Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những quốc gia ăn nhiều thịt nhất thế giới
Chủ nhật: 17:25 ngày 17/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nước phát triển, chủ yếu là phương Tây, có lượng tiêu thụ thịt nhiều nhất thế giới, khoảng 100 đến 150 kg trên người một năm.

Hạn chế ăn thịt đang trở thành một xu hướng, bắt nguồn từ nhu cầu cải thiện sức khỏe, giảm tác động lên môi trường và cả vì quyền lợi của động vật. Một phần ba người Anh khẳng định đã ngừng hoặc giảm bớt khẩu phần thịt, còn ở Mỹ tỷ lệ này cao hơn gấp hai lần. Các phong trào như Meat-free Mondays (thứ hai không thịt), Veganuary (tháng 1 ăn chay) cùng nhiều nghiên cứu, tài liệu và những người nổi tiếng ủng hộ ăn chay đã góp phần thúc đẩy xu thế trên.

Tuy nhiên, theo BBC, lượng tiêu thụ thịt toàn cầu tăng lên nhanh chóng trong 50 năm qua. So với những năm 1960, sản lượng thịt tăng gấp năm lần vào năm 2017, từ 70 triệu lên 330 triệu tấn.

Lý do chủ yếu đến từ việc dân số thế giới tăng hơn gấp đôi, ở mức 3 tỷ lên 7,6 tỷ người. Ngoài ra, thu nhập tăng hơn ba lần trong nửa thế kỷ cũng giúp việc mua thịt trở nên dễ dàng hơn. Thông thường, gia đình càng giàu có càng ăn nhiều thịt.

Ảnh: thepinterest.eu.

Ảnh: thepinterest.eu.

Năm 2013, Mỹ và Australia đứng đầu danh sách các quốc gia tiêu thụ nhiều thịt nhất thế giới, với 100 kg cho mỗi người, tương đương với khối lượng của 50 con gà. Người Tây Âu ăn khoảng 80 đến 90 kg thịt mỗi năm. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2018, nước này ghi nhận mức tiêu thụ thịt gần như cao nhất, bất chấp sự phổ biến của các phong trào ăn chay hoặc giảm ăn thịt. 

Trong khi đó, ở các nước nghèo nhất thế giới, thịt vẫn một món hàng xa xỉ. Cụ thể, ở Ethiopia là 7 kg, Rwanda là 8 kg và Nigeria là 9 kg, thấp hơn 10 lần so với châu Âu.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc hay Brazil dẫn tới nhu cầu về thịt tăng mạnh. Vào những năm 1960, một người Trung Quốc chỉ ăn 5 kg thịt. Sau 20 năm, con số này cao hơn bốn lần và hiện nay là khoảng 60kg. Tuy nhiên, Ấn Độ là một trường hợp ngoại lệ với 4 kg/người, do yếu tố văn hóa và tôn giáo.

Loại thịt tiêu thụ cũng đang thay đổi, ít thịt đỏ hơn (thịt bò và lợn) và nhiều thịt gia cầm hơn. Hiện nay, thịt gia cầm chiếm một nửa lượng tiêu thụ tại Mỹ, so với một phần tư ở những năm 1970.

Ở lượng vừa phải, các sản phẩm từ thịt và sữa nâng cao sức khỏe, đặc biệt là ở các quốc gia thu nhập thấp, nhưng ăn quá nhiều sản phẩm thịt đỏ hoặc qua chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Do đó, sự thay đổi trên là một tín hiệu tích cực cho sức khỏe cũng như môi trường.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục