Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những quyển sách dành cho mùa trẩy hội du xuân
Thứ tư: 15:02 ngày 15/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bên cạnh những nghi lễ tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, có thể nói, “trẩy hội du xuân” là một tục lệ và cũng là một thói quen không thể thiếu trong mỗi dịp xuân về. Đây cũng là mùa lễ hội của hàng loạt các địa phương từ Bắc chí Nam.

Bìa những quyển sách.

Nhân đây, tôi xin giới thiệu đến quý độc giả hai quyển sách, nhằm cung cấp thêm thông tin về những lễ hội truyền thống của dân tộc ta trong mùa du xuân năm nay: “Văn hoá làng Việt Nam qua lễ hội truyền thống” do Vũ Yến biên soạn, Nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin ấn hành. Sách gồm có ba phần: Vài nét về lễ hội truyền thống Việt Nam và lễ hội làng; Một số lễ hội dân gian đặc sắc trong văn hoá làng Việt Nam; Lễ hội làng truyền thống trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Nói đến lễ hội là nói đến sinh hoạt văn hoá cộng đồng của nhân dân ta từ xưa đến nay. Lễ hội chứa đựng những yếu tố văn hoá tinh thần của dân tộc. Hằng năm, cứ vào dịp tết đến xuân về, các địa phương lại tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy những nét đẹp của văn hoá dân tộc mà cha ông đã để lại.

Trong những lễ hội ấy, không thể không kể đến hội Lim ở tỉnh Bắc Ninh, mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Hội này gắn với truyền thuyết về bà Mụ Á- một thành hoàng làng có phép hô mưa gọi gió. Vào ngày hôm đó, có một ông trùm hoặc bà trùm đứng ra làm “cơm quan họ” và chờ hát quan họ tại gia đình mình. Quan họ bạn mặc lễ phục ngày hội, đi thành từng nhóm tới chùa Lim. Ở đây, quan họ chủ và khách vào lễ Phật rồi kéo về gia đình ông trùm tổ chức hát. Hội Lim cũng đã được xác lập kỷ lục guinness Việt Nam với tư cách lễ hội có nhiều người mặc trang phục dân tộc cùng hát dân ca quan họ.

Những ngày du xuân, không thể không kể đến lễ hội chùa Keo ở Thái Bình. Lễ hội được tiến hành mỗi hai năm một lần: hội vui xuân vào ngày mùng 4 tết và hội tổ chức vào tháng chín. Hội vui xuân hằng năm mang tính chất nghi lễ nông nghiệp và thi tài với các trò vui như: thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi ném phao… đồng thời lễ Phật, cầu mong một năm tốt lành.

Hay một lễ hội nổi tiếng không kém vào dịp du xuân là hội Mở mặt – hát đúm tại huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Hải Phòng được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 6 tết, đây được xem là một trong những lễ hội đón xuân tiêu biểu của huyện Thuỷ Nguyên. Hội tết Đống Đa, Tây Sơn – Bình Định là một trong những lễ hội lớn nhất nước trong những ngày đầu xuân, được tổ chức trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5.

Còn rất nhiều lễ hội truyền thống được nhắc đến như: hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Bà Đen (Tây Ninh), Chùa Bà (Bình Dương)… 

*Đình miếu và Lễ hội dân gian miền Nam của tác giả Sơn Nam, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành gồm có bốn phần: Đình miếu và lễ hội dân gian; Lăng ông bà Chiểu và lễ hội văn hoá dân gian; Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam; Người Việt có dân tộc tính không?                                                                

Tết là dịp để mọi người tìm về nguồn cội, thăm viếng ông bà cha mẹ, cũng như thực hiện các nghi thức cúng viếng tổ tiên, thăm đền chùa, đi hái lộc, đi trẩy hội đầu xuân… Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc của những lễ hội văn hoá dân gian, cũng như chưa hiểu rõ các nghi thức cúng bái và những kiêng kỵ trong những ngày đầu xuân. “Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam” là quyển sách góp phần vào việc giới thiệu những di sản văn hoá tinh thần, những lễ hội truyền thống cũng như giới thiệu đến độc giả nguồn gốc của những công trình văn hoá cổ xưa. Sách còn giới thiệu những nghi thức trong ngày giỗ ông bà, ngày hôn lễ… có hướng dẫn cách làm lễ, cách vái lạy sao cho đúng nghi thức.

Sách đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Tây Ninh.

          Yến Nhi

Tin cùng chuyên mục