Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những vấn đề định hình thế giới năm 2020
Thứ tư: 08:49 ngày 01/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bầu cử tổng thống Mỹ, Trump bị xem xét bãi nhiệm hay căng thẳng hạt nhân Triều Tiên được dự đoán là những vấn đề nóng của năm 2020.

Thế giới vừa trải qua năm 2019 với nhiều biến động liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình hình bán đảo Triều Tiên, với tâm điểm là những chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới quan sát cho rằng những vấn đề này sẽ tiếp tục được chú ý trong năm 2020, thời điểm tương lai chính trị của Trump được định đoạt bằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Quá trình xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump sẽ là tâm điểm chú ý của dư luận vào những tháng đầu tiên của năm 2020 và có thể khiến chính trường Mỹ rơi vào tình thế chia rẽ khi quốc hội công bố phán quyết có phế truất Trump hay không.

Nó có thể thu hút năng lượng chính trị của Trump khỏi những vấn đề khác, dẫn tới tình trạng tê liệt đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Chẳng hạn, Trump sẽ không thể rảnh tay để thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, đẩy nhanh thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên hay thỏa thuận hạt nhân sửa đổi với Iran.

Khi Trump bị cuốn vào cơn bão này, các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc hay Nga có thể trở nên quyết đoán hơn trong những lĩnh vực mà họ cho là "lợi ích cốt lõi", khiến căng thẳng quốc tế tăng lên tương ứng.

Tuy nhiên, quá trình xem xét bãi nhiệm cũng có khả năng khiến Trump quyết liệt hơn trong chính sách đối ngoại nhằm đẩy sự chú ý của dư luận ra nước ngoài, qua đó khẳng định lại vị thế toàn cầu của mình. Trump không ít lần cho thấy ông là người luôn có những hành động bất ngờ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Đối mặt với áp lực gia tăng, Tổng thống Mỹ có thể tăng sức ép quân sự lên Iran hoặc leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm thể hiện sự cứng rắn.

Phiên xử xem xét bãi nhiệm Trump có thể được tổ chức ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2020 và nó được dự đoán là sẽ sớm kết thúc, khi đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện và nhiều khả năng sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào bất lợi cho Trump.

Khi cơn bão xem xét bãi nhiệm lắng xuống, nước Mỹ ngay sau đó sẽ bước vào giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Trong ba năm qua, Trump đã tạo ra rất nhiều thay đổi đối với trật tự quốc tế, vì vậy tương lai chính trị của ông có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu Trump tái đắc cử, ông có thể mang đến thay đổi lớn hơn cho hệ thống toàn cầu trong bốn năm tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Baltimore, Maryland, ngày 12/9. Ảnh: Reuters.

Hệ thống toàn cầu này không chỉ thay đổi vì những quyết định của Trump và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, mà còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga và các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Arab Saudi.

Châu Âu trong năm 2020 sẽ phải dồn hết tâm trí cho Brexit sau khi cử tri Anh đặt niềm tin vào Boris Johnson, người quyết tâm đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Vùng Vịnh đang chứng kiến căng thẳng leo thang giữa Iran và các láng giềng, khiến xung đột khu vực có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, những đồng minh chính của Mỹ như các nước G7, Australia và Hàn Quốc, hiện thiếu khả năng hoặc không sẵn sàng duy trì trật tự thế giới tự do nếu như Mỹ vắng mặt. Ở hầu hết những quốc gia kể trên, các thách thức chính trị nghiêm trọng trong nước sẽ ngăn họ đảm nhận vai trò lãnh đạo tập thể toàn cầu.

Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ gây sứt mẻ kiến trúc an ninh quốc tế, khi các mâu thuẫn khu vực không được giải quyết. Trong dài hạn, trật tự thế giới tự do có khả năng thay đổi dần dần bởi những mô hình trật tự đối thủ được Trung Quốc và các cường quốc khác thúc đẩy, khi thế giới ngày càng trở nên đa cực.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm sau, ngay cả khi Trump bị đánh bại và một tổng thống theo chủ trương "toàn cầu hóa" lên lãnh đạo nước Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ thương mại chưa thể ngay lập tức biến mất.

Tổng thống mới của Mỹ cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong nỗ lực tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ và củng cố trật tự thế giới tự do bởi ảnh hưởng ngày càng tăng từ các cường quốc đối thủ. Vì vậy, việc Trump rời Nhà Trắng sẽ không thể khiến thời kỳ "tiền Trump" trở lại.

Giới chuyên gia cho rằng Washington và Bắc Kinh sẽ không thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện trước cuộc bầu cử tháng 11/2020 của Mỹ. Thay vào đó, đây sẽ là trọng tâm xử lý trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo (2021-2025). Các nhà lập pháp Mỹ sẽ có nhiều không gian để hành động hơn sau cuộc bầu cử và với những áp lực kinh tế lớn mà Trung Quốc đang phải chịu, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thích một thỏa thuận mới hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 25/10. Ảnh: Reuters.

Chiến tranh thương mại kéo dài sẽ gây áp lực lớn về kinh tế và chính trị đối với Trung Quốc, quốc gia vốn đã đối mặt với nhiều thách thức lớn trong năm 2019, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và phong trào biểu tình bùng phát ở Hong Kong nửa cuối năm qua.

Trung Quốc năm qua cũng đối mặt với các cáo buộc về việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, khiến dư luận quốc tế quan tâm. Sang năm 2020, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những chỉ trích lớn hơn và có thể là các biện pháp trừng phạt mới từ Mỹ.

Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng cũng đang gặp trở ngại bởi nhiều nước lo sợ bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Cuối cùng, việc Mỹ năm nay rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF) ký với Nga rõ ràng là nhằm tạo điều kiện để Washington phát triển và triển khai những tên lửa mới ở châu Á, vốn bị Bắc Kinh coi là mối đe dọa.

Năm 2020, mối quan tâm của thế giới đối với vấn đề vũ khí hạt nhân được dự báo tiếp tục gia tăng.

Việc Mỹ rút khỏi INF hồi tháng 8 cho thấy chính quyền Trump không coi trọng các hiệp ước kiểm soát vũ khí song phương. INF cấm Mỹ và Nga phát triển và triển khai các tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km, qua đó giúp giảm căng thẳng ở châu Âu, mở đường cho kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Dù Trump cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận, ông dường như rút khỏi INF vì nó không bao gồm Trung Quốc, nước đã phát triển lực lượng tên lửa tầm trung đáng gờm trong hai thập kỷ qua. Sau khi thoát khỏi các ràng buộc của INF, Mỹ nhiều khả năng sẽ triển khai tên lửa tầm trung mới ở châu Âu và châu Á. Ngay cả khi không mang đầu đạn hạt nhân, các tên lửa này cũng sẽ làm leo thang đáng kể căng thẳng.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm qua lâm vào ngõ cụt dù lãnh đạo hai nước đã gặp nhau ba lần. Giới quan sát đánh giá hai bên năm 2020 có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân hạn chế, trong đó Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cánh cửa này đang hẹp dần lại vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và quá trình xem xét bãi nhiệm Trump.

Rủi ro lớn nhất nằm ở khả năng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ áp dụng chiến lược bên miệng hố chiến tranh, nối lại thử nghiệm tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân sau hai năm tạm lắng. Đây sẽ là nỗi xấu hổ đối với Trump, người luôn đề cập tới việc Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa như thành tựu chính sách đối ngoại của mình. Để đáp trả, Trump có thể siết chặt lệnh trừng phạt, thậm chí tính tới biện pháp quân sự, làm tăng nguy cơ xung đột.

Năm 2020, thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu Tehran cho rằng họ không còn lợi ích gì trong việc tuân thủ nó. Kinh tế Iran đang chao đảo vì các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và căng thẳng được cho là vẫn sẽ giữ ở mức cao tại Vùng Vịnh.

Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran cũng chưa thể lập tức phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nỗi lo sợ về viễn cảnh này có thể thúc đẩy Israel hoặc Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran.

Với châu Mỹ Latin, 2019 là một năm đầy hỗn loạn, với cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Venezuela, phong trào biểu tình ở Bolivia khiến tổng thống Evo Morales mất chức hay các cuộc biểu tình phản đối tăng giá tàu điện ở Chile.

James Bosworth, sáng lập viên tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Hxagon, cho rằng nguồn cơn của những bất ổn tại châu Mỹ Latin năm qua xuất phát từ nỗi bất bình của người dân với hệ thống chính trị, do tình trạng tham nhũng và những bất bình đẳng trong xã hội, trong khi kinh tế ngày một khó khăn.

"Gần như mọi quốc gia ở châu Mỹ Latin đều tiềm ẩn những vấn đề này và có thể khiến biểu tình bùng phát trong năm 2020", Bosworth nhận định.

Nhìn chung, 2020 được dự báo sẽ là một năm nhiều biến động với những sự kiện lớn được mong chờ, trong đó, bầu cử tổng thống Mỹ sẽ là "cuộc đua chính trị kịch tính nhất", Daniel Franklin, bình luận viên ngoại giao tại tạp chí Economist, đánh giá.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cưỡi ngựa trên núi Paektu trong bức ảnh do KCNA công bố ngày 16/10. Ảnh: KCNA/Reuters.

Nguồn VNE (Theo Fitch Solutions)

Tin cùng chuyên mục