Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những thông tin cần biết về cúm H1N1
Chủ nhật: 17:12 ngày 05/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bệnh cúm nói chung trong đó có cúm H1N1 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa.

Ngày nay một số đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và một số người mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể gặp nguy hiểm ngay cả khi bị nhiễm cúm thông thường.Cúm có nhiều loại khác nhau trong đó có cúm H1N1 và chủng cúm này vẫn được xem là một loại cúm thông thường dù thời gian qua đã gây ra một số trường hợp tử vong tại TP.HCM.

Cúm H1N1 là loại cúm gì?

Hiện có 3 chủng virút cúm là được gọi là cúm A, B và C trong đó cúm A và B là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trong thực tế:

Cúm A thường gặp và là nguyên nhân của nhiều đại dịch lớn trên thế giới.

Cúm B gây bệnh nhẹ hơn và có xu hướng lưu hành cùng với cúm A trong các đợt bùng phát hàng năm.

Cúm C gây bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng giống như cảm lạnh.

Cúm A được phân loại dựa vào kháng nguyên bề mặt của chúng: kháng nguyên H (haemagglutinin) giúp virút đi vào tế bào hô hấp của người bị nhiễm và kháng nguyên N (neuraminidase) giúp phóng thích virus từ các tế bào bị nhiễm virút ra ngoài. Có cả thảy 16 loại H và 9 loại N của chủng cúm A. Khi virút cúm chuyển đổi một trong 2 loại kháng nguyên H và N này thì nó sẽ trở thành một loại khác (hay còn gọi là týp khác). Ví dụ như loại cúm H1N2 khi thay đổi kháng nguyên N2 thành N1 thì sẽ tạo thành loại mới là H1N1 hoặc khi kháng nguyên H1 chuyển thành H5 thì sẽ tạo ra loại mới là H5N2. Như vậy, với khả năng chuyển đổi rất lớn các kháng nguyên H và N, có rất nhiều loại cúm A với tổ hợp H và N khác nhau. Vì có quá nhiều loại cúm A chỉ khác nhau kháng nguyên H và/hoặc N nên thuốc chích ngừa cúm phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với loại cúm A đang hiện diện nhiều nhất. Đây cũng là lý do các thuốc chích ngừa cúm thay đổi hàng năm và các thuốc ở năm trước nếu dùng không hết không thể dùng trong năm kế tiếp. Một số loại cúm nổi tiếng vì khả năng gây bệnh nguy hiểm như, cúm gia cầm H5N1 còn H1N1 cũng đã từng gây nguy hiểm với tên gọi là cúm heo.

 

Cách thức lây truyền của cúm nói chung trong đó có H1N1.

Virút cúm A(H1N1) tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ... hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước như có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 220C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 00C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virút phát triển, nhất là vào  tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virút.

Cúm thường lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp khi người bệnh hít phải virút có trong các luồng khí từ đường hô hấp của người bị cúm khi người đó ho hay hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh như tay dính virút qua bắt tay, sử dụng chung điện thoại, remote tivi… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình.Người mang virút cúm A(H1N1) có khả năng truyền virút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện.

Chẩn đoán bệnh nhiễm cúm H1N1

Chẩn đoán cúm chủ yếu dựa vào triệu chứng và chỉ định danh được chủng cúm bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Các triệu chứng nhiễm cúm chung:

Triệu chứng có thể rất khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm các triệu chứng sau:

- Sốt (nhiệt độ thường cao hơn 380C).

- Nhức đầu và đau cơ.

- Mệt mỏi, biếng ăn.

- Ho và đau họng cũng có thể gặp.

Người bị cúm thường sốt 2 - 5 ngày. Điều này khác với các bệnh do virút khác của đường hô hấp thường hết sốt sau 24 - 48 giờ.Nhiều người bị cúm có sốt và đau cơ và một số người khác có triệu chứng cảm lạnh như chảy mũi và đau họng. Các triệu chứng cúm thường cải thiện sau 2 - 5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu cơ có thể kéo dài hàng tuần. Cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cúm theo bảng sau:

 

Cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai. Viêm phổi hay gặp nhất là tình trạng phổi bị nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và những người sống trong viện dưỡng lão hay có mắc một số bệnh khác như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng đến tim và phổi. Viêm phổi cũng hay xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm.

Xét nghiệm:

- Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:

+ Real time RT-PCR là xét nghiệm xác định virút cúm A (H1N1). Bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản (lấy càng sớm càng tốt).

+ Nuôi cấy virút: thực hiện ở những nơi có điều kiện.

