Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những người tô điểm thêm cho ngày Tết
Thứ ba: 14:16 ngày 13/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có những người rất tâm huyết với lĩnh vực sinh vật cảnh, mang đến cho cộng đồng những loài hoa và cây kiểng đẹp, tượng trưng cho sự may mắn, thiện mỹ, tài lộc, đáp ứng nhu cầu trang trí nhà cửa dịp tết nguyên đán.

Bà Hà tại một góc vườn mai rộng khoảng 1 ha.

Duyên nghiệp mai vàng

Những năm gần đây, vườn mai của bà Lê Thị Hà tại ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành ngày càng được nhiều người biết đến. Do cây mai của bà Hà trồng cho ra hoa vàng đậm, nở đều, cánh hoa khít, lâu tàn, toả hương thơm, giá bán mai lại ổn định trong dịp tết nguyên đán cũng như ngày thường.

Khi chúng tôi đến vườn mai rộng khoảng 1 ha của bà Hà, từ xa đã thấy chủ vườn cặm cụi nhổ cỏ, chỉnh béc tưới nước, sau đó là cắt tỉa lá, dọn cành mai để chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Bà Hà rất hài lòng với vườn mai hiện tại của mình, vừa dẫn khách đi tham quan, vừa kể về chuyện duyên nghiệp đến với cây mai vàng.

Bà Hà cho hay, bà yêu thích loài hoa mai vàng từ khi còn nhỏ. Lớn lên lập gia đình, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, ban đầu bà Hà mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, sau đó chuyển sang làm trong lĩnh vực xây dựng được khoảng 20 năm. Cuộc sống gia đình bà Hà tại chốn phồn hoa vẫn bộn bề với nhiều khó khăn thách thức về tài chính. Tình cờ bà Hà thấy người dân bày bán giống cây mai vàng tại cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), niềm đam mê ấp ủ từ bấy lâu về loài cây này được khơi lại.

Bà Hà chỉnh béc phun nước tưới mai.

Cận cảnh hoa mai vàng được bà Hà trồng và kinh doanh đại trà.

Bà Hà chỉnh khung nhiều cây mai thành kiểu bình hoa.

Thế là, bà quyết định mua 30 cây mai vàng giống đem về quê Tây Ninh trồng thử nghiệm. Bước đầu, việc trồng mai gặp khó khăn do chưa biết nhiều về kỹ thuật trồng loại cây này tại vùng đất xã Long Vĩnh. Tuy nhiên, với quyết tâm khởi nghiệp theo chính niềm đam mê của mình, bà Hà đã không ngừng tìm tòi học hỏi về cách trồng và chăm sóc giống cây mai vàng. Trong giai đoạn này, bà học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các chủ vườn mai ở miền Tây, ngoài ra còn có sự hỗ trợ không nhỏ của các thành viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tây Ninh.

Kể từ năm 2015, những cây mai vàng của bà Hà trồng thử nghiệm đã phát triển ổn định. Đến năm 2017, bà về quê trồng đại trà và kinh doanh mai vàng. Đến nay, ngoài diện tích khoảng 1 ha đất trồng cây mai của gia đình tại ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, bà còn thuê thêm khoảng 1,5 ha đất nông nghiệp tại địa bàn xã Long Chữ, huyện Bến Cầu để nhân rộng mô hình trồng mai. Ước tính tổng số cây mai được trồng tại hai diện tích nêu trên là hơn 20.000 cây. Hằng năm, trừ các chi phí đầu tư, công việc trồng mai đã đem lại nguồn thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trong những năm qua, bà Hà không ngừng nỗ lực và ngày càng hoàn thiện mô hình trồng mai vàng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó góp phần tạo thêm phân khúc thị trường bình dân về cây mai vàng, để người dân trong và ngoài tỉnh dễ dàng mua mai về chưng trong dịp tết, thậm chí có thể học hỏi nhân rộng mô hình để kinh doanh. Hiện tại, khách hàng rất ưa chuộng kiểu nhiều cây mai tạo dáng xoay tròn thành dạng bình hoa được bày bán tại vườn.

Một kiểu tạo hình cây mai rất được khách hàng ưa chuộng tại vườn mai của bà Hà.

Tháng 6.2020, bà Hà được Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh tặng giấy khen về thành tích gương nông dân sản xuất giỏi giai đoạn 2015-2020. Tháng 12.2021, được Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh tặng giấy khen nông dân đạt thành tích sản xuất giỏi. Tháng 2.2023, bà Hà được Chủ tịch UBND huyện Châu Thành tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu trong hoạt động phong trào thi đua do khối thi đua các xã nội địa tổ chức, phát động năm 2022. Đến tháng 10.2023, bà Hà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh tặng giấy khen đạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ Tây Ninh sáng tạo khởi nghiệp” năm 2023 (với mô hình trồng cây hoa mai).

“Tâm nguyện của tôi là mang loài hoa đẹp tượng trưng cho sự may mắn đến với mọi người, mọi nhà trong những ngày xuân và trong cuộc sống”- bà Hà chia sẻ.

Kiểng hoa, bonsai tô điểm ngày tết

Hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Anh Tuấn, ngụ ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành đã chuyển từ nghề chở thuê mía, mì cho bà con nông dân tại địa phương sang trồng hoa, chiết, ghép cây kiểng các loại để thoả chí đam mê từ nhỏ và chia sẻ những tác phẩm cây cảnh đẹp đến với nhiều người.

Để phục vụ nhu cầu của người mua trong dịp tết nguyên đán, ngoài diện tích trồng hoa, cây kiểng tại nhà, anh Tuấn còn thuê mặt bằng khá rộng tại thị trấn huyện Châu Thành để trồng hoa vạn thọ, trưng bày nhiều loại cây kiểng, tạo không khí tết cho khách đến tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, anh Tuấn còn bố trí nhiều chậu chứa phôi cây mai vàng được mua về từ miền Tây để cắt, ghép, tạo ra những cây mai dáng đẹp, về sau hoa mai nở vàng đậm, lâu rụng cánh, đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Anh Sân bên cây hoa giấy “vạn hoa lầu” mà anh rất yêu quý.

Anh Tuấn chia sẻ, giá trị về mặt tinh thần của người biết thưởng lãm sinh vật cảnh là vô giá. Do đó, nếu khách đến mua cây hoặc hoa kiểng mà biết quý cái đẹp, anh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng được sở hữu loại cây cần mua, thậm chí bán lỗ vốn anh cũng hài lòng. “Tôi chủ yếu vì mang cái đẹp đến cho mọi người trong những ngày tết sắp tới. Vì cây kiểng đã làm thay đổi tích cực tinh thần tôi trong khi tưởng chừng như tuyệt vọng. Việc bán - mua, cốt là để duy trì hoạt động nhằm phục vụ được nhiều người…”- anh Tuấn tâm sự.

Đề cập đến mảng bonsai hiện nay trên địa bàn tỉnh, chắc hẳn sẽ có nhiều người biết đến anh Võ Văn Sân, ngụ ấp Xóm Ruộng (tại đầu cầu Bến Sỏi), xã Trí Bình, huyện Châu Thành. Từ năm 1994, anh Sân bắt đầu tiếp cận với nghệ thuật bonsai. Sở thích của anh Sân là chơi những cây bonsai có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, trong đó phần lớn là cây me và cây khế. Theo anh Sân, mặc dù hai giống cây này không thuộc loại gỗ quý và cho trái chua, nhưng lại gắn bó với cuộc sống đời thường trong nhân dân rất phổ biến, việc chọn giống cây bình thường để tạo tác và hướng tới mục đích chơi bonsai là việc đáng làm.

Trong khuôn viên quán cà phê và cạnh nhà của anh Sân hiện có nhiều cây  me, cây khế bonsai, theo chủ nhà tuổi đời của những cây này lên đến hàng trăm năm. Anh Sân nhận định, do thổ nhưỡng và khí hậu tại tỉnh Tây Ninh và các vùng lân cận thường tạo ra những cây khế, cây me có dáng đẹp, cây càng lâu năm càng đẹp, sức sống càng mãnh liệt, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết đặc trưng vùng miền. Vì vậy, anh Sân thích chọn cây bonsai cổ thụ. Cây có nhiều năm tuổi còn mang ý nghĩa tâm linh, phong thuỷ, trường thọ… và để sở hữu được những cây này thì người chơi cũng phải có duyên.

Anh Sân bên một cây bonsai tại nhà riêng.

Theo anh Sân, người có duyên với cây, hiểu về cây, biết chăm sóc và tôn trọng cây thì anh luôn tạo điều kiện để người chơi được kết nối, sở hữu những cây bonsai mà anh có. Một khi quyết định bán cây cho ai, anh phải chắc chắn rằng người mua cũng phải có sự tương giao đồng cảm với anh về cây này. Việc trao đổi mua bán cây bonsai diễn ra thuận lợi hơn khi cây được bán cho người ở trong tỉnh, để anh còn có dịp gặp lại cây do chính mình tạo tác.

Thường thì anh Sân sẽ hỏi khách về phong cách chơi bonsai trước khi đưa ra giá bán để biết đứa con tinh thần của mình sẽ đi về đâu và về với chủ mới như thế nào. Nếu khách hàng hợp ý với anh thì cho dù bán cây với giá thấp anh cũng đồng ý. Bởi theo anh Sân, chơi bonsai là để làm đẹp cho đời, thông qua thú chơi cây để định hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ, lấy vật vô tri để nuôi dưỡng tâm của con người, hướng đến những điều thiện. Vậy nên, giá cả trao đổi mua bán cũng chỉ là để tái tạo và duy trì thú chơi.

Anh Tuấn chăm sóc vườn hoa vạn thọ để chuẩn bị phục vụ khách trong dịp tết.

Ngoài các cây bonsai vài trăm tuổi, ngay cổng vào quán cà phê và nhà của anh Sân còn có một cây hoa giấy “vạn hoa lầu”. Anh rất yêu quý cây này, người dân trong vùng thấy cây hoa giấy đẹp thỉnh thoảng lại đến ngỏ ý mua với giá cao nhưng anh không bán. Vậy mà, để chia sẻ cho cộng đồng về cái đẹp từ “vạn hoa lầu”, anh Sân không ngại bỏ công chiết cành, ươm giống và biếu cho nhiều người đem về nhà trồng để cùng ngắm đón xuân về.

Anh Tuấn cắt tỉa chậu mai kiểng theo yêu cầu của khách đặt hàng.

Tâm sự với anh Sân, chúng tôi có phần hiểu thêm về tâm huyết của những người đam mê bonsai, kiểng hoa nói riêng và sinh vật cảnh nói chung. Phần lớn những người trong lĩnh vực này đều muốn được chia sẻ, nhân rộng cái đẹp từ đứa con tinh thần do mình tạo tác đến với cộng đồng. Qua đó góp phần tô điểm thêm sắc xuân cho những ngày tết.

T.L - Đ.D

Tin cùng chuyên mục