Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Những trường hợp sẽ phải dừng dịch vụ ngân hàng điện tử từ 1/7 tới
Thứ ba: 16:55 ngày 27/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tài khoản ngân hàng của khách hàng tổ chức sẽ chỉ được tiếp tục giao dịch rút tiền tại máy ATM hay thanh toán trực tuyến khi đã thực hiện đối chiếu sinh trắc học của người đại diện hợp pháp.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/7/2025, các khách hàng tổ chức chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp.

Để đảm bảo tuân thủ quy định này và tránh gián đoạn dịch vụ, các ngân hàng đã phát đi thông báo khuyến nghị khách hàng thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp. Việc cập nhật có thể được thực hiện trực tiếp trên ứng dụng ngân hàng hoặc tại các chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng.

Khách hàng tổ chức sẽ phải thực hiện đối chiếu sinh trắc học để có thể giao dịch ngân hàng điện tử kể từ ngày 1/7/2025

Cụ thể, đối với khách hàng tổ chức, việc xác thực phải đảm bảo khớp đúng giữa giấy tờ tùy thân và dữ liệu sinh trắc học của người đại diện hợp pháp.

Việc xác thực có thể được thực hiện thông qua dữ liệu sinh trắc học lưu trên thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, hoặc dữ liệu sinh trắc học được thu thập trực tiếp trong một số trường hợp đặc biệt (như người nước ngoài, người gốc Việt chưa rõ quốc tịch).

Sau ngày 1/7, nếu chưa hoàn tất đối chiếu, khách hàng tổ chức sẽ không thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ thanh toán và rút tiền qua các kênh điện tử.

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không nên chờ tới sát thời điểm 1/7/2025 mới thực hiện, nhằm tránh quá tải hệ thống hoặc các sự cố không mong muốn gây ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Việc đối chiếu thông tin giấy tờ và sinh trắc học không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là biện pháp giúp tăng cường an toàn, bảo mật trong các giao dịch điện tử.

Trước đó, kể từ ngày 1/1/2025, các tài khoản ngân hàng, ví điện tử và tài khoản chứng khoán của khách hàng cá nhân cũng bị tạm ngừng giao dịch nếu chưa hoàn tất xác thực thông tin sinh trắc học.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 11/4/2025, toàn ngành ngân hàng đã hoàn tất đối chiếu sinh trắc học cho hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân thông qua căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng định danh VNeID, tương đương hơn 92% tổng số tài khoản thanh toán cá nhân có phát sinh giao dịch trên các kênh số.

Với nhóm khách hàng tổ chức, đã có trên 530.000 hồ sơ được xác thực thông tin sinh trắc học, chiếm khoảng 41% tổng lượng tài khoản tổ chức đang thực hiện giao dịch trên nền tảng số.

Cùng với đó, khoảng 20,9 triệu khách hàng sử dụng ví điện tử cũng đã hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip thông qua ứng dụng của các đơn vị cung cấp ví, đạt tỷ lệ 73,15% trên tổng số ví điện tử đang hoạt động.

Xác thực sinh trắc học là một trong những công cụ xác thực tiên tiến nhất hiện nay để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, gian lận trong giao dịch ngân hàng điện tử. Dù vậy, trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh, mức độ phức tạp của deepfake ngày càng cao, việc khách hàng phân biệt nội dung thật - giả sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, dữ liệu sinh trắc học cũng có thể dễ bị giả mạo hơn.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân hãy luôn cảnh giác với dữ liệu cá nhân khi đưa lên môi trường trực tuyến. Thường xuyên cập nhật mật khẩu và sử dụng xác thực nhiều lớp có thể tạo thêm tầng bảo mật; đồng thời luôn tìm hiểu và cập nhật thông tin về các xu hướng gian lận mới để ngăn chặn lừa đảo…

Nguồn ANTD.VN

Xem link gốc
Tin cùng chuyên mục