Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những trầm tích thời gian dưới nền chùa Kà Tum cũ
Chủ nhật: 14:24 ngày 03/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chùa Kà Tum trước đây đã thực sự lui vào dĩ vãng. Nhưng nền xưa vẫn còn đó, nó vẫn được giữ gìn như một chứng nhân của lịch sử bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng oanh liệt của mảnh đất này.

Hiện nay toàn tỉnh Tây Ninh có tổng cộng sáu ngôi chùa Nam tông Khmer, trong đó huyện Tân Châu có một chùa duy nhất còn tồn tại, đó là chùa Kiri Sattray Menchey ở ấp Kà Ốt xã Tân Đông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi đã xác định được nền chùa Kà Tum cũ, và nền móng này vẫn được người dân ấp Đông Thành (xã Tân Đông) bảo quản giữ gìn khá cẩn thận. Đây không những là dấu tích của cơ sở văn hóa tâm linh mà còn là bằng chứng còn sót lại của một thời khói lửa chiến tranh.

Nền chùa cũ tại ấp Đông Thành, xã Tân Đông.

Như chúng ta đã biết, hiện nay Kà Tum không còn tồn tại trong địa danh hành chính. Nhưng xã Tân Đông bây giờ trước đây từng được gọi là xã Kà Tum. Nói về Kà Tum, xưa đây vốn là một xã rất rộng lớn, diện tích tự nhiên bao gồm cả một khu vực như Tân Đông, Tân Hà, Suối Ngô và Tân Hội ngày nay.

Theo tài liệu của BCH huyện Đảng bộ Tân Biên, Kà Tum trước đây có tổng cộng 16 phum đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Điều đó chứng tỏ rằng Kà Tum vốn là vùng đất mà người dân Khmer định cư từ rất lâu đời. Chính vì tính truyền thống của bản sắc văn hóa Khmer mà sự hiện diện của ngôi chùa ở vùng đất trung tâm xã là hết sức cần thiết. Cũng vì lẽ đó mà chùa Kà Tum cũ tồn tại hơn trăm năm trước ở vị trí ấp Đông Thành là vấn đề hết sức hợp lý.

Trở lại một chút lịch sử, vào tháng 7.1963, Mỹ cho đổ quân bằng trực thăng xuống Kà Tum, bắn xối xả vào ngôi chùa ở đây làm chết 6 người dân Khmer. Tháng 8.1963 du kích Kà Tum đánh chiếm được đồn Kà Tum từ tay địch và truy quét nhiều biệt kích. Và kể từ sau 1963, Kà Tum thực sự trở thành một trong những tiền đồn làm vỏ bọc vững chắc bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục và Quân uỷ miền Nam.

Cũng vì tính chất đặc biệt quan trọng của xã Kà Tum mà nơi này trở thành điểm oanh tạc rất dữ dội của địch, đặc biệt là trong chiến dịch Junction City mùa khô 1967. Tài liệu 30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975) cho biết: “Trên lộ 4 biên giới Kà Tum đêm 21.2.1967, địch dùng hàng chục phi vụ B52 trút bom xuống căn cứ thứ hai Tà Bét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân… Lúc 9 giờ ngày 22.2.1967 trong khi máy bay quần rà nhiều tầng nhiều lớp để yểm trợ cho C130 chuẩn bị đổ quân tại đồng trống Tà Bét, bất ngờ bị lưới bủa phòng không tầm thấp và vũ khí du kích đan xen bắn rớt tại chỗ nhiều máy bay C130 và trực thăng, riêng du kích Kà Tum bắn rơi hai chiếc…”.

Chỉ cần lược sử bao nhiêu đó thôi cũng đủ để chúng ta hình dung mặt trận Kà Tum trong chiến tranh chống Mỹ nói chung và chiến dịch Junction City là ác liệt đến mức nào. Mảnh đất này chịu bom đạn tàn phá là không hề nhỏ, trong đó có cả nơi ngự trị của các đấng thần phật, chính là ngôi chùa Kà Tum xưa.

Chúng tôi đến ấp Đông Thành trò chuyện với bà con ở đây, ai cũng tỏ thái độ hết sức sùng kính với nền ngôi chùa Kà Tum cũ này. Một người cao tuổi cho biết chùa có từ hơn trăm năm trước và bị sập hoàn toàn do bom đạn từ năm 1967 - 1968. Hiện nơi này hoàn toàn không còn một kiến trúc nào, chỉ còn duy nhất một nền đất theo trục Đông - Tây cao khoảng 1m so với mặt đường. Chiều ngang khoảng 7m, chiều dài khoảng hơn 10m. Trên nền có một miếu Quan Âm nhỏ và lệch hướng Đông Nam có một miếu thờ Neakta. Cả hai ngôi miếu này đều mới xây sau này. Nhưng có một điều lạ là ngôi chùa đã bị hủy hoại hơn nửa thế kỷ, và hiện nay ấp Đông Thành cũng không còn bà con Khmer sống tập trung nữa, nhưng nền đất chùa này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt một cách linh thiêng.

Trở lại một chút với văn hóa Khmer. Như ta đã biết, đối với bà con Khmer, ngôi chùa luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh. Chùa không chỉ có chức năng là cơ sở thờ tự mà còn là nhà trường để học tập, học nghề, tu báo hiếu, là nơi sinh hoạt văn hóa kết nối cộng đồng. Chính vì vậy mà ngôi chùa đối với bà con Khmer là hết sức linh thiêng và tôn quý. Điều này thể hiện rất rõ trong lễ Sây ma cho ngôi chánh điện.

Lễ Sây ma chính là lễ đặt đá làm ranh giới xung quanh ngôi chánh điện. Đây là một nghi lễ có từ lâu đời, bất kỳ ngôi chùa nào chưa làm lễ Sây ma thì coi như chưa phải là chùa. Vì chưa có ranh giới tu hành – sư sãi dù mặc áo cà sa cũng không tu thành chánh quả vì không được Phật chứng giám. Trong lễ Sây ma, người ta đào 8 cái hố bao gồm một hố trước bàn thờ Phật, một hố trước cửa chánh điện và hai bên vách mỗi bên 3 hố. Trên mỗi miệng hố có treo một Rễ Sây ma làm từ viên đá, trên có khắc ngày tháng khánh thành chánh điện và lời kinh, phù chú…

Ở 8 cái hố này có 8 vị sư ngồi đọc kinh cầu an. Lễ Sây ma được cử hành vào sáng sớm ngày thứ nhất do một vị sư thông thạo kinh luật đảm nhiệm. Nhiều ngày trước lễ, bà con phật tử từ các nơi tập trung về rất đông xung quanh khu chánh điện để làm phước như góp tiền mua vật dụng giúp đỡ nhà chùa và sư sãi.

Đối với người Khmer nghi lễ Kết giới sây ma rất quan trọng và thiêng liêng. Người đến cúng lễ thường bỏ vào hố một vật gì đó như vàng bạc, gương lược, son phấn, sách vở… để mong cầu cho mơ ước kiếp sau của mình, và đồng thời được sư chúc phúc cho kiếp hiện tiền được tinh tấn mạnh khỏe hạnh phúc.

Lễ này thường diễn ra trong ba ngày, đến khuya đêm cuối cùng thì các sư tập trung lên chánh điện dưới sự chỉ dẫn của hòa thượng cùng đọc kinh quy định kết giới cho các hố. Sau 3 hồi trống các vị achar ngồi ở 8 miệng hố cắt dây cho Rễ sây ma rơi xuống đáy hố. Sau đó người ta lấp tất cả hố và không để lại một dấu vết gì. Ngôi chùa nào đã làm kết giới Sây ma rồi thì coi như đó là ranh giới tu hành linh thiêng tuyệt đối. Cho dù sau này ngôi chánh điện có bị hư hoại, phải xây cất lại cũng không phải thực hiện lại nghi lễ này thêm lần nữa…

Chính vì yếu tố linh thiêng và hết sức trang trọng này mà nền chùa cũ dù có như thế nào đi nữa cũng không ai dám phá phách hay làm nhà cửa gì khác chồng lên. Vấn đề nền chùa Kà Tum của Tân Châu không khác gì chùa cũ của Sóc Thiết – Tân Biên.

Có thể khẳng định một điều, ngôi chùa và việc cúng chùa là hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Ngày nay Tân Đông là xã biên giới có điều kiện phát triển rất tốt. Bà con Khmer không sống phân tán nhỏ lẻ như xưa mà tập trung thành 3 ấp lớn, đó là Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm.

Chùa Kà Ốt là một ngôi chùa đẹp, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của bà con trong địa bàn xã. Hiện nay, chùa cũng đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục kiến trúc tháp cốt và tôn tạo các tượng thần Phật. Chùa Kà Tum trước đây đã thực sự lui vào dĩ vãng. Nhưng nền xưa vẫn còn đó, nó vẫn được giữ gìn như một chứng nhân của lịch sử bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng oanh liệt của mảnh đất này.

ĐÀO THÁI SƠN

Tin cùng chuyên mục