Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những tấm gương nghị lực
Thứ sáu: 00:31 ngày 03/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù gặp nhiều khó khăn vì cơ thể không lành lặn nhưng những con người khuyết tật vẫn nỗ lực vươn lên, lan toả những điều tích cực đến mọi người.

Anh Nguyễn Văn Dũng sửa điện thoại cho khách hàng (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong cộng đồng)

Anh Nguyễn Hữu Danh (sinh năm 1996, ngụ thị trấn huyện Dương Minh Châu) sinh ra trong gia đình khó khăn, không may bị khiếm khuyết về mắt từ khi mới chào đời. Gia đình cố gắng chạy chữa nhưng căn bệnh ngày càng trầm trọng, anh hoàn toàn mất thị lực lúc 6 tuổi, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào sự giúp đỡ của người thân.

Sau khi biết về hoàn cảnh của Danh, các giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã đến nhà, động viên và hướng dẫn anh làm thủ tục đi học. Sợ gia đình lo lắng, anh cố gắng thuyết phục ba mẹ cho mình đi học với suy nghĩ: “Bản thân đã không nhìn thấy gì, không thể cứ thế trở thành một người vô dụng”.

Những ngày đầu bước chân đến trường, anh Danh vui mừng không tả được, cố gắng hoà nhập và tiếp thu những gì thầy cô dạy. Ban đầu nhiều bỡ ngỡ ở môi trường mới, sống xa gia đình, nhớ nhà, anh từng có suy nghĩ muốn bỏ cuộc, nhưng vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình nên cố gắng. Anh Danh bắt đầu tiếp xúc với chữ nổi, dần biết đọc, biết viết, chăm chỉ, nỗ lực vươn lên từng ngày.

Trong anh lúc nào cũng nung nấu mơ ước có được một cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Anh bắt đầu tham gia lớp học massage khiếm thị cơ bản tại cơ sở liên kết với trường ở Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành khoá học, anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước và qua việc làm thêm ở các cơ sở massage khiếm thị trên địa bàn.

Được Hội hỗ trợ nghề của trường trao tặng một số dụng cụ phục vụ cho công việc, anh Danh quyết định mở một cơ sở massage khiếm thị, để có thể kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình và tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh không may như mình.

Những ngày đầu mở cơ sở, anh Danh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được mẹ giúp đỡ, anh vững tâm hơn rất nhiều. Anh phải học cách làm quen với khoảng cách của phòng, các giường và bước đi để di chuyển. Lúc ban đầu, cơ sở không có khách vì chưa được mọi người biết đến, nhưng dần dần, với sự tận tuỵ và tay nghề khá, anh có được những khách quen, gắn bó với cơ sở.

“Tôi có một mong ước là cơ sở của mình sẽ càng ngày càng được mọi người ưa chuộng để có thể mở rộng việc kinh doanh, như vậy mới thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khiếm thị giống mình. Người khuyết tật hoàn toàn có thể sống vui vẻ, yêu đời, không những không là gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn phụ giúp được gia đình”- anh Danh tâm sự.

Ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1986) được biết đến là tấm gương đầy nghị lực. Bị khuyết tật hai chân, không thể đi lại bình thường, nhưng anh đã nỗ lực vươn lên, không ngại khó khăn, gian khổ để học tập, làm việc, tự chăm lo cho bản thân, phụ giúp gia đình.

Là con út trong một gia đình đông anh em, anh Dũng- cũng như bao đứa trẻ khác khi sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ êm đềm, nhưng vừa tròn 2 tuổi, anh bị sốt bại liệt, trở thành người khuyết tật. Những ngày đi học, nhìn thấy bạn bè được chạy nhảy, vui đùa, anh không khỏi chạnh lòng rơi nước mắt. Nhiều lần mặc cảm, tự ti khiến anh có suy nghĩ bỏ học, nhưng không muốn trở thành gánh nặng đối với gia đình, anh quyết tâm vươn lên.

Anh Nguyễn Hữu Danh massage cho khách (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong cộng đồng)

“Tôi chỉ có mong ước là có được một cơ thể khoẻ mạnh như bao người, nhưng số mình không may, cơ thể khiếm khuyết thì phải nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần”- anh Dũng bộc bạch.

Được sự quan tâm từ tổ chức thanh niên tại địa phương và sẻ chia của mọi người, thường xuyên đến thăm, động viên, giúp đỡ, anh Dũng dần tự tin, hoà nhập với cuộc sống. Đi lại bất tiện, anh Dũng chọn học nghề sửa điện thoại từ một người quen. Anh kể: “Thấy tôi nhiệt tình, người ta tạo điều kiện để tôi ở tại cơ sở học sửa điện thoại, có tay nghề, tôi đã có thể tự mưu sinh”.

Vừa sửa chữa điện thoại, anh Dũng vừa đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập. Nhờ tính tình thật thà, hiền lành, chịu khó, anh được một công ty tin cậy, nhận vào làm việc với vị trí giữ kho. Bên cạnh đó, anh còn được hỗ trợ chỗ ở để tiếp tục với công việc sửa điện thoại, cuộc sống nhờ đó cũng dần ổn định hơn. Thu nhập hằng tháng đủ trang trải cuộc sống, dư chút đỉnh thì anh gửi về nhà cho ba mẹ.

Không chỉ nỗ lực vượt qua trở ngại khiếm khuyết, anh Dũng còn tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ thanh niên trên địa bàn xã học sửa chữa điện thoại miễn phí và luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ mọi người xung quanh.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục