Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Niềm vui của một người khiếm thị
Thứ hai: 08:53 ngày 09/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 43 tuổi đời, chị Lê Thị Diễm Lan (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) đã có 30 năm sống trong bóng tối.

Năm 13 tuổi, chị được phát hiện có khối u trong não, dù đã làm phẫu thuật nhưng đôi mắt chị cứ mờ dần rồi tối hẳn. Sức khoẻ của chị cũng ngày một yếu do bệnh tim. Cô bé Lan ngày ấy chỉ biết quanh quẩn trong nhà, không dám bước ra ngoài bởi sự tự ti, mặc cảm.

Chị Lan và sản phẩm móc khoá do chị làm.

Chị Lan là một trong những học viên đầu tiên khi Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh được thành lập. Ở đây, chị chăm chỉ học chữ nổi, học nghề và những kỹ năng cần thiết… với quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.

Năm 2016, chị trở về gia đình, cố gắng làm việc nhà phụ giúp ba mẹ già yếu. Gia đình khó khăn, chị Lan lại không ứng dụng được các nghề đã học tại trung tâm như dệt chiếu, dệt thảm... Lúc đó, thấy nhiều bạn học nghề massage và có việc làm, chị thích lắm nhưng không theo được do không có sức khoẻ.

Vài năm trước, được một bạn học giúp nhận việc xỏ gia công móc khoá bằng hạt nhựa để có thêm thu nhập, chị hào hứng và chăm chỉ làm để kiếm tiền thuốc thang. Hiện tại, khối u trong não chị tái phát, phải uống thuốc mỗi ngày để hạn chế phát triển. Những cơn đau đầu thường xuyên, nhất là khi trời nắng nóng khiến chị rất mệt.

Sản phẩm móc khoá của chị Lan.

Mỗi ngày, sau khi làm xong việc nhà, chị lại tỉ mỉ xỏ hạt, làm móc khoá. Những hũ đựng hạt nhựa được chị cẩn thận ghi tên bằng chữ nổi để phân biệt màu cho thuận tiện hơn khi làm việc.

Theo chị Lan, mỗi đợt nhận được mẫu mới, chị cẩn thận nghe công thức tạo hình rồi ghi chép vào sổ bằng chữ nổi để dùng cho những lần tiếp theo. Gặp những mẫu khó, chị nhờ các cô giáo ngoài trung tâm hướng dẫn thêm. Xỏ xong một công đoạn, chị lại nhờ ba mẹ kiểm tra về màu sắc xem chuẩn chưa rồi mới tiếp tục. Đến khi sản phẩm hoàn thành, chị lần mò kiểm tra về hình dáng xem có lỗi gì không. Tuy vậy, cũng có đôi lần sản phẩm gửi đi có lỗi bị trả lại, chị Lan đều rút kinh nghiệm để cẩn thận hơn.

Chị Lan cho biết, số lượng hàng nhiều hay ít tuỳ theo thời điểm, trung bình khoảng 100 sản phẩm/đợt, nhưng dịp tết, tăng lên khoảng 170 sản phẩm. Mỗi đợt hàng, chị có thể kiếm trên dưới 1 triệu đồng. Dù số tiền kiếm được không đủ chi phí điều trị bệnh, nhưng chị vẫn cố gắng làm việc. Bởi chỉ có vậy, chị mới thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn.

Là người hỗ trợ cho chị Lan, chị Lê Thị Nhung, ngụ xã Tân Phú, Tân Châu cho biết: “Chị em nhiều năm ở cùng trung tâm, sau này thấy chị Lan không có việc làm nên tôi tìm giúp. Chị làm việc chăm chỉ và luôn giao hàng đúng hạn. Thu nhập từ công việc này dẫu không cao nhưng với người khiếm thị đã là đáng quý”.

Anh Lê Hữu Tâm- Chủ tịch Hội Người mù thị xã Hoà Thành chia sẻ, chị Lan là hội viên có nhiều nỗ lực trong cuộc sống, dù gặp khó khăn do khiếm thị và bệnh tật, nhưng chị không ngừng cố gắng để vươn lên. Thời gian qua, Hội quan tâm hỗ trợ quà hằng tháng, giúp vay vốn để chị cải thiện cuộc sống.

Ngô Tuyết

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục