Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Qua bàn tay tài hoa của người thợ, những hòn đá vô tri vô giác bỗng trở thành các pho tượng, linh vật uy nghi hoặc những vật dụng gia đình vô cùng chắc chắn.
Sinh ra và lớn lên ở một làng nghề chuyên nghề điêu khắc đá ở TP. Đà Nẵng, từ khi còn nhỏ, anh Nguyễn Văn Bảy (sinh năm 1971) đã học và thành thạo nghề điêu khắc đá. Hơn 10 năm trước, anh vào Tây Ninh làm việc cho một cơ sở chế tác đá núi ở khu phố Ninh Nghĩa, phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh. Tại cơ sở này, anh cùng với một số đồng nghiệp đã điêu khắc những pho tượng Phật Di Lặc và nhiều tượng La Hán, được một ngôi chùa lớn trong tỉnh mua về thờ cúng.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề trên vùng đất mới, người thợ này nhận thấy ở Tây Ninh có nguồn nguyên liệu đá núi dồi dào, có thể chế tác được nhiều tác phẩm đẹp. Nghề điêu khắc tượng và sản xuất các sản phẩm từ đá núi ở Tây Ninh còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ những sản phẩm từ đá đang có xu hướng phát triển mạnh. Từ đó, anh đầu tư mở cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ khá quy mô ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu.
Hiện nay, cơ sở của anh Bảy có hơn 10 nhân công chuyên điêu khắc các mặt hàng bằng đá mỹ nghệ, chân dung, tượng Phật, tượng Chúa theo yêu cầu của khách hàng; sản xuất bàn ghế, chân tán nhà gỗ, bia mộ từ đá xanh Tây Ninh.
Ngoài ra, anh Bảy còn mua nhiều tượng Phật, tượng thú như tỳ hưu, sư tử, đài phun nước từ Đà Nẵng về bày bán tại cơ sở. Anh Bảy cho biết: “Tôi đang điêu khắc một tượng phật bà Quan Âm bằng đá núi Tây Ninh, mới xong công đoạn phác thảo trên đá. Những ngày tới sẽ bắt tay vào điêu khắc chi tiết”.
Ngoài cơ sở sản xuất kể trên, Tây Ninh còn nhiều cơ sở khác chuyên sản xuất vật dụng gia đình như bàn ghế, tượng Phật, tượng thú, lục bình, hàng rào v.v… Tất cả đều được sản xuất từ nguyên liệu đá núi Bà Đen.
Tượng Phật Di Lặc cơ bản đã hoàn thành.
Một số tượng trưng bày tại cơ sở của anh Bảy.
Cặp lục bình bằng đá.
Chân tán nhà gỗ.
Đôi thiềm thừ.
Rùa đá
Nhân công cưa xẻ đá.
Những bộ bàn ghế đá thành phẩm.
Đại Dương