- Công thức máu: số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.

- X-quang phổi: có thể có biểu hiện của viêm phổi không điển hình.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Trường hợp nghi ngờ: có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp.

Trường hợp xác định đã mắc bệnh: có biểu hiện lâm sàng cúm và xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm virus cúm A (H1N1).

Người lành mang virút: không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1).

Điều trị và phòng ngừa bệnh cúm H1N1

Điều trị cúm:

Hầu hết bệnh nhân bị cúm tự hết sau 1 - 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Nên liên hệ đi khám để được đánh giá đầy đủ khi:

- Cảm thấy khó thở.

- Cảm thấy đau hay đè ép lồng ngực hay bao tử.

- Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt khi đứng hay không đi tiểu.

- Thấy lơ mơ.

- Nôn liên tục hay không thể uống đủ nước.

Ở trẻ em, nếu có một trong các triệu chứng trên hay nếu trẻ có biểu hiện sau thì nên đi khám:

- Da xanh tái.

- Bứt rứt nhiều.

- Khóc không có nước mắt (sơ sinh).

- Sốt kèm nổi ban.

- Đánh thức không dễ dàng.

 

Có nhiều nhóm người có nguy cơ biến chứng cao như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (< 5 tuổi và đặc biệt < 2 tuổi), người có bệnh mạn tính như bệnh phổi mạn (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng) và một số các bệnh khác. Nếu bạn và con/cháu bạn có triệu chứng cúm và thuộc nhóm có nguy cơ biến chứng cao thì nên gặp nhân viên y tế để được tư vấn kịp thời.

Điều trị triệu chứng: điều trị triệu chứng cúm giúp bạn cảm thấy khỏe hơn nhưng không thể giúp bệnh cúm hết nhanh hơn. Nghỉ ngơi cho đến khi bình phục hoàn toàn; đặc biệt khi bệnh nặng. Uống đủ nước để không bị mất nước. Một cách để xem mình đã uống đủ nước chưa là xem màu sắc của nước tiểu. Nước tiểu bình thường có màu trắng (không màu) hay màu vàng lợt. Nếu uống đủ nước thì bạn sẽ đi tiểu mỗi 3 - 5 giờ một lần.

Điều trị bằng thuốc:

Acetaminophen (còn gọi là paracetamol) có thể hạ sốt, giảm nhức đầu và đau cơ. Aspirin cũng có thể giảm đau và hạ sốt nhưng không được khuyên dùng phổ biến vì nhiều tác dụng phụ.

Thuốc ho thường ít khi có ích và ho thường tự hết mà không cần điều trị. Không nên dùng thuốc ho và thuốc cảm cho trẻ dưới 6 tuổi.

Thuốc chống virút có thể được dùng để điều trị hay phòng ngừa cúm, tuy nhiên thuốc này không phổ biến ở nước ta và thường chỉ được dùng trong mùa dịch. Phần lớn người mắc cúm không cần phải sử dụng đến thuốc này mà chỉ những người có triệu chứng nặng hay có nguy cơ bị biến chứng cao mới được bác sĩ chỉ định dùng thuốc này. Các thuốc chống virút cúm bao gồm oseltamivir (Tamiflu®) và zanamivir (Relenza®). Thuốc chống virút có hiệu quả nhất khi dùng trong 48 giờ đầu. Theo phác đồ của Bộ Y tế, cách sử dụng thuốc như sau:

Oseltamivir (Tamiflu):

Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

Trẻ em từ 1 - 13 tuổi: dùng dung dịch uống tuỳ theo trọng lượng cơ thể:

<15 kg: 30 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

16 - 23kg: 45mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

24 - 40kg: 60mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

> 40kg: 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

Trẻ em dưới 12 tháng:

< 3 tháng: 12mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

3 - 5 tháng: 20mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

6 - 11 tháng: 25mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

Zanamivir: dạng hít định liều. Sử dụng trong các trường hợp: không có oseltamivir, trường hợp chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir.

Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 2 lần xịt 5mg x 2 lần/ngày.

Trẻ em: Từ 5 - 7 tuổi: 2 lần xịt 5mg x 1 lần/ngày.

Trường hợp nặng có thể kết hợp oseltamivir và zanamivir.

Trường hợp đáp ứng chậm với thuốc kháng virút: thời gian điều trị có thể kéo dài đến khi xét nghiệm hết virút.

Cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

Kháng sinh không phải là thuốc dùng để chữa bệnh do virút như cúm. Kháng sinh chỉ nên dùng khi có biến chứng nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tai hay viêm xoang. Dùng kháng sinh không đúng có thể gây hại như bị tác dụng phụ của thuốc và tạo ra vi trùng kháng thuốc.

Các điều trị khác tây y - Có nhiều cách điều trị cúm ngoài tây y như sử dụng cây cỏ, đông y, gia truyền... Tuy nhiên vì chưa có các nghiên cứu hợp lý nên khó đánh giá hiệu quả cũng như tính an toàn của các phương pháp điều trị này.

Lưu ý: việc điều trị phải tuân thủ chỉ định của thầy thuốc; bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không tự ý điều trị, sử dụng thuốc.

 

Chích ngừa cảm cúm:

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là chích ngừa. Người đã chích ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa chích ngừa. Hiện tại thuốc chích ngừa cúm đang lưu hành là thuốc được WHO khuyến cáo cho mùa cúm 2018 ở Nam bán cầu bao gồm các 3 chủng như sau: cúm A (H1N1), cúm A (H3N2) và cúm B (Phuket/3073/2013) nên ngừa ngừa được cúm A (H1N1).

Thời điểm chích ngừa: vì chủng virút cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần chích ngừa cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Nên chích càng sớm càng tốt khi có vắcxin của năm đó. Ở bắc bán cầu, cúm thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 4 còn ở nam bán cầu thì mùa cúm là từ tháng 5 đến tháng 10. Ở miền nhiệt đới thì cúm có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Trẻ em phải chích 2 mũi khi tiêm lần đầu. Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm chích mỗi năm một mũi.

Hiệu quả: người chích ngừa cúm sẽ tạo ra kháng thể (chất bảo vệ) chống lại virút khi họ bị nhiễm. Cần khoảng 2 tuần để tạo ra kháng thể này và khả năng bảo vệ là 50 - 80% (tức 50 - 80% người chích sẽ không bị cúm sau khi chích).

Ai cần chích ngừa cúm? Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm. Những đối tượng sau càng cần phải chích ngừa hơn:

- Người lớn từ 50 tuổi trở lên.

- Người sống ở nhà dưỡng lão.

- Người có bệnh tim phổi mạn tính bao gồm trẻ bị hen suyễn.

- Người lớn hay trẻ em bị các bệnh tiểu đường hay thận mạn tính.

- Người lớn hay trẻ em bị nhiễm HIV hay được ghép tạng.

- Trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi phải dùng aspirin lâu ngày.

- Phụ nữ có thai trong giai đoạn có mùa cúm.

- Những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như nhân viên y tế, người sống chung với người có nguy cơ bị biến chứng do cúm cao.

Ai không nên chích ngừa cúm? người dị ứng nặng với vắcxin, người đang mắc bệnh cấp tính nặng, người có tiền căn Guillain-Barre trong vòng 6 tuần sau khi chích vắcxin trước đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Cúm H1N1 là bệnh do virút rất phổ biến và dễ mắc đối với mọi người. Tuy phần lớn người mắc cúm là nhẹ và tự khỏi nhưng cũng có nhiều đối tượng sẽ gặp nguy hiểm khi mắc cúm. Việc chẩn đoán bệnh cúm chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng (sốt, ho, đau nhức mình mẩy) nhưng trong những đợt dịch cúm có thể cần dùng đến xét nghiệm để chẩn đoán. Điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng (paracetamol) và bồi bổ cơ thể còn thuốc chống virút chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt. Vì cúm rất dễ lây nên biện pháp phòng ngừa là tránh tiếp xúc với người bệnh và giữ vệ sinh bản thân cho tốt. Chích ngừa cúm cũng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho tất cả mọi người vì thuốc chích ngừa cúm an toàn và hiệu quả.

Cách hạn chế lây lan

Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước có thể hạn chế lây truyền cúm. Có thể dùng các loại nước sát trùng thay thế. Khi bị cúm hay chăm sóc người bị cúm thì nên rửa tay thường xuyên hơn.

Mang khẩu trang hoặc dùng khăn giấy (che cả miệng lẫn mũi) khi ho hay hắt hơi và bỏ giấy này ngay sau khi sử dụng. Có thể ho và hắt hơi vào tay áo để không làm nhiễm bẩn tay cũng là cách hạn chế lây lan.

Tránh để mắt, mũi và miệng tiếp xúc với mầm bệnh (từ tay nhiễm bẩn).

Tránh tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh.

Nếu bạn bị bệnh giống cúm, nên ở nhà ít nhất đến 24 giờ sau khi hết sốt trừ khi phải đi đến nơi khác khi cần thiết.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh