Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những nguy cơ trẻ sinh non có thể đối mặt
Chủ nhật: 08:17 ngày 04/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Con tôi sinh non, khoảng 35 tuần, cân nặng 2,4kg, cháu sinh mổ vì bác sĩ nghi ngờ tôi bị nứt vết mổ cũ. Sau sinh cháu nằm lồng ấp một ngày, sau đó được ra ngoài chăm sóc và nuôi bằng sữa mẹ, xuất viện sau 1 tuần. Con tôi như vậy không biết còn bị đe doạ bởi vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng nào khác không, xin bác sĩ tư vấn thêm.

Một bạn đọc

Đáp: Trẻ sinh non (còn gọi là sinh thiếu tháng) khi chào đời dưới 37 tuần tuổi, chia ra ba mức độ: sinh cực non (dưới 28 tuần), sinh rất non (28 đến dưới 32 tuần), và sinh non (32 đến dưới 37 tuần). Trẻ sinh càng non càng dễ tử vong và càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khoẻ trong những ngày đầu sau sinh và nhiều năm sau. Trên toàn thế giới, ít nhất 1 trong 10 trẻ chào đời là trẻ sinh non, với tổng số khoảng 15 triệu trẻ sinh non mỗi năm và con số này vẫn còn tiếp tục tăng.

Trẻ sinh non tuỳ mức độ phải đối mặt với một hay nhiều nguy cơ thường gặp sau đây:

- Cơn ngừng thở kéo dài 20 giây hoặc hơn, thường trong vài ngày đầu sau sinh.

- Suy hô hấp: hay gặp nhất ở trẻ sinh non dưới 34 tuần tuổi, thường ngay sau sinh.

- Xuất huyết não: nguy cơ cao nhất với trẻ sinh non dưới 30 tuần tuổi, thường trong vài ngày đầu sau sinh.

- Còn ống động mạch: do ống động mạch đóng chậm, đa số sẽ đóng tự nhiên không cần điều trị, chỉ khoảng 2% số trẻ sinh non 30 đến dưới 37 tuần còn tồn tại ống động mạch sau 1 tuần.

- Viêm ruột hoại tử: điển hình xảy ra vào tuần thứ 2-3 sau sinh, chủ yếu ở trẻ được nuôi bằng sữa nhân tạo.

- Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non: có thể gây mù loà nếu không được phát hiện và điều trị thành công, xảy ra chủ yếu ở trẻ sinh non dưới 30 tuần, hoặc nhẹ cân dưới 1,5kg, hoặc có yếu tố nguy cơ khác như ngạt sơ sinh, điều trị oxy kéo dài.

- Loạn sản phổi - phế quản: chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh cực non hoặc trẻ sinh non suy hô hấp phải thở máy.

- Nhiễm trùng: do hệ thống miễn dịch non yếu, hay gặp viêm phổi, nhiễm trùng huyết, và viêm màng não.

- Vàng da nặng, thiếu máu.

Trường hợp của cháu là sinh non 35 tuần, cân nặng 2,4kg, nằm lồng ấp một ngày, nuôi bằng sữa mẹ, xuất viện sau một tuần. Như vậy, có thể xem cháu đã tránh được các nguy cơ sức khoẻ nghiêm trọng trong những ngày đầu, nhưng vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ về sau, như còn ống động mạch, bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non, nhiễm trùng, vàng da nặng, thiếu máu.

Các lời khuyên quan trọng nhất đối với cháu bao gồm: nuôi bằng sữa mẹ (giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử), chăm sóc sạch sẽ như rửa tay kỹ trước và sau khi chăm sóc cháu, tránh để cháu tiếp xúc gần với người có bệnh nhiễm trùng (phòng ngừa nhiễm trùng), đưa cháu đi khám sau sinh 1 tháng với bác sĩ chuyên khoa mắt trẻ em (phát hiện bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non) và với bác sĩ tim mạch nhi (loại trừ còn ống động mạch).

Ngoài ra, cháu cũng cần khám trẻ em lành mạnh (đánh giá sức khoẻ tổng quát) và tiêm ngừa đầy đủ theo lịch (phòng tránh một số bệnh nhiễm trùng).

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

 

Tin cùng chuyên mục