Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi công nghiệp hoá, cơ giới hoá ngày càng phát triển, từng bước thay thế dần sức lực con người, các sản phẩm thủ công ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do đó, chỉ còn một số người duy trì nghề cũ.

Tại thị xã Trảng Bàng có 3 làng nghề truyền thống được công nhận: nghề rèn ở khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc; nghề bánh tráng ở phường Trảng Bàng và nghề mây tre đan tại phường An Hoà. Theo ông Nguyễn Viết Kiên- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường Thị xã, trước kia, các nghề truyền thống ở Trảng Bàng phát triển rất mạnh.
Tuy nhiên, khi công nghiệp hoá, cơ giới hoá ngày càng phát triển, từng bước thay thế dần sức lực con người, các sản phẩm thủ công ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do đó, chỉ còn một số người duy trì nghề cũ. Những năm gần đây, tình hình sản xuất tại một số làng nghề càng khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu vốn và khó tìm nguyên liệu.
Những làng nghề trăm năm
Nghề rèn ở phường Gia Lộc có lịch sử phát triển lâu đời, lúc hưng thịnh có hơn 300 hộ làm nghề tập trung tại khu dân cư gọi Ô Lò Rèn, với đa dạng sản phẩm như liềm, cày, cuốc… phục vụ sản xuất. Khách hàng đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nay, tại khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc, những lò rèn vẫn đỏ lửa nhưng không còn rộn rã như xưa.
Ông Trần Văn Thiệp- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố cho biết, hiện tại nơi đây còn 13 hộ làm nghề, trong đó chỉ khoảng vài hộ làm nghề có quy mô tương đối lớn; còn lại chỉ làm nhỏ lẻ, giữ nghề, giảm rất nhiều so với trước. Bên cạnh đó, còn có khoảng 20 hộ chuyên sống bằng nghề buôn bán sản phẩm từ các lò rèn.
Ông Thiệp cho rằng khó khăn là do các lò sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khâu tiêu thụ còn hạn chế; những người thợ cốt cán tại Ô Lò Rèn ngày nào giờ đều từ 60 tuổi trở lên; lớp trẻ không còn nối nghiệp gia đình mà tìm những công việc khác, vào khu công nghiệp lao động.
Dù lò vẫn làm việc mỗi ngày nhưng ông Hà Văn Đạm- một thợ rèn lâu năm tại khu phố Tân Lộc vẫn luôn tâm tư. Bởi vì nghề rèn của gia đình ông đã truyền qua 7 đời, đến đời ông thì các con không nối nghiệp nữa. Ông Đạm cho biết nghề rèn khoảng 7-8 năm trước thu nhập rất khá còn bây giờ thì khó khăn hơn do có nhiều cạnh tranh.
Lò rèn của ông chuyên rèn vật dụng làm nông nghiệp như cuốc, cày… có nhiều công đoạn vẫn phải dùng sức người là chính. Lâu năm trong nghề, ông Đạm có nhiều mối trong và ngoài tỉnh, nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là thiếu vốn.
Ông nói: “Nếu đủ vốn mình sẽ đầu tư để làm nhiều hơn chứ không chỉ gói trong lượng hàng được đặt. Có mở rộng thì sẽ có thêm nhiều mối hàng mới vì chất lượng sản phẩm mình bảo đảm. Địa phương cũng có đủ nhân công để làm việc”.
Vui vẻ “khoe” vừa nhận được đơn hàng 100 lưỡi cày từ một mối quen cố định tại huyện Tân Biên, ông nói thêm, trước đây họ chỉ đặt vài chục lưỡi, nay số lượng tăng lên do chất lượng sản phẩm của ông đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Ông Đạm vẫn luôn tự tin làm nghề.
Cùng khu phố Tân Lộc, còn có một lò rèn được hiện đại hoá hơn của ông Lê Văn Mót, năm nay 60 tuổi và có hàng chục năm làm nghề truyền thống của gia đình. Nhà ông có 7 anh em trai thì hết 6 người theo nghề. Có điều, con trai ông Mót đã chọn làm nghề khác dù được truyền nghề, bởi nghề này không còn thịnh vượng như trước.
Ông làm sản phẩm theo đơn đặt hàng. Khi mối có yêu cầu, lò rèn mới “nổi lửa”, còn không thì tạm ngưng. Những năm gần đây, ông mạnh dạn đầu tư máy móc để làm các công đoạn như dập, mài, tiện… “Hầu như các công đoạn tại lò nhà tôi đều làm bằng máy rồi. Có máy hỗ trợ làm việc cũng đỡ mệt hơn rất nhiều”- ông Mót nói và cho biết thêm mình sống được với nghề. Nó như đã “ngấm” vào máu, và ông sẽ làm đến khi không làm nổi nữa mới thôi.
Lò rèn của ông Mót được hiện đại hoá giúp làm việc nhàn hơn.
Bên cạnh nghề rèn ở Gia Lộc, làng nghề mây tre đan cũng tồn tại lâu đời tại đất An Hoà. Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tre (khu phố An Quới, phường An Hoà), nhiều nhân công miệt mài làm việc.
Chị Huỳnh Thị Anh Thư- Giám đốc Công ty cho biết mình đã có hơn 20 năm làm nghề. Công ty của chị sản xuất sản phẩm nội thất xuất khẩu, với quy mô việc làm cho 50 lao động, lương trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng không tăng ca.
“Công ty sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, bên cạnh đó, cũng có tự chế tác sản phẩm mang ra chào hàng. Công ty có đa dạng sản phẩm với phong cách hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Tre chia sẻ.
Dù rất tự hào vì giữ được nghề truyền thống; tạo công ăn việc làm cho các nghệ nhân tâm huyết với nghề; tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương làm thành những sản phẩm có giá trị, nhưng chị Anh Thư vẫn băn khoăn vì nghề hiện nay chỉ thu hút lao động lớn tuổi. Tại công ty chị, người trẻ nhất cũng đã ngoài 30 và đang được chị tận tình truyền lửa. Một điểm sáng là các bạn đều yêu nghề, tạo ra sản phẩm ngày càng đẹp, sắc sảo.
Nghề làm bánh tráng phơi sương đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển. Tại khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, nghề làm bánh tráng được duy trì quanh năm. Thậm chí, trong các dịp lễ tết, sản phẩm làm ra không kịp bán.
Phát triển làng nghề truyền thống: Cần một cái “bắt tay”
Để bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, nhiều năm qua, lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Viết Kiên- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Trảng Bàng, sắp tới, Thị xã sẽ tiếp tục có một số giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề.
Cụ thể, tận dụng các nguồn kinh phí để đào tạo nghề, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh; huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác để khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia thực hiện các chương trình, dự án, mô hình để phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tăng cường hợp tác liên kết doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình để phát triển các nguồn hàng có tiềm năng, thế mạnh phát triển; bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi từ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thông qua các hợp đồng liên kết gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia; phát triển vùng nguyên liệu theo hướng gắn với sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị.
Nhân công làm việc tại công ty chị Anh Thư.
Theo chị Huỳnh Thị Anh Thư- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Tre, thời gian qua, công ty đã hai lần được tham gia chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức. Các hoạt động đó đã giúp chị có thêm những khách hàng tiềm năng.
Chị Anh Thư cho rằng thu nhập không phải là nguyên nhân chính khiến nhiều người- nhất là các bạn trẻ không thiết tha với nghề truyền thống, quan trọng nhất là phải có sự yêu thích. Nghề mây tre đan đang tạo được những giá trị riêng, đặc sắc của mình. Và hiện nay, khách có xu hướng chuộng những sản phẩm truyền thống từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đây chính là cơ hội cho các làng nghề truyền thống- trong đó có mây tre phát triển.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng nhận định, chính quyền, các ngành, các cấp có liên quan đang tích cực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các làng nghề đã tồn tại từ trăm năm.
Và việc có phát triển được hay không còn phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ sản phẩm từ các làng nghề. Vấn đề là hiện nay một số sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp vì độ sắc sảo không bằng mà giá thành lại cao hơn.
Chị Anh Thư, nhiều năm tâm huyết với nghề mây tre.
Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Đình Xuân, vẫn có một bộ phận khách hàng theo phong cách “hoài niệm”, ưa chuộng sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người thích tham gia các chương trình du lịch trải nghiệm. Nắm bắt xu hướng này, ngành Du lịch có thể “bắt tay” cùng các làng nghề truyền thống tạo ra những tour trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Vi Xuân