Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người trẻ gắn bó với cây cao su
Chủ nhật: 23:35 ngày 18/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, 2 kỹ sư nông nghiệp trẻ của tỉnh vinh dự nhận Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2023 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng thăm nông trường cao su

Tây Ninh có nhiều nông trường cao su và có không ít kỹ sư nông nghiệp gắn bó, tâm huyết với cây công nghiệp này. Mới đây, 2 kỹ sư nông nghiệp trẻ của tỉnh vinh dự nhận Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2023 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Đam mê sáng tạo

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1991), phụ trách kỹ thuật Nông trường cao su Bến Củi - Công ty cổ phần cao su Tây Ninh là người đam mê, nhiệt huyết với nghề. Anh đã nghiên cứu, tìm ra được nhiều giải pháp, sáng kiến hay, cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ cơ giới hoá trong việc trồng, chăm sóc cây cao su và giải quyết những hạn chế trong quá trình sản xuất cao su thành phẩm, giúp Công ty cổ phần cao su Tây Ninh giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân lực và tiết kiệm chi phí trong công tác trồng, chăm sóc cây cao su.

Năm 2014, anh Hùng tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và về Dương Minh Châu làm việc tại Nông trường cao su Bến Củi. Lớn lên cùng mảnh đất cao su bạt ngàn, anh thêm yêu và gắn bó với cây cao su. Với niềm đam mê đó, những năm qua, anh Hùng cống hiến nhiều sáng kiến hay cải thiện công tác trồng và chăm sóc cây cao su. Trong đó có 3 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến Công ty công nhận và 1 sáng kiến được được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam công nhận vào năm 2021. Đó là sáng kiến, giải pháp “Cày ngầm trên đường băng kết hợp lấp hố trước khi trồng mới tái canh”.

Qua nhiều năm độc canh cây cao su, đất của Nông trường Bến Củi đang bị thoái hoá nghiêm trọng về kết cấu và dinh dưỡng. Anh Hùng cho biết, thoái hoá đất làm cho hệ rễ sinh trưởng kém, làm giảm năng suất cây trồng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chu kỳ khai thác mủ cao su hiện nay. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có phương pháp phù hợp cải tạo đất, làm tiền đề để khôi phục năng suất vườn cây.

Để giải quyết vấn đề đó, anh Hùng nảy ra ý tưởng thiết kế máy cày cơ giới có công suất 120 mã lực có gắn dàn cày ngầm gồm 3 trụ cày được lắp với khoảng cách mỗi trụ cách nhau 0,6m, có thể tuỳ chỉnh theo công suất máy để làm phá vỡ kết cấu đất bị bí chặt với luống cày 2m, trên khung cày kết hợp với 2 chảo cày để vun luống tơi xốp trước khi trồng. Anh Hùng chia sẻ, máy cày được anh thiết kế từ dạng máy cày ngầm dùng trong canh tác mía, mì.

Do cây cao su cần có tầng đất sâu để bám và nhận dinh dưỡng nên máy cày phải có công suất lớn hơn để cày sâu hơn, làm vỡ tầng đất mặt và tầng đế cày bị nén chặt từ nhiều năm, hình thành mao quản, tăng độ thông thoáng cho đất, bảo đảm môi trường tối ưu cho rễ cây phát triển tốt, nhất là rễ cọc có thể đâm sâu vào đất giúp cho cây đứng vững. Khi bộ rễ phát triển tốt thì cây sẽ hấp thu dinh dưỡng tối ưu làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Phương pháp “Cày ngầm trên đường băng kết hợp với lấp hố trước khi trồng mới tái canh” khi đưa vào áp dụng còn tiết kiệm được cho nông trường khoảng 2,2 triệu đồng/ha; làm lợi cho cho công ty hơn 250 triệu đồng.

Sáng kiến của anh được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam áp dụng rộng rãi ở nhiều nông trường cao su trong và ngoài nước. Anh Hùng chia sẻ, niềm vui của anh không gì khác hơn là được đóng góp trí tuệ, sự sáng tạo của mình cho công ty; giúp công nhân có nhiều thời gian nghỉ ngơi, công việc diễn ra trôi chảy hơn.

Anh Nghĩa hướng dẫn quy trình kỹ thuật trên vườn cây cao su cho công nhân.

Tâm huyết với nghề

Cũng tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, anh Lê Trọng Nghĩa (SN 1994) về công tác tại Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên. Năm 2016, anh được điều động sang làm việc tại nông trường cao su tỉnh Kampong Thom, Campuchia. Hiện tại, anh giữ chức vụ kỹ sư Nông nghiệp, Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Bí thư Chi đoàn cơ sở Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên- Kampong Thom.

Hơn 6 năm qua, anh Nghĩa đóng góp cho công ty nhiều sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác chăm sóc và trồng cây cao su. Trong đó có thể kể đến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý cây trồng với tên gọi “Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vườn cây cao su kinh doanh”. Giải pháp được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công nhận và ứng dụng rộng rãi trong ngành cao su Việt Nam.

Anh Nghĩa cho biết, sáng kiến được nảy ra từ việc anh quan sát thực trạng công tác quản lý, tổng hợp số liệu của công ty còn thủ công, thô sơ, gây mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhân viên, chuyên viên công ty còn hạn chế về công nghệ thông tin.

Năm 2022, anh bắt tay nghiên cứu cách tổng hợp số liệu, quản lý cây cao su bằng các ứng dụng, thiết bị công nghệ, bao gồm các sáng kiến: ghi chép kết quả kiểm tra kỹ thuật định kỳ bằng điện thoại di động thông minh, theo dõi số liệu sản lượng và tiền lương khai thác trên vườn cây kinh doanh bằng công thức Excel nâng cao, ứng dụng Google Drive để báo cáo, tổng hợp dữ liệu trên vườn cây cao su và Giải pháp về sử dụng phần mềm Mapinfo vào quản lý đất đai của Công ty.

Sau khi thử nghiệm, chỉnh sửa bảng mẫu nhiều lần, anh tham mưu công ty triển khai cách làm này đến toàn thể cán bộ, nhân viên công ty, đồng thời tập huấn, hướng dẫn nhân viên sử dụng các thiết bị công nghệ, ứng dụng trong công tác tổng hợp số liệu, qua đó nâng cao năng lực công nghệ thông tin, đẩy mạnh phong trào chuyển đổi số trong đơn vị.

Giải pháp trên đã hỗ trợ cán bộ theo dõi số liệu, tổng hợp số liệu rút ngắn được thời gian làm việc, công tác tổng hợp số liệu theo dõi bảo đảm chính xác, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm cho công ty hơn 520 triệu đồng trong năm 2022.

Anh Nghĩa chia sẻ, một người thợ giỏi là người không ngừng sáng tạo, cải tiến các phương pháp làm việc mới, hay để tiến độ làm việc ngày càng được rút ngắn, công việc diễn ra hiệu quả hơn. Trong quá trình sáng tạo, tìm giải pháp, anh đều lấy nhân viên công ty làm trung tâm. “Hiểu sự vất vả của đồng nghiệp khi phải làm việc xa nhà, tôi luôn cố gắng tìm ra những giải pháp với mong muốn anh em, đồng nghiệp trong công ty làm việc hiệu quả, năng suất hơn và có nhiều thời gian nghỉ ngơi, về thăm gia đình ở Việt Nam”- anh Nghĩa tâm sự.

Những đóng góp của anh đã giúp Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên- Kampong Thom ngày một vững mạnh, nông trường cao su Kampong Thom được quản lý chặt chẽ, sản lượng mủ cao su từ đó cũng được nâng cao rõ rệt.

Những sáng kiến hay và sự tâm huyết trong công việc giúp anh nhận được nhiều khen thưởng, như bằng khen của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2020-2021; bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc đạt giải thưởng “Thanh niên tiêu biểu ngành Cao su Việt Nam” lần thứ IX năm 2021; bằng khen của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam về việc đạt thành tích xuất sắc trong công tác thanh niên năm 2022, góp phần xây dựng đơn vị và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục