Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường đấu tranh phòng, chống ma tuý, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm. Tuy nhiên, tệ nạn ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp.
Điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Cai nghiện tại cộng đồng: Chưa hiệu quả
Tính đến ngày 9.9.2019, số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 5.039 người. Thượng tá Phạm Công Minh- Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý- Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an đã lập hồ sơ quản lý người nghiện ma tuý để tham mưu cho UBND cấp xã, huyện xét đưa đi cai nghiện bắt buộc. Qua thống kê, số người nghiện ma tuý là thanh, thiếu niên chiếm trên 80%, do gia đình quản lý con cái lỏng lẻo, nuông chiều quá mức; có trường hợp cha mẹ ly thân, con cái không nghề nghiệp, dễ sa ngã vào con đường nghiện ngập…
9 tháng năm 2019, toàn tỉnh có 200 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trong đó, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng 56 người; cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 61 người và cai nghiện tự nguyện tại gia đình 83 người.
Đối với công tác cai nghiện tại cộng đồng, tại các huyện, thành phố đều có tổ công tác cai nghiện ma tuý, đội công tác xã hội tình nguyện; duy trì hoạt động 3 điểm tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại hai huyện Gò Dầu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh. Ngành chức năng đang thí điểm quản lý, giáo dục, cai nghiện tại cộng đồng ở 9 xã, phường của các huyện, thành phố trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Tiễn- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn một số hạn chế. Người nghiện và gia đình không hợp tác, còn né tránh, che giấu tình trạng nghiện. Mọi người còn giữ tâm lý kỳ thị nặng nề. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tác cai nghiện còn ít, không đủ khả năng chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều công tác, mức phụ cấp còn chưa bảo đảm cho hoạt động. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành tại địa phương đôi lúc chưa hiệu quả.
Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố tổ chức các đội công tác xã hội tình nguyện, tổ công tác cai nghiện ma tuý, duy trì các điểm tư vấn và hoạt động của các mô hình quản lý, giáo dục và điều trị nghiện có hiệu quả tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về ma tuý, cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh. Đơn vị sẽ tham mưu cơ quan cấp trên rà soát, bổ sung, sửa đổi quy định, chính sách về cai nghiện, quản lý sau cai bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, có tính khả thi.
Cơ sở vật chất xuống cấp
Cơ sở cai nghiện ma tuý (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) hiện có 63 cán bộ, viên chức, người lao động. Tổng số học viên đang quản lý là 657 người, trong đó có 25 nữ (cai nghiện bắt buộc 652 học viên, đối tượng xã hội là 5 học viên). Số lượng học viên cai nghiện chủ yếu là đối tượng bắt buộc và không có nơi cư trú ổn định. Trong quá trình điều trị, cơ sở phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, tổ chức dạy nghề cho học viên. Năm 2019, mở 4 lớp dạy nghề với 80 học viên tham gia. Các học viên sau khi chấp hành xong quyết định cai nghiện được trả về gia đình, địa phương quản lý.
Thời gian qua, Cơ sở cai nghiện ma tuý được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các sở, đoàn thể phối hợp hỗ trợ trong quá trình cai nghiện cho học viên. Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, các Huyện đoàn, chi đoàn, ngành Công an phối hợp giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, cơ sở vẫn còn một số khó khăn gây ảnh hưởng đến công tác cai nghiện.
Cơ sở vật chất của đơn vị đã xuống cấp, không phù hợp với quy mô thực tế. Học viên quá tải, phòng ở không đáp ứng yêu cầu. Dự án nâng cấp, sửa chữa giai đoạn I đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa bảo đảm như hệ thống thoát nước, khu vệ sinh bị nghẹt thường xuyên... Đội ngũ cán bộ, nhân viên còn thiếu, kinh nghiệm quản lý học viên còn yếu.
Ông Đặng Xuân Vũ- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý cho biết, để thực hiện tốt công tác cai nghiện cho học viên, đơn vị tạm dừng việc nhận học viên trong một thời gian. Cơ sở vật chất cần sớm cải tạo, đầu tư, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho học viên; tăng cường cán bộ, viên chức tại đơn vị.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác cai nghiện tại cơ sở, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết sẽ tham mưu, phối hợp các cơ quan liên quan phê duyệt kinh phí và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma tuý giai đoạn II. Bổ sung biên chế, duy trì cân đối học viên ra vào cơ sở, bảo đảm phù hợp công năng thiết kế, không để quá tải. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục học viên tại cơ sở.
Còn trường hợp bỏ điều trị
Trong công tác phòng chống ma tuý, ngành Y tế tham gia trong việc xác định tình trạng nghiện, điều trị nghiện ma tuý và quản lý thuốc gây nghiện. Đối với việc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, Quyết định 1008 của Chính phủ giao cho Tây Ninh 400 bệnh nhân điều trị Methadone thay thế heroin. Năm 2015, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành Y tế mở cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở phường IV, TP. Tây Ninh. Sau đó, mở thêm 1 cơ sở ở huyện Gò Dầu.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 cơ sở cấp thuốc Methadone cho bệnh nhân nghiện ma tuý. Trong 6 tháng đầu năm 2019, 2 cơ sở có 349 bệnh nhân, chiếm trên 85% chỉ tiêu Chính phủ giao. Đối với bệnh nhân điều trị trên 6 tháng, tỷ lệ tái nghiện, tái sử dụng heroin thấp, tỷ lệ có việc làm tăng, bệnh nhân được phục hồi sức khoẻ, tái hoà nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong quá trình thực hiện, công tác điều trị nghiện bằng Methadone còn gặp khó khăn. Một số bệnh nhân bỏ điều trị do hoàn cảnh gia đình, công việc không có điều kiện tham gia chương trình. Toàn tỉnh có 2 cơ sở cấp thuốc Methadone, các bệnh nhân ở xa khó tiếp cận. Nhiều người đi làm ăn xa, công việc có tích chất lưu động như tài xế đường dài, phụ hồ không có điều kiện đến cơ sở mỗi ngày để uống thuốc.
Sự kỳ thị của cộng đồng đối với bệnh nhân nghiện heroin, trong đó có cả gia đình của họ. Địa phương chưa hỗ trợ việc làm nhiều. Methadone chỉ điều trị cho bệnh nhân nghiện heroin, bệnh nhân nghiện ma tuý tổng hợp không thể uống Methadone.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, để công tác điều trị nghiện bằng Methadone mang lại hiệu quả cao, thời gian tới sẽ tăng cường truyền thông, tiếp tục cho người nghiện tham gia chương trình điều trị; phối hợp địa phương tạo việc làm cho bệnh nhân khi họ tham gia chương trình; mở thêm điểm cấp phát thuốc cho người nghiện được tiếp cận.
Hiện nay, ngành chức năng đang tiến hành sửa chữa Trạm Y tế xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên; phối hợp với UBND huyện Tân Biên, Tân Châu mở điểm cấp phát thuốc Methadone tại trạm y tế xã để bệnh nhân ở khu vực phía Bắc của tỉnh có thể tiếp cận chương trình điều trị, rút ngắn khoảng cách, hạn chế tình trạng bỏ trị.
Trước tình hình tội phạm ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, ngành Y tế khuyến cáo mọi người không nên thử heroin, chỉ cần một liều đầu tiên đã có thể gây nghiện. Người đang nghiện nên tham gia chương trình điều trị để tái hoà nhập cộng đồng. Gia đình cần chia sẻ, động viên, thúc đẩy bệnh nhân tham gia điều trị. Cộng đồng không nên kỳ thị, đẩy bệnh nhân vào con đường nghiện nặng hơn.
Bệnh nhân được khám và tư vấn sức khoẻ tại Cơ sở Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone TP.Tây Ninh.
Dự báo tình hình tội phạm về ma tuý tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng Công an sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cao điểm huy động ban, ngành, chính quyền địa phương đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý. Lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, cảnh báo trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; kêu gọi toàn xã hội không đi vào con đường sử dụng trái phép chất ma tuý, vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tích cực tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh có kế hoạch trong công tác đấu tranh, phòng chống ma tuý; phối hợp các ban, ngành quản lý, giáo dục người nghiện ma tuý.
Phương Thảo