Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những viên gạch cổ thành Săng-đá
Thứ tư: 06:22 ngày 03/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những viên gạch cổ thành Săng-đá sau thời gian trên dưới 100 năm đã lại bắt đầu có một đời sống khác tại địa chỉ số 39, đường Phan Châu Trinh, phường 1, thành phố Tây Ninh. Xa hơn nữa, tới hơn 1.000 năm trước, trên miền đất này từng có loại gạch mà các cộng đồng cư dân cổ xưa từng xây đền tháp như tháp Chót Mạt (huyện Tân Biên) tháp Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng).

Ngôi nhà được xây dựng từ gạch cổ thành Săng-đá.

Năm 2017, Tây Ninh có một sự kiện chưa có tiền lệ, một ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đấy là ngôi nhà cổ của Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên- ngôi nhà được xây dựng hoàn thành vào tháng 1.1894.

Có thể nói đây chính là kiến trúc nhà cổ duy nhất còn tới ngày nay sau 123 năm đứng trên mặt đất. Ngôi nhà vẫn còn hầu như nguyên gốc, với hệ thống cột rường gỗ xưa, chạm khắc cầu kỳ ở nhiều bộ phận. Hai bức tường hồi xây gạch, nền lát gạch cổ hình lục giác, mái lợp ngói móc đã ngả màu nâu sậm vì thời gian.

Nhà cổ ở số 39, Phan Châu Trinh thì nhiều người đã biết. Nhưng gây sự ngạc nhiên cho nhiều người lại là ngôi nhà mới được xây nên ở phía sau khu nhà cổ (sau đây xin gọi là nhà mới).

Ngạc nhiên vì vẻ đẹp mộc mạc và thuần khiết của nó. Dường như tất cả chỉ một gam màu vàng nâu của đất, điểm trang thêm đôi chỗ gắn lan can con tiện men xanh. Còn lại là màu nâu óng đỏ của vài kệ giá gỗ gắn liền vào tường gạch hoặc tay vịn lan can cầu thang của lối lên lầu. Ngôi nhà mới cũng được lát sàn bằng loại gạch đất nung 6 cạnh đỏ au, tuy có kích cỡ nhỏ hơn gạch nền nhà cổ.

Nhà mới được xây có kích thước tương đương nhà cổ, tức là cũng có diện tích mặt bằng 12x20m. Tầng trệt được ngăn ra vài căn buồng nhỏ, có hành lang giữa đi vào. Tầng lầu chỉ một không gian lớn, trưng bày những kỷ vật của gia đình. Một chiếc tủ thờ, một số bàn ghế cổ xưa khảm xà cừ óng ánh. Vài ô cửa sổ đón thêm gió nắng được làm theo kiểu xưa với chấn song sắt dọc, cửa lá sách ngang.

Thuần khiết vậy thôi, nên đã “ăn nhập” hoàn toàn với ngôi nhà cổ. Nhà mới nối liền nhà cổ qua một khoảng sân trời, với hai bên là hai vệt hành lang cũng cùng chất liệu gạch xây, gạch lát, lan can con tiện men xanh. Nơi tiếp giáp giữa hai ngôi nhà cũ, mới là hai vòm xây gạch cao to lừng lững, chỉ toàn một loại gạch xây trần mà không tô trát. Điều thú vị và nổi bật nhất của nhà mới cũng được giới thiệu từ đây- những mảng gạch trần.

 Vâng, tất cả các phần xây của ngôi nhà mới đều là những mảng gạch trần, dù là vòm cong hay tường phẳng. Xây tường gạch trần mới khó làm sao! Thợ hồ quá biết điều này. Phải cẩn thận khi rải từng bay vữa và thận trọng khi đặt gạch. Nếu không, những khiếm khuyết sẽ lộ ra không thể che phủ do không có lớp vữa trát.

Giữa hai hàng gạch lại phải khéo léo vét cho mạch vữa lõm vào. Mảng gạch trần chỉ chấp nhận sự xù xì nguyên bản của viên gạch, mà không cho phép mạch vữa thò ra gai góc, lô nhô.

Bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết được những viên gạch trần xây nên ngôi nhà mới này cũng là gạch cổ. Thậm chí nó còn có thể “cổ” hơn gạch xây ngôi nhà cổ trên kia. Bởi đấy là gạch mà chủ nhà mua được khi người ta phá dỡ những ngôi nhà cổ cuối cùng trong thành Săng-đá ngày xưa, nơi bây giờ là trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh.

Về ngôi thành, như chúng ta đã biết, trước kia từng là thành phủ Tây Ninh được triều Nguyễn cho xây đắp từ năm 1838. Sau hiệp ước bán nước của triều vua Tự Đức năm 1862, giặc Pháp đã lấy vị trí này, phá dỡ các bờ thành đắp đất để xây bằng gạch đá. Hiện chưa có tư liệu nào nói rõ những ngôi nhà xây trong thành Săng-đá có tự năm nào.

Chỉ biết vào tháng 4.1969, đơn vị C5-trợ chiến pháo binh của quân giải phóng Tây Ninh đã pháo kích vào làm nổ tung kho đạn, khiến Chi khu Quân sự tỉnh của nguỵ quyền Sài Gòn đã phải dỡ bỏ một số ngôi nhà bị hư hại nặng. Hai ngôi nhà còn lại tới sau ngày giải phóng vẫn được tiếp tục sử dụng.

Đã có giai đoạn ngôi trệt được dùng làm văn phòng làm việc, ngôi lầu được dùng làm nhà khách. Chưa rõ năm xây nhưng khảo sát cho thấy chúng được xây vào thời còn chưa có xi măng và bê tông cốt thép. Do vậy mà sàn ngôi nhà lầu cũng được cuốn từ gạch trên những cây đà thép. Sau cả trăm năm thép đã mỏi nhưng gạch còn chưa nát, đi trên sàn thấy nhún nhảy dập dình muốn sập. Tất cả tường, cột và vòm cuốn hành lang cũng được xây cuốn bằng gạch- những viên gạch thẻ có kích thước lớn hơn so với gạch thẻ thông dụng ngày nay, chỉ 5,5x11x22cm. Chúng cũng được nung từ các lò nung thủ công, bởi mặt gạch xù xì, không trơn láng như gạch ống và gạch thẻ bây giờ.

Đã có một thời, xí nghiệp gạch ngói Hoà Thành từng quảng cáo cho sản phẩm của mình (trên TTV11) rằng gạch ngói của họ có chất lượng tốt nhất, sẽ bảo hành viên gạch tới 50 năm. Lúc mới nghe thì hơi “choáng” nhưng nay nghĩ lại có thể tin được.

Bởi lẽ, những viên gạch cổ thành Săng-đá sau thời gian trên dưới 100 năm đã lại bắt đầu có một đời sống khác tại địa chỉ số 39, đường Phan Châu Trinh, phường 1, thành phố Tây Ninh. Xa hơn nữa, tới hơn 1.000 năm trước, trên miền đất này từng có loại gạch mà các cộng đồng cư dân cổ xưa từng xây đền tháp như tháp Chót Mạt (huyện Tân Biên) tháp Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng).

Và rải rác trên miền đất này vẫn còn nhiều di tích được dân địa phương gọi là Gò Tháp. Thử tìm xem, thế nào ta cũng gặp những viên gạch rải rác đó đây trên hoặc dưới mặt gò, trải qua hơn 1.000 năm vẫn còn nguyên màu sắc lửa, như vẫn còn tiếp tục thách đố thời gian, mưa nắng đi qua.

Nhân câu chuyện kể về một đời sống khác của gạch cổ thành Săng-đá, có lẽ cũng nên ca ngợi hoặc cảm ơn những tốp thợ Tây Ninh chuyên nhận thầu phá dỡ những ngôi nhà cổ. Họ đã đổ biết bao công sức trên các công trình, để nhặt nhạnh, tận dụng lại nhiều loại vật liệu tưởng như đã phải bỏ đi, dù là từng viên gạch hay từng thanh sắt. Dĩ nhiên, đấy là việc tích cực bảo vệ môi trường đô thị. Đây cũng là tiền đề cho việc tái sinh những viên gạch cổ cho kiến trúc mới hôm nay.

Sự tái sinh ấy, ở ngôi nhà cổ vừa được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh lần này mới hào hoa và rực rỡ làm sao! Ngôi nhà mới cứ như tự nhiên hoà nhập với công trình cổ 124 năm tuổi tác. Những cung bậc nâu trầm của ngói, hoe vàng của gạch, những màu son tươi gạch và gỗ mới cứ hoà quyện vào nhau, tôn vinh các giá trị đứng bên nhau. Và như thế, ngôi nhà cổ lại càng thêm cổ.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục