Tua Hai là một cứ điểm quan trọng của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 chủ lực nguỵ, được tổ chức chỉ huy rất bài bản và chặt chẽ, có đầy đủ trang bị vũ khí, kể cả vũ khí lớn để trang bị cho những đơn vị mới thành lập. Bảo vệ Tua Hai có một tiểu đoàn ứng chiến, hai đại đội thám báo và một đơn vị thiết giáp.
Nói chung, đây là một căn cứ quân sự quan trọng và rất mạnh của địch. Do vậy, tiêu diệt được căn cứ Tua Hai sẽ tạo nên một bước ngoặt quyết định cho phong trào cách mạng ở Tây Ninh nói riêng và cho Nam bộ nói chung.
Sau khi có chủ trương của Xứ uỷ đánh Tua Hai để mở màn cho cuộc đồng khởi toàn miền Nam, ta đã tích cực tập hợp lực lượng, bố trí thành 5 đại đội gồm C59, C60, C70, C80 của Miền, C20 của Tây Ninh và 1 trung đội Bình Xuyên, với vũ khí kém và cũ hơn, trong đó có nhiều vũ khí tự tạo và khoảng 300 dân công tham gia đánh Tua Hai.
Ðúng 0 giờ 30 phút, ngày 26.1.1960, trận đánh Tua Hai bắt đầu. Quân ta từ ba hướng (Bắc, Ðông, Nam), với 4 mũi bí mật áp sát địch, bất ngờ tiến công vào mục tiêu chủ yếu là Sở chỉ huy trung đoàn địch, làm rối loạn chỉ huy. Quân ta đã nhanh chóng đánh chiếm kho súng, lấy vũ khí địch để đánh địch.
Với cách đánh mưu trí và dũng cảm, chỉ trong vòng 3 giờ, quân ta đã làm chủ căn cứ, tiêu diệt Sở chỉ huy, đánh thiệt hại và làm tan rã ba tiểu đoàn địch; bắt sống, diệt và làm tan rã hai tiểu đoàn; bắt, giáo dục, thả tại chỗ 500 tù binh, thu hơn 1.200 súng các loại và nhiều đạn, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh (Lịch sử Biên niên Xứ uỷ Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr202).
Lực lượng dân công vào mang vác súng đạn, ai cũng hết sức mình để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng cách mạng.
Sau chiến thắng Tua Hai, quân và dân Tây Ninh đồng loạt nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận đã gỡ được 30 đồn bót địch, chiếm tỉ lệ 50% đồn bót trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh. Tề và dân vệ xã, ấp của địch tan rã trên 70%.
Ðến cuối năm 1960, trên phân nửa đồn bót địch trong tỉnh bị bức hàng, bức rút. Các khu trù mật ở Bời Lời, Truông Mít, Giồng Nần, Bổ Túc, Mỏ Công… đều bị quân và dân Tây Ninh đánh phá. Kết quả này đã tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn, xã liền xã, huyện liền huyện; hành lang từ vùng căn cứ Bắc Tây Ninh nối liền xuống đồng bằng sông Cửu Long, nối với các tỉnh miền Ðông, với căn cứ vùng Ðông Bắc Sài Gòn, với Sài Gòn - Gia Ðịnh và miền Ðông Campuchia được mở rộng, tạo thế liên hoàn cần thiết cho một vùng căn cứ đầu não.
Chính vì có những địa thế thuận lợi này, đến cuối năm 1961, Trung ương Cục đã quyết định chọn vùng Bắc Tây Ninh làm nơi xây dựng căn cứ đầu não của Trung ương.
Chiến thắng Tua Hai trở thành niềm tự hào của Ðảng bộ và Nhân dân Tây Ninh, làm cho Mỹ - nguỵ hoang mang, nhân dân phấn khởi; tiêu biểu cho một loại hình đồng khởi bắt đầu từ tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng. Trận đánh Tua Hai diễn ra cách đây đã tròn 60 năm nhưng giá trị và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này vẫn mang giá trị vĩnh hằng, là bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phát huy truyền thống “Tây Ninh trung dũng kiên cường” và những giá trị, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Tua Hai, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây ninh đã ra sức nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân để xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu đẹp.
Thắng lợi của chiến thắng Tua Hai có được trước hết là ở sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, là thắng lợi của cả một quá trình chuẩn bị mọi mặt, lâu dài, gian khổ của Ðảng bộ, quân và dân Tây Ninh nói riêng và miền Ðông Nam bộ nói chung.
Trong đó, vai trò lãnh đạo của Ðảng là yếu tố xuyên suốt, quyết định mọi thắng lợi. Trong giai đoạn hiện nay, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và những âm mưu “diễn biến hoà bình”, chống phá của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng thì vai trò lãnh đạo của Ðảng càng phải được thể hiện toàn diện.
Vai trò điều hành của chính quyền phải bám sát được các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chỉ thị nhiệm vụ của cấp trên, tình hình thực tiễn của địa phương, để tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng phải không ngừng được tăng cường và đổi mới, để Ðảng ta xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Những năm qua, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh luôn phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, kiên định tiến bước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Với quyết tâm cao độ, Ðảng bộ tỉnh đã đạt được những thành quả to lớn bước đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trong thực hiện có nhiều đổi mới, đi vào thực chất. Công tác đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá của các thế lực thù địch; phản bác, gở bỏ các thông tin, quan điểm sai trái, xấu, độc trên internet và mạng xã hội được tỉnh quyết liệt triển khai và đạt được kết quả rất to lớn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá về tư tưởng, chính trị trong nội bộ.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh luôn tăng cường xây dựng và không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần phòng, chống tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa dân.
Sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết, thống nhất trong Ðảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân và của hệ thống chính trị là cơ sở, nền tảng để Tây Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên phát triển nhanh, toàn diện trong thời gian tới.
Quân và dân Tây Ninh vốn có truyền thống đi đầu trong đấu tranh cách mạng, trong chiến tranh giải phóng và trong chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Phát huy truyền thống đó, Ðảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đoàn kết một lòng, dựa vào dân xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Ðồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm phạm đất nước ta. Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, láng giềng thân thiện, hợp tác trong xây dựng kinh tế và đấu tranh chống các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia với Campuchia.
60 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Tua Hai mãi mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, của Ðảng và công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Ðảng bộ, quân và dân Tây Ninh.
Thắng lợi này mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng miền Nam, thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đẩy mạnh tiến công và tổng tiến công địch giành thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời gian có thể qua đi nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của chiến thắng Tua Hai vẫn mãi là bài học kinh nghiệm quý báu để giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Minh Triều
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