều NCT còn tham gia hoà giải thành công 135 vụ việc, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và tình làng nghĩa xóm.

Theo thống kê, hằng năm có hơn 80% hội viên Người cao tuổi đạt danh hiệu “Tuổi cao gương sáng”, trên 90% gia đình hội viên Người cao tuổi được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá. Hoạt động của Hội Người cao tuổi trong tỉnh đã khẳng định vai trò, vị trí, uy tín của người cao tuổi trong cộng đồng, xã hội,

Hà Quang - Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục