Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh
Thứ năm: 15:13 ngày 01/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”.

Trong cả ngàn đầu sách đủ thể loại được bày bán trên kệ nhà sách Fahasa Tây Ninh, tôi may mắn tìm được quyển “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” của tiến sĩ Vũ Dương Thuý Ngà.

Sách do NXB Thông Tin Và Truyền Thông phát  hành tháng 5.2017. Cuốn sách này đã được tác giả bổ sung và tái bản nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác, và sự kiện Ðề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ ban hành.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”.

Trong nhiều năm, tiến sĩ Vũ Dương Thuý Ngà, hiện là Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã dành tâm huyết để nghiên cứu, tìm hiểu về tinh thần ham đọc sách và không ngừng tự học của Bác Hồ cũng như một số nhà cách mạng, nhà khoa học lỗi lạc như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Trần Ðại Nghĩa, giáo sư Lương Ðịnh Của, giáo sư Ðào Duy Anh, bác sĩ Tôn Thất Tùng và nhà toán học Hoàng Tuỵ.

Qua gần 250 trang viết, tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý, phác hoạ nên chân dung của những con người xuất chúng trong thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với việc học suốt đời.

Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần một trình bày những nội dung liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo và đọc sách báo như: quan điểm của Người về vai trò, tác dụng của sách báo, về việc tự học; cung cấp cho người xem những thông tin bổ ích, quý giá về các phương pháp đọc sách báo của Bác, cách Bác tự học viết báo, tự học ngoại ngữ, cách Bác sử dụng sức mạnh của báo chí trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách báo... Phần hai khắc hoạ cụ thể cuộc đời và sự nghiệp của những nhà cách mạng, nhà khoa học tiền bối tiêu biểu của Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực xây dựng xã hội học tập. Ðể làm được điều đó, đòi hỏi mọi người dân cần có nhận thức đúng và thực hiện việc tự học, học suốt đời theo chỉ dẫn của Bác Hồ: “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Ðối với Bác, sách báo chính là phương tiện giúp người đọc mở rộng tầm hiểu biết, nhằm nâng cao trình độ và có được những thông tin cần thiết để giải quyết công việc. Người đã từng khẳng định: “Sách là thuốc bổ tinh thần” và là “thuốc chữa tội ngu”. Bác cũng cho rằng, đọc sách báo nhiều khi là một sự nghỉ ngơi, thư giãn tích cực.

Do đó, sinh thời, Bác từng phê phán rất thẳng thắn những cán bộ không chịu dành thời gian đọc sách, đọc báo. Trong bài “Cần phải xem báo Ðảng”, Bác phê phán: “Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Ðảng. Ðó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc có bận thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo”.

Và đối với Bác, cốt lõi của việc đọc sách báo là đem ứng dụng vào thực tiễn. Bác có một câu nói rất nổi tiếng: “Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Và theo Bác: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”. Có thể thấy rằng, tìm hiểu và hệ thống lại những quan điểm chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sách báo, chúng ta một lần nữa có dịp chiêm nghiệm và vững tin vào giá trị trường tồn của sách báo qua mọi thời đại.

Trong lời giới thiệu của cuốn sách, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ không ngừng phát triển, việc nâng cao khả năng tự học, đẩy mạnh việc đọc sẽ làm cho người dân, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện để phát triển trí tuệ, hình thành nên những con người có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc để có thể thích ứng với yêu cầu cuộc sống hiện đại.

Vì vậy, “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” rất đáng để mọi người tìm đọc, qua đó, suy ngẫm và làm theo.

Kim Ngân

Tin cùng chuyên mục