Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tỉ lệ năng suất công nghiệp của Việt Nam thua Singapore 26 lần, thua Malaysia 6,5 lần, thua Philippines và Thái Lan 1,5 lần...
Đây là thông tin được Tuổi Trẻ dẫn ra trong một bài phân tích về sự thụt lùi của giáo dục Việt Nam khiến nhiều người giật mình.
Nhưng sẽ không ngạc nhiên với kết quả này khi chúng ta tìm hiểu một nghịch lý khác ở khía cạnh giáo dục từ bậc phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi có nhiều trường nghề đang nỗ lực để tạo nên những bước sải dài, tiếp cận với nền công nghiệp 4.0, vươn ra nước ngoài trong các hợp tác đào tạo, kết nối việc làm, công nghệ tiên tiến, mô hình đào tạo hiện đại thì có nhiều trường đại học tuổi đời dày dặn, từng xếp trong nhóm trường “tốp đầu” lại im ỉm cửa đóng then cài.
Hằng năm vào những kỳ tuyển sinh, trong khi các trường nghề phải đôn đáo lo tìm địa chỉ đầu ra để sẵn sàng “cam kết việc làm” với người học thì nhiều trường “thương hiệu” lại giống như “tháp ngà”. Vì họ biết những thí sinh giỏi sẽ tự chạy đến tìm, người tài gạt đi không hết.
Và vẫn với tư duy kiểu “tháp ngà” ấy, nhiều trường vẫn lấy lý thuyết hàn lâm là thước đo đánh giá đào tạo, không đếm xỉa đến những thay đổi chóng mặt của nhu cầu thị trường lao động.
Sinh viên thất nghiệp, làm trái ngành nghề, phải đào tạo lại là chuyện đương nhiên trong bối cảnh giáo dục này.
Tương tự câu chuyện trên cũng đang diễn ra ở bậc phổ thông. Trong một bối cảnh những trường tư, trường công lập tự chủ chuyển động để tìm một lối đi riêng, trường công lập truyền thống vẫn đi theo những lối mòn, coi các phong trào bề nổi, những điểm số trên giấy của các cuộc thi “chọn gà nòi” làm giá trị cạnh tranh.
Tại Hà Nội, những trường phổ thông như Olympia, Nguyễn Tất Thành chỉ trong vài năm chuyển động đã kiến tạo được các nền móng hợp tác quốc tế.
Các trường đã xây dựng nhiều chương trình chuyển giao học sinh giữa họ với trường nước ngoài để giao lưu học hỏi và cùng tham gia các dự án học tập.
Việc sử dụng chương trình, mô hình, phương pháp dạy học hiện đại của nước ngoài khi xây dựng chương trình giáo dục cho mình đã khiến các trường phổ thông này bứt phá và thẳng bước vào hàng “thương hiệu” trong việc giáo dục toàn diện học sinh, tiệm cận với quan điểm giáo dục quốc tế.
Năm học 2017-2018 này, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội lần đầu tiên áp dụng chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia VN và tú tài Anh Quốc cấp chứng chỉ A- Level với 5 môn hoàn toàn học bằng tiếng Anh: toán, vật lý, hóa học, kinh tế và tiếng Anh.
Sự kiện này được coi như điểm đáng chú ý nhất của Hà Nội trong năm học mới, một bước đột phá về tư duy, nội dung và phương pháp giảng dạy.
Phải dũng cảm bước ra khỏi những “tháp ngà” để chấp nhận một sự cạnh tranh hội nhập thực sự, VN mới có thể rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực.
Thay vì chăm chăm dạy học sinh làm những bài toán tích phân cực khó, cần dạy học sinh biết cách chia sẻ, chung sống và quan trọng hơn, các em còn phải biết các kỹ năng để vươn ra đua tranh với thế giới bên ngoài.
Nguồn TTO